Hà Nội “nóng” những phiên đấu giá đất

THẾ TUẤN

VHO - Hà Nội đang rất “nóng” xung quanh chuyện đấu giá đất ngoại thành. Mới đây nhất, phiên đấu giá 19 lô đất thuộc lô LK03 và LK04 tại khu Lòng Khúc (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) đã lập kỷ lục mới về thời gian đấu giá: Kéo dài từ 8h sáng 19.8 đến hơn 4h sáng 20.8 mới kết thúc. Giá tăng 18 lần so với giá khởi điểm.

 Hà Nội “nóng” những phiên đấu giá đất - ảnh 1
Dù đã đêm muộn, các nhà đầu tư vẫn “chong đèn” theo đuổi phiên đấu giá xuyên đêm. Ảnh: B.LÂM

 Tại phiên đấu giá ngày 19 kéo dài tới rạng sáng 20.8 ở xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), mức giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2, sau hàng chục vòng rượt đuổi đã xác định được giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2, tăng hơn 18 lần so với giá khởi điểm. Giá trúng thấp nhất 91,3 triệu đồng/ m2, tăng 12,5 lần giá khởi điểm.

Đấu giá xuyên đêm

Được biết, tổng số tiền huyện Hoài Đức thu được từ phiên đấu giá lần này có thể đạt gần 190 tỉ đồng, chênh hơn 11 lần so với dự tính ban đầu. Phiên đấu giá kỷ lục này có 517 khách hàng tham gia, đăng ký 1.100 bộ hồ sơ. Tối khuya 19.8, nhiều nhóm người tham gia đấu giá đã bày đồ ra ăn để lấy sức. Ngay từ 5h sáng 19.8, tại Nhà thi đấu huyện Hoài Đức, hàng trăm người dân đã xếp hàng chờ đến thời gian làm thủ tục vào đấu giá. Trước giờ diễn ra phiên đấu giá, nhiều người nhận định giá trúng dự kiến 60-70 triệu đồng/m2 là hợp lý, bởi ở những vị trí giáp mặt đường liên xã, thuận lợi di chuyển, giá trước đó vào khoảng 35-50 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, sau những vòng đấu căng thẳng, giá liên tục được đẩy lên vượt xa dự kiến ban đầu của nhiều nhà đầu tư cũng như các môi giới bất động sản. Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2 được xác định theo quy định nhân hệ số điều chỉnh với giá trong bảng giá đất. Giá khởi điểm là cơ sở để xác định tiền cọc. Như vậy, diện tích mỗi lô đất từ 74-118m2, khách hàng tham gia đấu giá phải đặt cọc từ 109-172 triệu đồng/lô đất. Để ngăn chặn tình trạng người tham gia thông đồng hạ giá trúng xuống thấp, phiên đấu giá quy định nhà đầu tư phải trải qua nhiều vòng trả giá, với mỗi bước giá tối thiểu 6 triệu đồng/m2. Tuy thế, mọi việc đều vượt ngoài dự kiến và trên thực tế. Rạng sáng 20.8, khi phiên đấu giá kết thúc, cả phía tổ chức lẫn người tham gia thắng cũng như thua cũng như đông đảo người chứng kiến đều phờ phạc và tất thảy đều bất ngờ trước cái giá không tưởng.

Những diễn biến đáng chú ý

Trong đợt sốt đấu giá đất lần này ở Hà Nội, có lẽ phiên đấu giá 68 lô đất tại xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) tổ chức ngày 10.8 là “phát súng mở màn” cho sóng giá đất ngoại thành dâng lên. Phiên đấu giá đó thu hút tới hơn 1.500 người tham gia. Do nhiều lý do đã đẩy giá trúng của các lô đất gấp 6-8 lần giá khởi điểm, trong đó cao nhất hơn 100 triệu đồng/1m2. Trong khi trước đó, giá đất trung bình ở huyện này được cho là từ 7 triệu đến 12,5 triệu đồng/m2. Vì thế, khi kết quả đấu giá ngã ngũ, nhiều người đã cho là phi thực tế, là giá ảo, bị thổi giá kể cả với những hoài nghi có tiêu cực. Tuy nhiên, tiếp sau đó là những phiên đấu giá ở một số huyện khác, đặc biệt là ở huyện Hoài Đức thì diễn biến thực tế đã cho thấy độ “nóng” còn kinh khủng hơn.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức cho biết, ngày 26.8 tới, huyện tiếp tục tổ chức đấu giá 20 lô đất còn lại ở khu Lòng Khúc, thuộc các lô LK01 và LK02. Giá khởi điểm vẫn là 7,3 triệu đồng/m2; diện tích dao động từ 89-145m2; đặt cọc trước từ 130-212 triệu đồng/ thửa. Ngày 23.8 là hạn cuối cùng nộp hồ sơ tham gia đấu giá. Tổng khu đấu giá thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên có 71 lô, huyện chia làm 3 lần đấu giá. Trong khi đó, ngày 8.9 tới UBND huyện Thanh Oai sẽ tổ chức đấu giá đối với 57 thửa đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương. Đáng chú ý, đây là 57 thửa đất dự kiến đấu giá vào ngày 17.8 vừa qua nhưng phải dừng đấu giá với lý do cần xác định giá khởi điểm của 114 thửa đất trên địa bàn xã Cao Dương theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Theo đại diện Công ty đấu giá Hợp Danh Việt Nam, đơn vị tổ chức buổi đấu giá này, giá khởi điểm của tất cả 57 thửa đất đều được điều chỉnh lên từ 8,8 triệu đồng, tăng thêm gần 800.000 đồng so với mức trước đây. Tiền đặt trước cho các thửa đất dao động từ 131 triệu đến hơn 200 triệu đồng tuỳ diện tích và vị trí thửa đất. Thời gian nộp tiền cọc là 4 - 6.9.

Vì sao giá đất ngoại thành Hà Nội bỗng “nóng”?

Một số ý kiến cho rằng, do có sự bắt tay làm giá, “quân xanh - quân đỏ” trong đấu giá, nhằm loại các đối thủ tiềm lực yếu từ đó nắm được quyền nâng giá bán lại để kiếm lời. Cũng không loại trừ việc tạo sóng, “thổi giá” của rất nhiều “cò” đất đã tạo nên tâm lý vội vã của những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Bất ngờ trước giá đất vọt tăng qua các phiên đấu giá, một số chuyên gia lĩnh vực bất động sản cho rằng chủ yếu là chiêu trò kiếm lời của các nhà đầu cơ, môi giới. Nhiều nhóm người thu gom đất từ trước đã thông qua các phiên đấu giá trong khu vực để đẩy giá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều nguyên nhân khác. Trước hết, đó là thông tin sẽ chuyển từ huyện lên quận của huyện nào đó. Đương nhiên, khi lên quận, việc đầu tư xây dựng (nhất là về hạ tầng) sẽ vượt trội khi còn là huyện. Điều đó cũng sẽ tạo ra sức hút lớn với các doanh nghiệp. Cùng đó, các đường vành đai đi qua (nhất là Vành đai 4) sẽ mở ra không gian phát triển, không gian sống mới.

Lý do quan trọng nữa là do quỹ đất nội thành hầu như đã cạn kiệt, dẫn đến việc phát triển ra ngoại thành là tất yếu. Thời gian qua, giá nhà đất trong nội thành đã vọt lên cực cao khiến người có nhu cầu thực cũng như giới đầu tư chùn tay, không dám xuống tiền. Vì vậy, bất cứ huyện ngoại thành nào tổ chức đấu giá thì cũng lập tức thu hút. Chính vì thế việc tìm đất ở ngoại thành trở nên sôi động hơn bao giờ hết, khác hẳn thời điểm cuối năm 2023 nhiều phiên đấu giá rất đìu hiu, thậm chí nhiều lô đất phải lùi thời gian đấu giá vì không đủ người tham gia.

Cùng đó, việc địa phương đặt ra mức giá khởi điểm cho các phiên đấu giá rất thấp so với giá thực tế của thị trường đã khiến nhiều người tham gia. Việc đặt cọc khoảng từ 100 triệu tới 200 triệu đồng cho từng lô đất khác nhau cũng không phải là số tiền lớn đối với nhiều người, nhất là với giới đầu tư kinh doanh bất động sản. Trong trường hợp phải bỏ cọc thì cũng chỉ coi là “không may”. Vì thế, giá khởi điểm càng thấp, số tiền đặt cọc càng nhỏ, dễ thu hút nhóm rất đông nhà đầu tư có tài chính vừa và nhỏ cho dù cầm chắc việc họ sẽ rơi rụng sau vài ba vòng đấu giá. Với mức giá khởi điểm trên dưới 10 triệu đồng/m2, tương đương tổng giá trị lô đất chỉ khoảng 1 tỉ đồng, người tham gia đấu giá đất vùng ven Hà Nội chỉ cần đặt cọc trên dưới 200 triệu đồng/lô. Số tiền này được cho là không quá khó khăn đối với nhóm nhà đầu tư vừa và nhỏ. Trong khi, nếu đấu giá trúng, họ có thể bán sang tay ngay để hưởng khoản tiền chênh lên đến hàng trăm triệu đồng. Mức lợi nhuận lớn, không cần nộp thuế này là món hời thật khó cưỡng.

Như đã nói, đấu giá đất có thể mang lại lợi ích trước mắt cho ngân sách địa phương, nhưng nếu không được quản lý chặt chẽ, có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Giá đất quá ảo không chỉ làm nhiễu loạn thị trường bất động sản mà còn tạo ra một thị trường bong bóng không bền vững. Những người có nhu cầu thực sự về nhà ở thiệt thòi nhất khi phải đối mặt với mức giá đất và nhà ở ngày càng xa tầm tay cho dù họ có ráng sức làm việc chăm chỉ đến đâu chăng nữa.

 Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, việc các phiên đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội sôi động do Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1.8 hạn chế phân lô tại một số khu vực, nên nhà đầu tư vẫn đang có xu hướng đi trước đón đầu chờ luật thẩm thấu thì sẽ bán ra.

Tuy nhiên, ông Điệp cũng cho rằng phần lớn giá đất đấu giá mới đây cao hơn nhiều so với thị trường là do các nhóm đầu cơ “thổi giá”. Điều này sẽ gây lũng đoạn thị trường, khiến nhiều người có nhu cầu thực khó tiếp cận. “Đấu giá đất cao sẽ thu về ngân sách địa phương cao là điều rất tốt. Song song với đó cũng cần có những biện pháp nhằm ổn định thị trường, đưa giá đất về sát thực tế”, ông Điệp nói.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc