Nông dân “đổi đời” nhờ phát triển kinh tế gia trại
VHO - Phát huy tiềm năng, thế mạnh vườn đồi để làm kinh tế gia trại, nông dân Phan Tám (57 tuổi), thôn Long Bình, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) từng bước làm giàu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn.
Vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại được ông Tám chú trọng đặc biệt trong chăn nuôi
Nhờ nhạy bén trong phát triển kinh tế hộ gia đình, sau 10 năm gắn bó với chăn nuôi, ông Phan Tám đã làm chủ gia trại chăn nuôi tổng hợp diện tích 2.000 mét vuông, cho thu nhập ổn định. Ông Tám cho biết, thời gian đầu bắt tay vào chăn nuôi, vốn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm, ông chỉ nuôi heo nái đẻ con để bán giống, sau ông nhận thấy chỉ nuôi heo nái thì nguy cơ rủi ro cao, nên ông đã chuyển sang chăn nuôi gia trại tổng hợp. Gia trại của ông được phân làm 3 khu chuồng riêng biệt, khép kín gồm: khu nuôi gà, khu nuôi heo thịt và khu nuôi bò.
Mỗi năm ông Tám xuất bán ra thị trường khoảng 3,2 tấn heo hơi
Mỗi năm gia trại ông Tám thả nuôi 3 lứa heo thịt 45 con, xuất bán ra thị trường khoảng 3,2 tấn heo hơi/năm. 2 lứa gà kiến thùng 2.000 con (dòng gà Minh Dư, nhập từ Bình Định), xuất bán ra thị trường 4 tấn gà ăn thịt/năm và 6 con bò thịt giống bò lai 3B/năm. Sau khi trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng triệu/năm.
Ngoài ra. ông Tám còn có nguồn thu nhập từ 1.000 cây cau trong vườn, với giá cau hiện nay bình quân 10.000 đồng/kg, ông thu về trên 20 triệu đồng/năm.
“Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã quen với những công việc của nhà nông. Khi mới lập gia đình, làm đủ thứ nghề nhưng thu nhập không được là bao, cuộc sống ngày càng khó khăn. Khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã thôi thúc tôi tích cực tìm hiểu, tham quan, học hỏi những mô hình chăn nuôi có cách làm hay và hiệu quả kinh tế cao”, ông Tám chia sẻ .
Trại bò của ông Tám thoáng mát
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Tám cho biết, để có được cuộc sống đổi thay như ngày hôm nay là nhờ vào sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của Ðảng ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã và các tổ chức tín dụng. Bản thân ông được tập huấn các chương trình chăn nuôi gia súc, gia cầm hằng năm cho hộ làm nông, lâm nghiệp ở xã. Năm 2019, hộ ông còn được hỗ trợ 125 con gà giống và 70% nguồn thức ăn cho gà từ nguồn hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi; đó cũng là cơ sở, động lực để ông mở rộng trại gà quy mô như hôm nay.
“Nhờ thu nhập chính từ chăn nuôi, vợ chồng tôi đã có cuộc sống đầy đủ, nuôi 4 người con học đến đại học và ra trường có việc làm ổn định”, ông Tám cười nói.
Vườn 1.000 cây cau cho thu nhập thường xuyên
Theo ông Tám, chăn nuôi ở nông thôn ngày nay phải có quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm, nắm vững các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Bản thân người làm kinh tế nông nghiệp cũng phải luôn nghiên cứu để nắm vững nhu cầu của thị trường cần loại sản phẩm gì để quyết định đầu tư nuôi, trồng bảo đảm đem lại giá trị thu nhập cao. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác thú y và chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi…
Ông Phan Tám là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện
Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây Nguyễn Văn Duân cho biết, trong những năm qua, từ chủ trương của xã và nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa và đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Nhờ đó, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã không ngừng tăng dần qua các năm. Hiện nay, trên địa bàn có hàng trăm hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo quy mô tập trung. Có thể nói, chăn nuôi gia súc của xã đã có nhiều khởi sắc và trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và là tiền đề quan trọng góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.
“Ông Phan Tám là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, lan toả niềm say mê lao động sản xuất ở địa phương. Là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương”, ông Duân nói.
NHƯ ĐỒNG