Phát triển du lịch TP. Cam Ranh (Khánh Hòa):
Bài 2: Sớm trở thành đô thị du lịch – logistics
VHO - Trong tương lai, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) sẽ sớm trở thành đô thị du lịch – logistics; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật khu vực phía Nam tỉnh Khánh Hòa.
Theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Cam Ranh đến năm 2045 đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, TP. Cam Ranh được định hướng phát triển trở thành đô thị du lịch – logistics và được phân vùng đô thị gồm 9 khu vực. Cụ thể, khu vực 1 sẽ là khu đô thị hành chính công cộng - thương mại dịch vụ trung tâm thuộc các phường nội thành hiện nay của thành phố. Đây là khu vực tập trung các trung tâm hiện hữu của thành phố, như: Trung tâm hành chính - chính trị, công cộng, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, lịch sử của thành phố.
Khu vực 2 được định hướng phát triển du lịch văn hóa và bảo tồn thiên nhiên, nằm ở phía Tây Bắc TP. Cam Ranh, chủ yếu thuộc khu vực núi Hòn Rồng. Đây cũng là khu vực phát triển trung tâm dịch vụ du lịch khu vực chân núi Hòn Rồng với các loại hình du lịch đa dạng, gắn với bảo tồn thiên nhiên. Là đầu mối để từ đó tổ chức các chương trình đưa khách du lịch đi đến các điểm du lịch khác trên toàn địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, từ Trung tâm du lịch thành phố, có thể tổ chức các chương trình du lịch đi các điểm du lịch khác bên ngoài thành phố trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, hoặc liên vùng.
Khu vực núi Hòn Rồng được định hướng phát triển thành Trung tâm du lịch chính của thành phố và kết nối không gian du lịch trung tâm thuộc địa bàn phường Cam Phú (gắn với khu đô thị du lịch biển cũng là nơi tập trung các trung tâm như: Trung tâm hành chính, Trung tâm văn hóa, Trung tâm thể dục thể thao, Trung tâm giáo dục đào tạo, Trung tâm thương mại dịch vụ) thành trục du lịch trung tâm của thành phố.
Khu vực 3 được định hướng là khu đô thị thương mại - dịch vụ hậu cần gắn với sân bay chủ yếu thuộc phường Cam Nghĩa, xã Cam Thành Nam và một phần phường Cam Phúc Bắc. Đây là khu vực phát triển thành khu đô thị logistics tổng hợp, hậu cần sân bay, cảng khách quốc tế đường thủy, bến xe.
Khu vực 4 được định hướng phát triển là khu đô thị dịch vụ - du lịch, thuộc phường Cam Nghĩa; là khu vực phát triển khu đô thị, thương mại dịch vụ, dịch vụ du lịch ven biển, nhất là các dịch vụ du lịch ven biển cao cấp. Khu vực này là khu đô thị logistics với đầu mối giao thông là sân bay quốc tế Cam Ranh và cảng khách quốc tế đường thủy. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch biển và ven biển với các hoạt động: thể thao bãi biển, chơi golf, casino, nghỉ dưỡng biển cao cấp, chèo thuyền, lướt ván, tắm biển, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, VCGT cao cấp.
Khu vực 5 được định hướng phát triển là khu vực phát triển dịch vụ du lịch, nông nghiệp và cảnh quan sinh thái, thuộc một phần phường Ba Ngòi và xã Cam Phước Đông. Đây là khu vực thoát lũ quan trọng của thành phố; chủ yếu là đất làng xóm đô thị hóa, từ đó hình thành các đơn vị ở thấp tầng xen giữa các khu đất nông nghiệp, hệ thống thoát lũ; khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, du lịch gắn với nông nghiệp.
Khu vực 6 định hướng là khu đô thị công nghiệp - logistics, thuộc xã Cam Thịnh Đông và một phần xã Cam Thịnh Tây; là khu vực phát triển trung tâm logistics tại khu vực thuận tiện giao thông trên cơ sở đảm bảo quỹ đất lớn, có khả năng kết nối đến các đầu mối hạ tầng kỹ thuật và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Cam Ranh.
Khu vực 7 được định hướng là khu đô thị - dịch vụ du lịch bán đảo, gồm xã Cam Thịnh Đông và một phần xã Cam Lập; là khu vực phát triển khu đô thị dịch vụ du lịch bán đảo, ven vịnh, khai thác tối đa lợi thế địa hình tự nhiên khu vực bán đảo và đảo Bình Hưng; là khu vực cửa ngõ phía Nam của thành phố Cam Ranh, đón các luồng khách du lịch từ phía Nam đến Cam Ranh.
Khu vực 8 được định hướng phát triển là khu cảnh quan sinh thái đồi núi phía Tây, gồm xã Cam Phước Đông và một phần xã Cam Thịnh Tây; là khu vực bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước mặt của đô thị; đồng thời là vùng đệm quan trọng kết nối du lịch với huyện Khánh Sơn và các vùng du lịch lớn như tỉnh Ninh Thuận và TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Khu vực 9 được định hướng phát triển là vùng bảo vệ quốc phòng - an ninh, thuộc phường Cam Nghĩa; là khu vực có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh - quốc phòng, thuộc Vùng 4 Hải quân. Trong khu vực này còn có cảng quốc tế quân sự kết hợp dân sự do Vùng 4 Hải quân quản lý.
Đề án đặt ra mục tiêu giai đoạn 2024 - 2030, TP. Cam Ranh sẽ phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố, đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh. Tầm nhìn đến năm 2045, du lịch TP. Cam Ranh tăng trưởng phát triển bền vững, thực sự trở thành đô thị du lịch thông minh, điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu của khu vực; là trung tâm kết nối, phát triển du lịch liên vùng, kinh tế liên vùng; có thương hiệu trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, TP. Cam Ranh đón khoảng 300.000 lượt khách du lịch, tổng thu ước đạt hơn 300 tỉ đồng.
Trong giai đoạn này, TP. Cam Ranh đảm bảo có khoảng 2.000 phòng, trong đó khoảng 30% đạt chất lượng 4 đến 5 sao. Đến năm 2030, du lịch TP. Cam Ranh đón khoảng 438.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt khoảng 565 tỉ đồng. Cơ sở lưu trú cần khoảng 3.500 phòng, trong đó khoảng 50% đạt tiêu chuẩn 4 đến 5 sao. Đến năm 2045, TP. Cam Ranh đón khoảng 6,7 triệu lượt khách (khách quốc tế khoảng 2 triệu lượt). Về cơ sở lưu trú cần khoảng 50.000 phòng, với 80% đạt chất lượng từ 3 sao trở lên.
Ông Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, dự kiến đến năm 2030, TP. Cam Ranh cần khoảng 2.750 tỉ đồng để phát triển du lịch xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh, trong đó có khoảng 2.734 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Sau khi Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Cam Ranh đến năm 2045 được phê duyệt, UBND TP. Cam Ranh đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, kêu gọi thu hút đầu tư ngoài ngân sách để sớm hiện thực hóa quy hoạch.
Thời gian tới, UBND TP. Cam Ranh sẽ tiếp tục mở rộng kết hợp kéo dài một số tuyến đường kết nối Bắc - Nam, như: Hoàng Văn Thụ, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, đường ven biển; mở rộng kết hợp kéo dài một số tuyến đường kết nối Đông – Tây. Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, ưu tiên phát triển các loại phương tiện thân thiện với môi trường, đầu tư và áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Đồng thời, quy hoạch nâng cấp hệ thống bến cảng, bến thuyền du lịch, đầu tư phát triển hệ thống tàu biển - du thuyền đẳng cấp, chất lượng cao để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển TP. Cam Ranh trở thành đô thị du lịch - logistics theo đúng định hướng của Trung ương và của tỉnh.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 09 đề ra, UBND TP. Cam Ranh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển đô thị theo hướng thông minh bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế.