Doanh nghiệp "nín thở " vượt khó
VHO- Dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Các sản phẩm phào chỉ của Công ty Hà Linh đang dần cạn
Nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động sản xuất cầm chừng và nín thở chờ đến khi dịch bệnh qua.
Nguồn hàng cạn
Chị Lê Hồng Hạnh, chủ một công ty thương mại cho biết, doanh nghiệp của chị nhập 100% hàng tiêu dùng từ Trung Quốc nên bị ảnh hưởng không hề nhỏ. “Trước Tết, tôi đã nhập 3 container hàng, nhưng đến lúc này đang phải bán theo kiểu phân phối. Nếu những năm trước, đại lý muốn nhập bao nhiêu hàng, Công ty đều đáp ứng, nhưng năm nay công ty phải “chia” cho mỗi đại lý một số lượng hàng nhất định”. Chị Hạnh cũng cho biết, chính vì bán hàng kiểu “phân phối” nên nhân viên công ty cũng không còn áp dụng chương trình khuyến mãi cho khách hàng và chế độ được hưởng doanh số cho nhân viên. Chị Hạnh cũng lo lắng, nếu dịch bệnh không sớm bị đẩy lùi, thì nguy cơ chỉ khoảng 3 tuần nữa là công ty sẽ cạn kiệt nguồn hàng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, dù rất cố gắng để duy trì hoạt động của bộ máy, công ty cũng chỉ có thể chi trả mức lương cơ bản cho nhân viên.
Anh Nguyễn Tuấn Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Hà Linh cũng thừa nhận, dịch bệnh khiến công ty có thể gặp khó khăn. “Hiện tại thì Công ty tôi chưa bị ảnh hưởng trực tiếp vì nhiều đơn hàng được ký trước Tết, nguồn nguyên liệu sản xuất cũng đã nhập dự trữ. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài thêm 1 tháng nữa thì Công ty sẽ gặp khó khăn”. Anh Nghĩa phân tích: Hà Linh là doanh nghiệp sản xuất phào chỉ hàng đầu của Việt Nam và đối tác chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc. Sở dĩ Công ty làm ăn chủ yếu với các doanh nghiệp Trung Quốc vì giao thương rất thuận lợi, nguyên liệu có thể nhập khẩu chính ngạch hoặc tiểu ngạch, nguồn hàng phong phú. “Từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, tôi vẫn thường xuyên gọi điện cho đối tác, nhưng họ cũng không chủ động được vì nếu dịch có kết thúc, phải ít nhất cũng phải 1 tháng sau mới có thể có hàng”.
Chị Hương, một chủ tiệm giày da nhỏ chuyên làm hàng thủ công cho khách nước ngoài cũng lo lắng không kém. Kể từ ngày 7.2, đối tác chuyên cung cấp phụ kiện như keo, khóa, đinh ốc... bên Trung Quốc đã thông báo không thể xuất được hàng. Chị Hương đành phải thông báo với những khách đã đặt hàng lùi thời gian đến khi nào dịch bệnh bị đẩy lùi được vài tuần.
Phụ kiện cần thiết cho sản xuất túi, ví được nhập từ Trung Quốc
Chuyển hướng không dễ
Trung Quốc được ví như là công xưởng của thế giới, là nơi cung cấp nguồn hàng hóa và nguyên liệu sản xuất cho rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại Trung Quốc, các ngành nhựa, dệt may, giày da đều bị ảnh hưởng vì nguồn nguyên liệu, phụ kiện nhập từ thị trường này khá lớn.
Một cán bộ của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam chuyên sản xuất sản phẩm dệt may xuất đi nhiều nước thế giới cho biết, sản phẩm của Công ty được sản xuất hoàn toàn trong nước, nhưng lại phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu Trung Quốc. Hiện tại, doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn để thông quan nguyên phụ liệu qua biên giới từ Trung Quốc về Việt Nam. “Chúng tôi phải chuyển hướng sang nhập nguyên liệu theo đường biển nên mất nhiều thời gian. Một container nguyên liệu từ Trung Quốc về Việt Nam mất 21 ngày, trong đó 7 ngày cho việc vận chuyển đường biển, vận tải container từ cảng về kho, 14 ngày để cách ly hàng hóa và người vận chuyển theo quy định”, vị cán bộ này chia sẻ.
Chia sẻ về giải pháp cho nguồn nguyên liệu sản xuất, nếu như dịch bệnh còn chưa chấm dứt, giám đốc Công ty Hà Linh cho biết: Trong trường hợp dịch bệnh không chấm dứt sớm, doanh nghiệp sẽ phải tìm đối tác mới như Hàn Quốc hoặc Ấn Độ, nhưng chi phí chắc chắn sẽ cao hơn nhiều vì vận tải bằng đường hàng không hoặc đường biển đều cao, bên cạnh đó, thời gian đợi hàng sẽ lâu hơn. Hơn nữa, nếu nhập hàng của Hàn Quốc hoặc Ấn Độ thì sẽ phải nhập số lượng lớn, cũng là bài toán khó cho nguồn tài chính của doanh nghiệp.
Cho đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn đang “nín thở” chờ dịch bệnh qua mau. Còn về lâu dài, Chính phủ cần có chiến lược quốc gia, nội địa hóa ngành công nghiệp phụ trợ, cung ứng cho chuỗi sản xuất trong nước.
HOÀNG HƯƠNG