Xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng:
Cần xác định văn hoá thương mại làm tiêu chí
VHO - Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ Công Thương và Hiệp hội Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng – Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư logistics, thương mại, ở địa bàn và miền Trung.
Đây được xem là hoạt động xúc tiến quan trọng tạo nền tảng, tập hợp năng lực triển khai xu thế thương mại hóa ở địa phương, nhằm chuẩn bị tốt hơn cho việc thành lập Khu thương mại tự do.
Theo các nhà tư vấn, đây không phải lần đầu tiên Đà Nẵng đề cập câu chuyện này. Đến nay đã 20 năm, địa phương nhiều lần tổ chức, kích hoạt xúc tiến các hệ thống logistics, bắt đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây đến những định hướng kinh tế biển miền Trung.
Song lần này, vấn đề logistics được Đà Nẵng đặt ra với sức mạnh thu hút đầu tư, xác định rõ phải là cơ hội hoán chuyển, đột phá mạnh mẽ cho kinh tế thành phố và cả khu vực.
Tìm kiếm hợp lực phát triển
Theo sở Công Thương Đà Nẵng, đơn vị tổ chức chính của Diễn đàn thông tin, hoạt động này nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết 136 về tổ chức chính quyền đô thị Đà Nẵng cùng một số cơ chế chính sách đặc thù và thực hiện đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông – Tây giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Diễn đàn nhằm tập hợp các ý tưởng, đề xuất từ các tổ chức, hiệp hội, các chuyên gia, nhà đầu tư, qua đó tham mưu định dạng giúp Đà Nẵng hướng phát triển ngành logistics địa phương cũng như tạo hệ sinh thái cho cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, xác định này là đúng hướng, đúng điểm cần tập trung của thương mại tự do. Thứ trưởng nhấn mạnh, logistics giúp thúc đẩy kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Gần đây, chúng ta vừa nghiên cứu các mô hình tiên tiến trên thế giới để vận dụng, vừa kêu gọi nhiều tổ chức, doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu; năm 2023 đã nâng chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam đạt 3,3 điểm, đứng thứ 5 ASEAN, doanh thu tăng bình quân 14 - 16%/năm, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu nước nhà.
Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng chia sẻ, Diễn đàn Logistics thật sự là dịp để Đà Nẵng nhìn lại bối cảnh đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, làm rõ các hạn chế lâu nay, tiếp thu những góp ý, định hướng, giải pháp, tăng cường hoạt động logistics, gắn với cơ hội phát triển khu thương mại tự do.
Văn hóa và thương mại
Theo ông Trần Chí Cường, sau Diễn đàn, Đà Nẵng sẽ hướng ngành logistics địa phương tập trung vào vấn đề chính như hoàn thiện danh mục các dự án ưu tiên về logistics; xác định vị trí quy hoạch các dự án đầu tư; tổ chức các hoạt động xúc tiến, chuẩn bị đầu tư; nghiên cứu tổ chức triển lãm logistics thành hoạt động thường niên; thật sự xác định ngành dịch vụ này là mũi nhọn thu hút đầu tư vào địa phương, cũng như cho cả khu vực.
Điều quan trọng, theo ông Trần Chí Cường, đây không phải lần đầu Đà Nẵng bàn về phát triển logistics. Lịch sử kinh tế hơn 20 năm qua, chọn lấy năm 2003, khi lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức hội thảo thu hút đầu tư làm điểm mốc, thì địa phương này đã quan tâm rất nhiều đến logistics, như là một định hướng then chốt để thay đổi toàn diện cơ hội kinh tế bền vững.
Đà Nẵng với vị trí trung điểm của cả nước, nằm trên trục giao thông Bắc Nam cả về các phương diện vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt), bảo đảm năng lực của một điểm hẹn (HUB) thu hút đầu tư mạnh ở miền Trung. Nên không có lý do gì để địa phương không chú trọng xem xét mọi cơ hội lan tỏa, sẻ chia, kết nối giao thông, giao thương với xung quanh, cả nội địa lẫn xuất khẩu.
Lựa chọn đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây từ thập kỷ 80 thế kỷ XX đã xác định Đà Nẵng có vị trí trọng yếu cho logistics khu vực và mở rộng ra toàn ASEAN, nếu Việt Nam muốn thay đổi bối cảnh kinh tế thương mại. Vì vậy, đã có rất nhiều hoạt động từ Đà Nẵng nhắm đến mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái logistics. Đến nay, khi tình hình diễn biến thuận lợi hơn, Đà Nẵng lại càng cần chú ý đến logistics.
Vấn đề ở chỗ, vì đã nhắm đến thương mại tự do, phát triển hàng hóa nên ngành dịch vụ logistics Đà Nẵng cần chú ý đến hai vấn đề văn hóa và thương mại.
Thứ nhất, trước khi tổ chức được cơ cấu khu thương mại tự do hoàn chỉnh, hoạt động thương mại kinh tế sẽ tự nhiên bùng nổ đi trước. Những nhóm, ngành hàng thương mại tư nhân, nhất là thương mại điện tử sẽ nhanh chóng phát triển ở Đà Nẵng và khu vực, tạo một dòng chảy văn hóa ứng xử, tương tác giao tiếp thương mại ở địa phương mang tính hội nhập quốc tế rất mạnh.
Đà Nẵng cần nắm chắc vấn đề văn hóa thương mại này, để định vị rõ các tiêu chí chất lượng đầu tư, phát triển sao cho đúng hướng và quản lý tốt mặt bằng thương mại của mình.
Thứ hai, đi cùng hàng hóa phát triển, địa phương phải coi trọng nguồn nhân lực, lấy chất lượng văn hóa nhân lực tại chỗ làm nền tảng cho hệ thống logistics phát triển bền vững. Địa phương cần chú ý tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng chất lượng nhân lực logistics; nên lồng ghép hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương với củng cố văn hóa thương mại, liên quan tới Nghị quyết 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.