Gia Lai: Phát triển cây đàn hương tại vùng biên Ia Dom

NHƯ TRANG

VHO - UBND xã Ia Dom (Gia Lai) vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Smargap Holding tổ chức hội thảo triển khai Dự án “Trồng và phát triển, khai thác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cây đàn hương vùng Tây Nguyên”, với mục tiêu trồng 10 triệu cây đàn hương trên địa bàn tỉnh Gia Lai vào năm 2030.

Gia Lai: Phát triển cây đàn hương tại vùng biên Ia Dom - ảnh 1
Hội thảo Dự án triển khai mô hình trồng cây Đàn hương vùng Tây Nguyên tổ chức tại xã Ia Dom, tỉnh Gia Lai

Dự án “Trồng và phát triển, khai thác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cây đàn hương vùng Tây Nguyên” là bước khởi động quan trọng cho việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung, gắn kết chuỗi giá trị từ trồng trọt đến chế biến và xuất khẩu.

Cây đàn hương có nguồn gốc từ Ấn Độ và Úc, được mệnh danh là "vàng xanh" nhờ giá trị kinh tế cao. Gỗ, rễ và tinh dầu của loài cây này được ứng dụng rộng rãi trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm và công nghiệp cao cấp.

Đặc biệt, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Tây Nguyên rất phù hợp để phát triển đàn hương, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân địa phương.

Với thông điệp "Một cây cho đi - một cuộc đời thay đổi", Dự án không chỉ hướng tới lợi ích kinh tế mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mỗi cây đàn hương được trồng sẽ góp phần phủ xanh đất trống, tái tạo hệ sinh thái, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Trương Thanh Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, điều kiện địa hình đất đai, khí hậu của địa phương rất phù hợp đối với cây lâm nghiệp và đặc biệt là các loài cây có giá trị kinh tế cao.

Nếu được trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật trên điều kiện địa hình phù hợp,1ha đàn hương có thể mang lại thu nhập hàng tỷ đồng. Đây là giải pháp hiệu quả để xóa đói giảm nghèo, nâng cao độ che phủ rừng và góp phần giữ vững an ninh khu vực biên giới.

Ông Nguyễn Văn Tuân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Smartgap Holding, cho biết: “Chúng tôi phát triển đàn hương theo mô hình chuỗi giá trị khép kín, từ chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số đến chế biến sâu.

Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được chọn làm điểm triển khai nhờ lợi thế về hạ tầng giao thương, đồng thời góp phần ổn định sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới”.

Gia Lai: Phát triển cây đàn hương tại vùng biên Ia Dom - ảnh 2
Dự án “Trồng và phát triển, khai thác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cây đàn hương vùng Tây Nguyên” là bước khởi động quan trọng cho việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung, gắn kết chuỗi giá trị từ trồng trọt đến chế biến và xuất khẩu

Hiện, Công ty Cổ phần Smartgap Holding đã triển khai mô hình liên kết trồng cây Đàn hương tại địa phương, theo hình thức hợp tác liên kết 3 bên: Chính quyền - cộng đồng - doanh nghiệp.

Theo đó, chính quyền phối hợp lựa chọn vùng đất, giám sát và hô trợ triển khai dự án. Cộng đồng có thể ủng hộ qua website, số tiền đóng góp sẽ được quy đổi thành cây giống và trao tận tay người dân, lan tỏa tinh thần "Vì một Việt Nam xanh". Người dân sẽ tiếp nhận, chăm sóc và thu hoạch cây trồng. Doanh nghiệp đảm nhiệm chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, thu mua và chế biến sản phẩm.

Để dự án đạt hiệu quả, ông Trần Ngọc Phận - Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom, chia sẻ: “Với định hướng rõ ràng và sự đồng hành của doanh nghiệp và nông dân, dự án trồng đàn hương được kỳ vọng sẽ trở thành hướng đi bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cho vùng đất Tây Nguyên”.

Dự án trồng đàn hương tại Gia Lai đang khởi động với quy mô lớn, đặt mục tiêu trồng 200.000 cây trong năm 2025 và hướng đến cột mốc 10 triệu cây vào năm 2030.

Sự kết nối hiệu quả giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân không chỉ mở ra hướng phát triển kinh tế mới, mà còn góp phần phủ xanh đất trống, tạo sinh kế bền vững và nâng tầm nông sản vùng biên trên thị trường quốc tế.