Nghề đan thuyền thúng ở Bình Minh
VHO - Bên cạnh hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản, ngư dân vùng biển Hà Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam còn cố gắng lưu giữ, truyền dạy nghề đan thuyền thúng (thúng chai) độc đáo.
Có những thời điểm, tưởng chừng nghề truyền thống này mai một, biến mất trong đời sống hiện đại. Nhưng nhờ nỗ lực của cộng đồng, theo một cách nào đó, nghề truyền thống vẫn nuôi sống ngư dân, được truyền dạy trong không gian làng biển một cách lâu dài, bền vững.

Từ chỗ “tự cung tự cấp”, những chiếc thuyền thúng mang “thương hiệu” của làng Hà Bình được nhiều ngư dân tìm mua vì chất lượng, độ bền khi hành nghề trên biển.
Làng hiện có hơn 10 hộ chuyên đan thuyền thúng cung cấp cho các tàu đánh bắt xa bờ tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Những khoảng tháng 9 Âm lịch đến giáp Tết Nguyên đán, biển động, là mùa rộn rã nhất của nghề. Tàu thuyền nằm bờ, ngư dân ở nhà, rút chì, đan lưới, tu bổ phương tiện , đan thuyền thúng tất bật chuẩn bị mùa biển mới.

Lão ngư Nguyễn Văn Sinh năm nay đã ngoài 70 tuổi. Lúc trẻ, ông theo tàu đánh bắt xa bờ, phương tiện hành nghề là cái thuyền thúng tự đan. Tới ngư trường nào là thả xuống câu mực, đánh bắt và ăn chia theo tỷ lệ 20/80 với chủ tàu.
Sau cơn bão Chanchu kinh hoàn năm 2006 khiến nhiều ngư dân ở làng thiệt mạng khi thả lưới ở ngư trường Hoàng Sa, ông Sinh bỏ biển, lên bờ.
Bỏ đi biển, nhưng vẫn không quên nghề, ông Sinh “khởi nghiệp” lại với nghề đan thuyền thúng cho ngư dân. Ban đầu chỉ làm theo kiểu lấy công làm lời cho vài người quen biết, sau này, chất lượng của những chiếc thuyền thúng do ông Sinh đan được truyền tai nhau, nhiều ngư dân theo tàu đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa đặt hàng ngày càng nhiều. Mỗi năm ông đan ít nhất khoảng 20 thúng câu cho ngư dân.

“Cái thuyền thúng cũng chẳng khác gì chiếc xe ô tô của tài xế trên đường bộ, chiếc máy bay của phi công trên bầu trời. Vừa là phương tiện để kiếm sống, mà cũng là mang theo sinh mạng của tài xế, của phi công, của hành khách”, ông Sinh tâm sự.

Cũng như ông Sinh, những ngư dân làm nghề đan thuyền thúng ở Hà Bình luôn giữ nguyên tắc dù đơn hàng nhiều hay ít thì vẫn tự tay làm hết mọi công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu đến khi thành phẩm để đảm bảo không cẩu thả, không lơ là với bất cứ một chi tiết nhỏ nào.
Nếu giao nhiều người làm, mỗi tay người mỗi khác, thúng sẽ không đều, mịn, khớp nhau. Chưa kể, là vì phương tiện hành nghề trên biển nên người đặt hàng đều chọn người đan và cảm thấy an tâm khi ngồi trên thuyền thúng do người mà họ “chọn mặt gửi vàng”.

Người làm nghề đan thuyền thúng đều là ngư dân, có kinh nghiệm. Chẳng hạn như khi hành nghề câu mực, nước mực mới câu lên rất nóng. Nếu nan tre phơi chưa thật khô mang đan thúng thì khi gặp nước sẽ giãn nở. Không chống thấm tốt thì thúng dễ ngấm nước, ngâm nước lâu ngày nan nhanh mục, rất nguy hiểm.

Làng biển Bình Minh nằm trong khu vực quy hoạch của Nam Hội An, tỉnh Quảng Nam, hiện có rất nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị cao cấp đã đi vào hoạt động và nhiều dự án đang đầu tư xây dựng. Người trẻ ở làng bây giờ cũng ít bám biển mà đã theo nghề du lịch, làm dịch vụ khá nhiều.

Theo một cách nào đó, nghề đan thuyền thúng vẫn âm thầm bền bỉ sống, đơn hàng của các ngư dân ở nhiều vùng khác vẫn đặt đều đều. Nhiều tour du lịch đưa du khách đến tham quan làng, khám phá, xem trình diễn đan thúng.

“Biển ở đó, nghề biển còn, ngư dân vẫn bám biển, thì nghề đan thúng chai sẽ vẫn còn ở những làng biển”, ông Sinh khẳng định.