Đông Sơn (Thanh Hóa):

Gấp rút đầu tư hàng loạt dự án trước khi sáp nhập

NGUYỄN LINH

VHO - Chỉ còn một thời gian ngắn nữa huyện Đông Sơn sẽ được sáp nhập vào TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Cùng với việc gấp rút để bán khẩn trương gần 1.000 lô đất, trong vòng hơn 7 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Sơn đã thông báo mời thầu hàng chục gói thầu có giá trị từ vài trăm triệu đồng cho đến hàng chục tỉ đồng.

 Theo tìm hiểu, trong vòng hơn 7 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Sơn đã thông báo mời thầu khoảng gần 60 gói thầu các loại (gói thầu tư vấn thiết kế lập bản vẽ thi công; mua sắm, lắp đặt thiết bị; thi công xây dựng công trình và tư vấn giám sát công trình…) thuộc hàng chục dự án.

Gấp rút đầu tư hàng loạt dự án trước khi sáp nhập - ảnh 1
Huyện Đông Sơn đang gấp rút đầu tư hàng loạt dự án trước khi sáp nhập

Đáng chú ý là các dự án, công trình như: Hạ tầng điểm dân cư nông thôn và chợ (xã Đông Tiến); nâng cấp, mở rộng đường giao thông từ ngã ba thôn Thành Vinh đến thôn Hạnh Phúc (xã Đông Nam).

Hạ tầng điểm dân cư nông thôn xã Đông Hòa (giai đoạn 2); xây mới khối lớp học 4 tầng trường Tiểu học Lê Thế Long (thị trấn Rừng Thông).

Đầu tư hệ thống Đài truyền thanh thông minh tại 5 xã Đông Nam, Đông Hoàng, Đông Yên, Đông Hòa, Đông Thanh…

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, đa số các dự án đang được huyện Đông Sơn “gấp rút” triển khai, thực hiện và hoàn thiện. Trong đó, có những gói thầu vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Trong thời gian qua, Đông Sơn là một trong các địa phương của tỉnh Thanh Hoá đi đầu trong việc phân lô bán nền, với nguồn thu “nghìn tỉ” từ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các mặt bằng trên địa bàn, mang lợi thế lớn về nguồn vốn dồi dào cho huyện Đông Sơn đầu tư các dự án. 

Tuy nhiên, nhiều người dân băn khoăn cho rằng thời gian qua huyện Đông Sơn đầu tư hàng loạt các dự án nhằm phục vụ đời sống và nhu cầu cho người dân là tốt, nhưng huyện Đông Sơn đã tính đến việc sau khi sáp nhập với thành phố Thanh Hoá các dự án có đảm bảo được hiệu quả như mục tiêu ban đầu đầu tư hay không?

Các dự án hạ tầng khu dân cư được đầu tư xây dựng xong, đấu giá quyền sử dụng đất có mang lại hiệu quả lâu dài hay đấu giá xong rồi bỏ hoang gây lãng phí nguồn tài nguyên?

Theo quan sát của phóng viên đa phần các khu hạ tầng dân cư đã được đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Đông Sơn có tỉ lệ người dân vào xây dựng nhà ở rất ít, phần lớn để hoang.

Gấp rút đầu tư hàng loạt dự án trước khi sáp nhập - ảnh 2
Nhiều mặt bằng khu dân cư ở Đông Sơn tỉ lệ người dân vào xây dựng nhà ở rất ít

Do đó, việc đầu tư hàng loạt các dự án, công trình sau khi sáp nhập có được sử dụng, phát huy hiệu quả hay lại trong tình trạng thời gian dài không được sử dụng, bảo dưỡng dẫn đến xuống cấp, gây lãng phí. 

Mới đây, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, một trong những vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm là việc quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản công dôi dư còn nhiều hạn chế, nhất là trong xử lý tài sản công là các cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập thôn, xã và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, toàn tỉnh có 537 cơ sở nhà, đất dôi dư.

Trong đó, có 457 cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn và 80 cơ sở nhà, đất dôi dư do sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo ông Tứ, dù đa phần công sở, nhà đất dôi dư đã có phương án sắp xếp, nhưng thực tế hầu hết các công trình hiện nay vẫn trong tình trạng thời gian dài không được sử dụng, bảo dưỡng dẫn đến xuống cấp, gây lãng phí. 

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá đã đề nghị UBND tỉnh và các Sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, triển khai có hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đẩy nhanh việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý, quản lý tài sản công dôi dư hiện nay.

Ông Hưng yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định, quy trình đề xuất, thực hiện việc sắp xếp, xử lý các tài sản công trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập.

Đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tế để làm tốt hơn trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Được biết, ngày 30.7, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã họp và quyết nghị tán thành việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, đồng thời tiến hành thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP Thanh Hóa.

Theo đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa giao UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, đề án, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết nghị trong thời gian sớm nhất.

Sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, thành phố mới sau sáp nhập vẫn giữ nguyên tên gọi là TP Thanh Hóa có tổng diện tích tự nhiên là hơn 228 km2 với trên 615.000 dân. TP Thanh Hóa sẽ có 47 đơn vị hành chính gồm 33 phường và 14 xã.

Với việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, toàn tỉnh Thanh Hóa sẽ còn 26 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 thành phố (TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn), 2 thị xã (Nghi Sơn và Bỉm Sơn) và 22 huyện.