Làng nghề đan đát Phú Tân:

Câu chuyện sinh kế và phát triển cộng đồng

PHƯƠNG NGHI

VHO - Làng nghề đan đát Phú Tân (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) có lịch sử lâu đời, là nơi nhiều hộ gia đình sinh kế với nghề truyền thống như đan lợp, lờ, rổ xúc tôm cá, thúng, nia, xịa, cần xé...

Câu chuyện sinh kế và phát triển cộng đồng - ảnh 1
Chị Trương Thị Bạch Thủy, Giám đốc HTX mây tre đan Thủy Tuyết, người đã làm thay đổi diện mạo và khơi dậy sức sống mới cho Làng nghề đan đát truyền thống Phú Tân, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương

Thời gian qua, để duy trì và phát triển nghề đan đát, HTX Làng nghề đan đát Phú Tân đã hỗ trợ các thành viên tiêu thụ sản phẩm thông qua việc liên kết với các cơ sở thu mua và tìm thương lái lớn. Đồng thời, HTX cũng hợp tác với các điểm du lịch để giới thiệu các mẫu đan làm quà lưu niệm bán cho du khách, giúp các thành viên tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

Phấn khởi khi trở thành thành viên HTX, bà Lâm Thị Nết ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân chia sẻ: “Tôi đã theo nghề đan đát gần 40 năm nay, thuộc lòng từng công đoạn, nên công việc với tôi rất nhẹ nhàng. Mỗi ngày, tôi làm được 4 cần xé, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về gần 100.000 đồng”. Nhờ thu nhập ổn định, tôi đã chăm lo được cho gia đình mình đầy đủ hơn”.

Phó Giám đốc HTX Làng nghề đan đát Phú Tân, Lý Minh Tâm cho biết: “HTX hiện có 30 thành viên hoạt động trong các lĩnh vực như đan đát, sản xuất cốm dẹp, làm hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ sinh hoạt và trưng bày nghệ thuật. Đặc biệt, với sản phẩm đan đát, HTX chú trọng vào việc tiêu thụ sản phẩm, kêu gọi các thương lái thu mua hàng của thành viên với giá hợp lý, đảm bảo lợi nhuận cho họ. Chính cách làm này đã tạo được niềm tin cho xã viên khi gia nhập HTX. Họ nhận thấy nhiều lợi ích thực tế, như sản xuất kết hợp giúp tăng sản lượng, giá trị sản phẩm cao hơn và tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn bó”.

Nhiều năm qua, với tâm huyết của mình, chị Trương Thị Bạch Thủy (dân tộc Khmer), Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết, đã làm thay đổi diện mạo và khơi dậy sức sống mới cho Làng nghề đan đát truyền thống Phú Tân, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương. Hiện HTX là nơi nâng cao năng lực và kỹ năng kinh tế cho phụ nữ, giải quyết việc làm ổn định cho 32 xã viên và hơn 60 hội viên phụ nữ trong khu vực. Mỗi hộ gia đình có thu nhập trung bình từ 7 - 10 triệu đồng/tháng từ nghề đan đát, vì vậy họ rất gắn bó với HTX.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm và mẫu mã, chị Thủy đã không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm mới và cải tiến quy trình sản xuất, sau đó truyền dạy lại cho các thành viên. Đặc biệt, chị tham gia các lớp tập huấn về tài chính tín dụng, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin. Chị cũng tham gia các sự kiện kết nối kinh doanh, giao lưu cùng các chị em phụ nữ khởi nghiệp, tổ hợp tác, các HTX trong và ngoài tỉnh, mở ra nhiều cơ hội để giới thiệu sản phẩm mây tre của mình.

Bà Dương Thị Trang, Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân chia sẻ: “Chị Trương Thị Bạch Thủy là tấm gương tiêu biểu trong việc làm sống lại Làng nghề đan đát Phú Tân. Nhiều sản phẩm đan tre từ làng nghề không chỉ là đồ gia dụng, mà còn trở thành sản phẩm du lịch sáng tạo, khơi dậy cảm hứng và góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhờ những đóng góp to lớn, chị Thủy đã vinh dự được công nhận là Nghệ nhân cấp Quốc gia của ngành nghề mây tre đan”.

Với tinh thần cống hiến và niềm đam mê, các nghệ nhân Khmer ở Làng nghề đan đát Phú Tân đã trở thành biểu tượng của văn hóa và sáng tạo cộng đồng. Nhờ đôi bàn tay tài hoa và lòng kiên trì, họ không chỉ bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu mà còn tạo ra cơ hội mới cho tương lai.