Kon Tum: Tu Mơ Rông đẩy mạnh sản phẩm OCOP
VHO - Chiều ngày 10-12, tại làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng), UBND huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức Chương trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024. Đây là 1 trong 6 hoạt động do huyện tổ chức, nhằm hưởng ứng Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II.
Theo đó, có 17 sản phẩm của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông - Kon Tum, Công ty cổ phần Vingin, Hợp tác xã Xanh Siu Puông… đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng.
Các sản phẩm được đánh giá, phân hạng có nguồn gốc đa phần từ các loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, sâm dây, sơn tra, ngũ vị tử… Trong đó, có 8 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 6 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 3 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu. Trong số 17 sản phẩm tham gia đánh giá OCOP, có 6 sản phẩm có thành phần từ sâm Ngọc Linh.
Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Tu Mơ Rông sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá, chấm điểm các sản phẩm.
Trên cơ sở bảng điểm được chấm, nếu đạt các điểm số theo tiêu chí, UBND huyện Tu Mơ Rông sẽ làm thủ tục công nhận cho sản phẩm 3 sao hoặc làm văn bản trình cấp thẩm quyền đánh giá, công nhận OCOP cho các sản phẩm 4 sao trở lên.
Hiện nay trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có 17 sản phẩm đang được tổ chức đánh giá, phân hạng OCOP; ngoài ra đã có 30 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.
Cụ thể, có 23 sản phẩm 3 sao, 7 sản phẩm 4 sao, đa phần là dược liệu. Có 2/7 sản phẩm 4 sao có tiềm năng nâng hạng 5 sao, đã được tỉnh đã gửi hồ sơ ra Bộ NN-PTNT để đánh giá, nâng hạng thành OCOP 5 sao.
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết, huyện Tu Mơ Rông có tiềm năng to lớn để phát triển dược liệu quý.
Ngoài việc khuyến khích người dân phát triển thông qua các chương trình hỗ trợ vay vốn, tìm kiếm đối tác liên kết sản xuất, tiêu thụ, huyện còn kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia đánh giá, phân hạng OCOP cho các sản phẩm, nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị mặt hàng.
Thực tế là thời gian qua, các sản phẩm trên địa bàn được công nhận OCOP, đã mang lại giá trị to lớn cho cá nhân, tổ chức sở hữu, còn người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt, yên tâm sử dụng.”
“Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đợt này, đã được sản xuất, lưu hành trên thị trường, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Sau khi các sản phẩm này được xếp hạng, huyện sẽ nhanh chóng công nhận hoặc đề nghị cấp thẩm quyền đánh giá, công nhận để nâng cao giá trị cho sản phẩm đặc sản địa phương”, ông Mạnh cho biết thêm.