Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Tăng cường kiểm tra, xử lý nhằm bảo vệ người tiêu dùng
VHO - Thương mại điện tử phát triển mở ra nhiều cơ hội nhưng đi kèm đó là số lượng vi phạm cũng tăng lên đáng kể và hàng loạt thách thức cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường. Số vụ vi phạm tăng mạnh, buộc lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nhằm bảo vệ người tiêu dùng và giữ vững kỷ cương thị trường.

Thống kê cho thấy, riêng 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 161 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 1 tỷ đồng trên lĩnh vực thương mại điện tử. Đáng lưu ý, các mặt hàng bị làm giả đa dạng, từ đồng hồ, túi xách hàng hiệu đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử, sách vở, đồ gia dụng, sữa bột giả, dầu ăn giả…
Là địa bàn lớn của cả nước, thành phố Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm, đặc biệt trên không gian mạng và các nhóm hàng tiêu dùng nhanh, mỹ phẩm, thực phẩm… Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất và chuyên đề. Việc phối hợp với lực lượng công an, các đơn vị liên ngành cũng được tăng cường để nâng cao hiệu quả giám sát và xử lý.
Đáng lưu ý, thương mại điện tử tiếp tục là một điểm nóng với 72 hành vi vi phạm bị xử lý trong 6 tháng đầu năm, riêng tháng 6 là 33 vụ. Các vi phạm tập trung vào hành vi kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm, phụ kiện không rõ nguồn gốc. Đây là lĩnh vực đòi hỏi phương pháp nghiệp vụ tinh vi và sự phối hợp liên ngành để truy vết, xử lý hiệu quả.
Đặc biệt, một số nhóm hàng như thuốc lá điếu nhập lậu tiếp tục được giám sát chặt chẽ, với 23 vụ xử lý trong tháng 6, tang vật vi phạm lên tới gần 1.900 bao thuốc. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cũng phát hiện và xử lý 7 vụ liên quan đến khí N2O, còn gọi là bóng cười với tang vật thu giữ lên đến 206 bình…
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định, tới đây, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các Đội nghiệp vụ tăng cường triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát thị trường, tập trung vào những nhóm hàng có nguy cơ cao vi phạm về chất lượng, xuất xứ, điều kiện bảo quản và an toàn thực phẩm.
Đồng thời, Chi cục sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên thị trường; trong đó, tập trung theo dõi sát tình hình địa bàn, không để xảy ra điểm nóng, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng lậu trên không gian mạng, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, phát triển bền vững trên địa bàn thành phố.
Theo ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm, những năm gần đây, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã và đang triển khai quyết liệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử đến năm 2025 (Đề án 319). Cùng với đó, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã mời các sàn như Shopee, Lazada ký cam kết phối hợp kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Thời gian tới, lực lượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thông tin với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử. Ngoài việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng cũng sẽ áp dụng công nghệ, sử dụng các phần mềm chuyên dụng đang được triển khai nhằm quét và phát hiện hành vi vi phạm từ phía nhà bán hàng.
Đặc biệt, mục tiêu cao nhất của việc đấu tranh phòng, chống hàng giả trên không gian mạng là hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Chống hàng giả triên thương mại điện tử tiếp tục là nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới.
“Chống hàng giả sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc đấu tranh chống hàng giả trên thương mại điện tử nhưng để làm tốt việc này quản lý thị trường phải đi đôi với xây dựng và phát triển thị trường. Bởi quản lý thị trường nếu làm không tốt, việc thúc đẩy phát triển thị trường sẽ không còn ý nghĩa"”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Theo THANH HIỀN/Báo Hà Nội Mới
Link bài viết gốc