Diễn đàn tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2020 và một số giải pháp

VHO - Trong hai ngày 24 - 25.9, tại thành phố Cần thơ, Văn phòng Quốc hội phối hợp cùng Quỹ Hanns Seidel (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức diễn dàn “Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng đầu năm 2020 và một số giải pháp.”

Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toàn, mục đích của diễn đàn là để nhìn nhận bức tranh kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2020 và góp phần đánh giá những tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt nam; những thời cơ, thách thức của việc thực hiện mục tiêu kép và phát triển kinh tế - xã hội ở những năm tiếp theo, cùng với đó là triển vọng của sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trên nền tảng số.

Diễn đàn tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2020 và một số giải pháp - ảnh 1

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toàn phát biểu khai mạc

Tại diễn đàn, các địa biểu tập trung thảo luận về 3 chủ đề: Tổng quan tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2020; Thực trạng và triển vọng của kinh tế Việt Nam trên nền tảng số; Thực trạng và sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa - xã hội Việt Nam trên nền tảng số. Qua đây nhằm cung cấp thêm thông tin tham khảo phục vụ các Đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Diễn đàn tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2020 và một số giải pháp - ảnh 2

Đại diện Quỹ Hanns Seidel phát biểu

Vượt qua cú sốc kép

Ông Nguyễn Xuân Thành, đại diện Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trong 9 tháng đầu năm 2020 đã rơi vào cú sốc kép về phía cung lẫn phía cầu bởi đại dịch Covid-19. Ở nhiều nước hoạt động kinh tế đã giảm sâu vào quý II/2020 và rơi vào suy thoái khi có tăng trưởng âm trong cả 2 quý đầu năm 2020.

Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong việc khống chế Covid-19 nên phần nào đã giảm thiểu được tác động của dịch. Kinh tế Việt Nam quý I/2020 giảm mạnh nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng dương 3,82%, khả quan hơn các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Nhiều khả năng, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất tăng trưởng dương trong năm 2020. Chính vì thế, cơ hội để hồi phục kinh tế Việt Nam sẽ đến sớm hơn, nhất là cơ hội đa dạng hóa thị trường thương mại do các nước tìm kiếm nguồn cung mới, cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Cũng theo ông Thành, trong năm 2020, nếu giải ngân vốn đầu tư công đạt 90%, đầu tư khu vực Nhà nước sẽ tăng 12%, tổng đầu tư tích lũy tài sản sẽ tăng 4%, GDP tăng 2,5%. Nếu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% thì , đầu tư khu vực Nhà nước sẽ tăng 16,5%, tổng đầu tư tích lũy tài sản tăng 5,3% và GDP tăng 2,9%.

Diễn đàn tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2020 và một số giải pháp - ảnh 3

Các chuyên gia kinh tế cùng các đại biểu thảo luận, đưa ý kiến

Để khôi phục và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam sau dịch bệnh, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng cần phải có những giải pháp, chính sách ngắn hạn và lâu dài. Trước mắt chủ động phòng chống, khắc chế Covid-19; xuất nhập cảnh có kiểm soát; nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội; mở cửa dần từng bước các hoạt động giao thương quốc tế; thúc đẩy hoạt động đầu tư công; hỗ trợ khu vực tư nhân, đối tượng bị tổn thương; khuyến khích sử dụng nền tảng công nghệ số. Về lâu dài, cần tái cấu trúc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; nâng cao năng lực sản xuất trong nước; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài; có chính sách phù hợp để thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển; đa dạng hóa các thị trường đầu ra, thúc đẩy giao thương quốc tế; áp dụng thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến; triển khai mô hình Chính phủ số.

Covid-19 chất xúc tác đẩy mạnh chuyển đổi số

Công nghệ thông tin là nền tảng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và giao hàng tận nơi, đây là những hoạt động rất cần thiết trong tình hình dịch bệnh. Người dân Việt Nam đã thực hiện nhiều giao dịch trên mạng và họ tận dụng dịch vụ này triệt để hơn kể từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm. Theo báo cáo, lượng truy cập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cổng thông tin tiếp nhận và xử lý các dịch vụ công cơ bản của người dân, tăng đột biến trong thời gian gần đây. Theo số liệu của chính phủ, số lượt truy cập nhảy vọt từ 11 triệu lượt vào cuối tháng Một lên 28 triệu lượt vào cuối tháng Ba. Trong tháng Ba, số lượng các giao dịch trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ cũng tăng gấp đôi, lên hơn 23.000 giao dịch. Đặc biệt các trang thương mại điện tử phổ biến cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Có thể thấy, công cuộc dịch chuyển số đã diễn ra tích cực ở Việt Nam trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Theo ông Phan Vinh Quang, chuyên gia kinh tế, Covid-19 là cơ hội cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển tốt nếu biết tận dụng. Trong đó, nổi bật nhất là xu hướng cải cách, dịch chuyển số tích cực để thích nghi với tình hình. Ông cũng nêu là một ví dụ điển hình, đó là nền kinh tế ở Trung Quốc đã phát triển theo mô hình chữ V sau đại dịch Covid-19, họ đã vượt qua sự khủng hoảng kinh tế trầm trọng một cách dễ dàng, chính là nhờ vào sự “bôi trơn” của phát triển công nghệ.

Diễn đàn tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2020 và một số giải pháp - ảnh 4

Toàn cảnh diễn đàn

Các hoạt động như thương mại điện tử, khám chữa bệnh trực tuyến, du lịch trực tuyến, giáo dục trực tuyến… cũng được các chuyên gia nhắc đến trong diễn đàn. Nhìn chung, các chuyên gia đều đưa ra hướng đi triển vọng cho các ngành nghề khi áp dụng chuyển đổi số hóa, những điểm yếu kém, cần khắc phục cũng được nhìn nhận rõ.

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc