Bảo tồn văn hóa, môi trường biển để phát triển bền vững

VHO -Quảng Nam có 125 km đường biển, trải dài từ Cửa Đại (TP Hội An) theo hướng Nam đến cửa An Hòa, nối với vịnh Dung Quất (Quảng Ngãi). Vùng biển rộng hơn 40.000m2 với nhiều ghềnh, rạn, đảo ven bờ đã tạo nên nhiều bãi biển đẹp, danh thắng nổi tiếng như Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa (huyện Núi Thành); đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An) - Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận với sự đa dạng sinh học cùng nhiều loài động vật quý hiếm.

Bảo tồn văn hóa, môi trường biển để phát triển bền vững - Anh 1

Du khách cùng nhân viên các khách sạn tham gia nhặt rác ở bãi biển Hội An

 Cùng với hệ thống bãi biển đẹp, những làng nghề ven biển Quảng Nam còn lưu giữ được rất nhiều bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời, từ những kiến trúc, hệ thống lăng, miếu đặc trưng, phong tục tập quán, lễ hội và nghề truyền thống của ngư dân… Tất cả những điều ấy là tiềm năng thuận lợi để Quảng Nam khai thác, phát triển mạnh du lịch, dịch vụ biển.

Phát triển du lịch biển đảo xanh - bền vững

Thời gian qua, nhiều dự án resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp 4-5 sao đã được đầu tư xây dựng ở bờ biển Điện Bàn - Hội An, được du khách trong và ngoài nước, các tạp chí du lịch thế giới lựa chọn, đánh giá cao, góp phần thu hút một lượng lớn khách đến tham quan, lưu trútại Quảng Nam. Tuy nhiên, qua thực tế, du lịch biển đảo nơi đây vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng. Công tác quy hoạch chưa bài bản, ít sự liên kết, sản phẩm du lịch biển, dịch vụ bổ trợ thiếu và không đa dạng. Đến thời điểm hiện tại, du lịch biển đảo ở Quảng Nam hầu như cũng chỉ mới tập trung ở Cù Lao Chàm và một số bãi biển ở Hội An. Đáng tiếc hơn, nhiều bãi biển đẹp, có thương hiệu đang phải đối diện với tình trạng bị sạt lở, xâm thực nặng nề, điển hình như bãi An Bàng, Cửa Đại (TP Hội An), nhiều khu nghỉ dưỡng, nhà hàng nằm ở khu vực bờ biển bị hư hại, tổn thất nghiêm trọng.

Một trong những hướng ưu tiên trong phát triển du lịch Quảng Nam là xây dựng các sản phẩm du lịch biển đảo trên cơ sở khai thác không gian văn hóa của cư dân ven biển. Khai thác thế mạnh, đặc trưng của các giá trị văn hóa, cộng đồng, các làng nghề truyền thống, các sản vật địa phương… kết hợp với tiềm năng biển đảo để xây dựng nên những tour, tuyến, sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng là cách nhiều địa phương đang hướng đến. Đặc biệt, luôn chú trọng đến việc nâng cao ý thức, tuyên truyền cho người dân, du khách, doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, phát triển du lịch xanh, bền vững…

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An là ví dụ điển hình cho cách làm du lịch bền vững này. Bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp giữa đất liền - Di sản văn hóa thế giới Hội An và biển đảo - Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, nhiều tour du lịch kết hợp giữa di sản văn hóa với môi trường sinh thái, thiên nhiên, trải nghiệm, nghỉ dưỡng đã được thiết kế và trở nên hấp dẫn, thu hút. Cùng với đó là việc bảo tồn, phát huy hiệu quả các lễ hội truyền thống, xây dựng các tour du lịch lặn biển ngắm san hô, ngắm hoa ngô đồng - loài hoa đặc trưng của Cù Lao Chàm.

Đặc biệt, nỗ lực xây dựng Cù Lao Chàm thành điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ biển, là nơi đầu tiên của cả nước và hơn 600 Khu sinh quyển trên thế giới thành công với mô hình “Nói không với túi ni lông”; phát động phong trào “Nói không với ống hút nhựa tại Cù Lao Chàm”…

Từ năm 2021-2025, TP Hội An cũng triển khai khảo sát, đề xuất phục hồi một số hình thái văn hóa phi vật thể tại Cù Lao Chàm đã bị mai một hoặc có nguy cơ mai một. Đề xuất thực hiện một số sản phẩm du lịch gắn liền với văn hóa địa phương, tổ chức lại các hoạt động truyền nghề và đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

Bảo tồn văn hóa, môi trường biển để phát triển bền vững - Anh 2

Tour lặn biển, trải nghiệm vườn ươm san hô ở Cù Lao Chàm

Nâng tầm giá trị văn hóa biển đảo

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Sống dựa vào biển đảo, thích ứng tối đa với biển đảo để sinh tồn, phát triển là một truyền thống lâu đời của cộng đồng cư dân biển đảo Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung. Văn hóa này được thể hiện, thực hành đa dạng ở nhiều mặt trong đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng cư dân, tạo nên những giá trị to lớn trên cả hai lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể. Văn hóa biển đảo là nguồn lực vô tận, là tiềm năng lợi thế mới để Quảng Nam tận dụng phát triển kinh tế - xã hội, ổn định, phát triển cuộc sống.

Theo ông Bửu, Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng để phát triển kinh tế biển, tỉnh đã và đang tập trung đẩy mạnh các loại hình hướng ra biển, nhằm đưa kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của địa phương. Một trong những hướng ưu tiên là phát triển du lịch, bằng hình thức xây dựng các sản phẩm du lịch biển đảo trên cơ sở khai thác không gian văn hóa của cư dân ven biển Quảng Nam, trong đó, ưu tiên phát triển mạnh tại bờ biển Hội An và đảo Cù Lao Chàm. Những năm qua, lượng khách du lịch đến với Quảng Nam ngày càng tăng và doanh thu từ các hoạt động du lịch đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc