Đà Nẵng: Bưu điện - văn hoá xã vùng nông thôn phát huy tiện ích

MINH CHÂU

VHO - Từ chỗ chỉ đơn thuần là nơi cung cấp các dịch vụ bưu chính - viễn thông truyền thống, đến nay với sự đa dạng loại hình kinh doanh, đổi mới dịch vụ, các điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐ-VHX) trên địa bàn TP Đà Nẵng đã trở thành cánh tay nối dài của ngành Bưu điện.

BĐ-VHX trên các quận huyện đã và đang phát huy song song hai nhiệm vụ: Phục vụ công ích và kinh doanh, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Mô hình này đã đem đến cho người dân đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế.

Không chỉ dừng lại với các dịch vụ bưu chính truyền thống, BĐ-VHX còn là nơi chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, chuyển phát các dịch vụ hành chính công, các ấn phẩm truyền thông. Đồng thời, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, như huy động tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền bưu điện, bảo hiểm bưu điện...

Đà Nẵng: Bưu điện - văn hoá xã vùng nông thôn phát huy tiện ích - ảnh 1
Người dân Đà Nẵng được cán bộ bưu điện phục vụ tận tình khi đến bưu điện văn hóa xã

Anh Nguyễn Văn Đào (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang cho biết: “Tôi vừa làm xong thủ tục đăng ký đóng BHXH tự nguyện tại BĐ-VHX. Cán bộ ở đây hướng dẫn tận tình, chu đáo. Từ nay, người dân chúng tôi không phải đến BHXH huyện để làm các thủ tục như trước nên rất tiết kiệm thời gian và công sức đi lại cho mọi người”.

Tại TP Đà Nẵng, mô hình BĐ-VHX ngày càng được đổi mới, phát triển đầy đủ đã tạo sự thuận tiện, hài lòng cho người dân. Nếu như giai đoạn trước 2008, mô hình BĐ-VHX chỉ phục vụ báo chí, điện thoại cho người dân nông thôn. Hàng năm vẫn phải cấp kinh phí hoạt động thường xuyên, chi phí sữa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất.

Ngoài ra, BĐ-VHX giai đoạn này chỉ đơn thuần phục vụ, không có doanh thu nên thu nhập của cán bộ BĐ-VHX thấp, chi phí thường xuyên để duy trì điểm BĐ-VHX khá lớn.

Từ năm 2008 đến năm 2012, sau khi triển khai các đề án đưa Internet về vùng nông thôn, BĐ-VHX đã có sự đột phá mạnh mẽ, từ việc phục vụ sách báo, điện thoại cho người dân, nay chuyển sang hình thức cung cấp các dịch vụ Internet cộng đồng cho người dân nông thôn. Mở ra một hướng phát triển thông qua kinh tế thương mại điện tử.

Giai đoạn này bưu điện vẫn phải bù lỗ rất lớn để duy trì các hoạt động của BĐ-VHX ở những vùng khó khăn. Những khu vực thuận lợi thì đã có hiệu quả nhất định.

Đà Nẵng: Bưu điện - văn hoá xã vùng nông thôn phát huy tiện ích - ảnh 2
Bưu tá xã - cánh tay nối dài của ngành bưu điện với nhân dân

Từ năm 2013 đến nay là giai đoạn đánh dấu sự chuyển mình của hệ thống BĐ-VHX thành Bưu điện cấp xã. Trong đó kinh doanh đa dịch vụ như: Phục vụ các dịch vụ bưu chính chuyển phát; phục vụ các dịch vụ hành chính công; chi trả các chế độ an sinh xã hội như chi lương hưu, chế độ cho người có công cách mạng, người hưởng chế độ bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó BĐ-VHX cũng thực hiện thu hộ, chi hộ cho các ngân hàng, các tổ chức như: điện lực, cấp nước; phục vụ người dân trên địa bàn xã về thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình cho cơ quan Bảo hiểm xã hội; triển khai các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ bưu điện, bảo hiểm phi nhân thọ bưu điện (PTI); triển khai mô hình bán hàng tiêu dùng và các sản phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn xã....

Với những ưu điểm và dịch vụ như vậy, hệ thống BĐ-VHX ở Đà Nẵng đã mang lại cho người dân nhiều tiện ích, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn, không thuận tiện. Nhờ BĐ-VHX họ đã tiếp cận sản phẩm, thực hiện được nhiều thủ tục một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Để có sự chuyển đổi hiệu quả, từ tháng 8.2020, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi, thành lập BĐ-VHX ở các tỉnh, TP hoạt động theo mô hình mới.

Mục tiêu là phục vụ công ích và kinh doanh tại địa bàn xã nhằm tạo doanh thu đột phá, bao phủ thị trường bằng nâng cao năng lực tổ chức sản xuất; kinh doanh cửa hàng tiện lợi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; dịch vụ hành chính công, an sinh xã hội. 

Đánh giá về hiệu quả của BĐ-VHX trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Đà Nẵng Đào Sỹ Toàn khẳng định: “Đến hiện nay, tất cả các điểm BĐ-VHX của Đà Nẵng là những điểm kinh doanh có hiệu quả, nằm trong tốp cao của cả nước về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của nhân viên BĐ - VHX ổn định”.

Năm 2023, tổng doanh thu của Bưu điện Đà Nẵng thực hiện đạt 95% KH năm, tăng 7,8% so với năm 2022; Nộp ngân sách Nhà nước đạt 13,005 tỉ đồng; lợi nhuận đạt 96% kế hoạch Tổng công ty giao.

6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu đạt 47,69% kế hoạch năm; lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 51% kế hoạch năm. Đơn vị thực hiện đảm bảo duy trì ổn định việc làm và thu nhập, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách an sinh xã hội cho gần 500 CBCNV, người lao động của đơn vị. Các chế độ chính sách của người lao động được bảo đảm theo quy định.