Để thị trường bất động sản phát triển bền vững
Sự xung đột của hệ thống pháp luật liên quan không chỉ đẩy các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đối mặt nhiều thách thức và rủi ro, điều này còn dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn cung trên thị trường, kéo theo giá thành tăng cao, khi đó cơ hội sở hữu nhà ở của người dân trở nên xa vời hơn, gây bất lợi cho nền kinh tế… Do đó, cần có cuộc cải cách sự “khủng hoảng” xung đột, chồng chéo giữa các luật để thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững. Nhận định trên được nhiều chuyên gia nhấn mạnh tại Hội nghị BĐS 2019 chủ đề “Lấy ý kiến – tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Trung tâm Báo chí TP. HCM phối hợp tổ chức ngày 25.9.
Theo nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp BĐS TP. HCM (HoREA), từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS đã có nhiều dấu hiệu chững lại trong tất cả các phân khúc, tính riêng trên địa bàn TP. HCM chỉ có ba dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP. HCM công nhận với quy mô chưa tới 950 căn hộ, so với cùng kỳ năm 2018 giảm tới 16 dự án. Số dự án được đề xuất chấp thuận đầu tư giảm tới 46 dự án, số dự án đủ điều kiện bán hình thành trong tương lai cũng giảm đi 10 dự án, chỉ có 4.100 căn hộ được chính thức mở bán trên thị trường, đây là mức thấp kỷ lục kể từ khi thị trường BĐS TP. HCM được phục hồi vào năm 2014.
Ông Từ Lương, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP. HCM cho biết, cứ 5 năm, dân số thành phố tăng lên 1 triệu người, dẫn đến áp lực sở hữu và nhu cầu nhà ở trên địa bàn thành phố luôn tăng cao. Trong khi đó, thị trường BĐS biến động theo chiều chững lại từ đầu năm đến nay gây ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội sở hữu nhà ở của người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Thủ tục pháp lý của rất nhiều dự án đăng gặp không ít vướng mắc đã tác động trực tiếp đến thị trường BĐS trên địa bàn thành phố, không những làm đau đầu các doanh nghiệp mà còn là bài toán đặt ra với nguồn thu ngân sách của thành phố, tiền thu sử dụng đất của thành phố từ đầu năm đến nay giảm khoảng 60%, trong khi đó áp lực thu ngân sách của thành phố năm sau luôn cao hơn năm trước.
Các chuyên gia phân tích vè sự xung đột của hệ thống pháp luật khiến thị trường BĐS chững lại
Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua rà soát của VCCI về các luật liên quan đến lĩnh vực BĐS như Luật Nhà ở, Xây dựng, Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS… cho thấy, hiện có hơn 20 xung đột trong chính sách pháp luật khiến các doanh nghiệp không biết làm thế nào? Thậm chí chính quyền các địa phương còn bị “rối” trong quản lý. Để thị trường bất động sản phát triển bền vững cần có cuộc cải cách thể chế chính sách, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn trong thẩm định, phê duyệt và cấp phép các dự án đầu tư. Cả nước hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản, nhưng phần lớn là doanh nghiệp có quy mô trung bình, chủ yếu hoạt động môi giới, dịch vụ BĐS.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thị trường BĐS 2019 bị ngưng trệ, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định, chủ yếu là do sự “khủng hoảng” của hệ thống pháp lý không tạo ra môi trường minh bạch cho trị trường phát triển lành mạnh. Theo ông Võ, pháp luật không rõ ràng, chồng chéo tác động rất lớn đến thị trường, dự án đầu tư không được phê duyệt thực hiện khiến nguồn cung giảm khoảng 60% so với các năm trước. Tình trạng thiếu nguồn cung trong năm nay sẽ kéo theo thiếu nguồn cung trong nhiều năm tới, dẫn đến hệ lụy đẩy giá thị trường tăng cao, gây bất lợi cho nền kinh tế. Ông Võ nhấn mạnh, giải pháp cần làm ngay là nhanh chóng tháo nút thắt xung đột ngay trong chính sách pháp luật để tăng bù được nguồn cung từ nay đến năm 2020, tránh rơi vào hệ lụy tiêu cực nói trên. Cụ thể, có năm nhóm bất cập cần tháo gỡ, đó là thống nhất các thuật ngữ pháp lý, trình tự lập dự án giữa những bộ luật liên quan, quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư…
Cần tháo gỡ sự xung đột hệ thống pháp luật để thị trường BĐS phát triển bền vững
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) nhìn nhận, hệ thống pháp luật BĐS hiện nay như một “ma trận” đối với doanh nghiệp, quá chồng chéo và rối rắm. Trình tự thực hiện một thủ tục hành chính dự án đầu tư bất động sản liên quan đến 9 luật và hơn 20 thủ tục hành chính lớn, khiến nhà đầu tư không biết thực hiện kiểu gì? Điều này tạo rủi ro quá lớn cho nhà đầu tư cũng như người dân. Theo ông Tuấn, sự xung đột pháp lý không những là lực cản sự phát triển của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến túi tiền ngân sách của các địa phương, đặc biệt là người dân khó tiếp cận và sở hữu nhà ở để an cư.
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, mới đây đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp BĐS, trong đó có kiến ghị tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng, thuế liên quan, chính sách bồi thương, giải phóng mặt bằng… nhằm tạo hành lang pháp lý minh bạch để thị trường BĐS phát triển bền vững, tránh rơi vào vòng “nóng - lạnh”.
HOÀNG HẢI