Sinh viên ở lại làm thêm dịp Tết

VHO - Thời điểm giáp Tết Nguyên đán là lúc nhà nhà, người người tất bật mua sắm đồ Tết, trang trí nhà cửa, du ngoạn đón xuân. Tuy nhiên, không ít người vẫn đang xuôi ngược với nặng gánh mưu sinh, trong số đó, có cả những sinh viên tranh thủ ở lại TP làm thêm, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Sinh viên ở lại làm thêm dịp Tết - Anh 1

 Sinh viên làm thêm việc pha chế tại quán cà phê dịp Tết

Nguyễn Văn Hùng, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam kể, từ Rằm tháng Chạp, em đã tranh thủ đi chở đào, quất thuê cho mấy điểm bán hoa khu vực Tứ Liên. Ngày thường, ngoài giờ học Hùng chạy xe Grab để kiếm tiền ăn học, vì điều kiện kinh tế gia đình em rất khó khăn, muốn học đại học, em phải cố gắng tự lo liệu, trang trải. Hùng cho biết, chở đào, quất thuê có ngày em kiếm được tiền triệu, nhiều hơn mấy lần so với ngày thường. Tuy nhiên, đây là công việc vất vả, đòi hỏi phải có sức khỏe, vì có những chậu cây khá to và nặng, chở không cẩn thận thì có khi phải đền hàng, mất Tết.

Khác với Hùng, Thu Minh đang học tại một trường nghệ thuật, nên gần tháng nay, em miệt mài đi cắm hoa cho một số cửa hàng bán lan hồ điệp. Việc cắm hoa không nặng nhọc như chở đào, quất, nhưng yêu cầu phải khéo tay, có óc thẩm mỹ vì mỗi chậu lan là một tác phẩm nghệ thuật, có khách còn đặt lan cắm theo tiểu cảnh khá cầu kỳ. Tiền công cắm mỗi cành lan từ 15.000-30.000 đồng, nên dù làm bán thời gian, mỗi ngày Thu Minh cũng kiếm được từ 1-2 triệu đồng. Năm ngoái, “chạy sô” nhiều cửa hàng để cắm lan dịp giáp Tết, Thu Minh cũng thu nhập tới ba chục triệu, đủ để trang trải cho một học kỳ.

Trong khi đó, Mạnh Khang, vốn học nghề nấu ăn, nhận được lời mời từ một vài nhà hàng cách đây cả tháng. Khang cho biết, giáp Tết, các cơ quan, doanh nghiệp thường gặp mặt cuối năm, liên hoan, tổng kết nên nhà hàng khá bận rộn. Mạnh Khang dù chưa tốt nghiệp nhưng nấu cỗ ngon nên rất “đắt sô” và được trả công khá cao. “Dịp Tết em cũng kiếm được vài chục triệu”, Mạnh Khang chia sẻ.

Sinh viên ở lại làm thêm dịp Tết - Anh 2

 Nhiều bạn nữ chọn công việc part time tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi

Ngoài những việc làm thêm có thu nhập tương đối, thì nhiều bạn trẻ cũng chọn việc dễ dàng hơn và có mức thu nhập trung bình như đóng gói hàng, dọn dẹp nhà cửa, bán hàng thuê cho các shop bánh kẹo, quần áo, đồ gia dụng... Những công việc này thù lao ngày dịp Tết chỉ nhỉnh hơn ngày thường chút ít, nhưng nhiều chủ cửa hàng cũng rộng rãi thưởng quà cho người làm, có thể là hiện vật hoặc tiền.

Việc tranh thủ làm thêm giúp không ít sinh viên có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống, có tiền đóng học phí. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được công việc như ý, thậm chí có bạn còn bị lừa khi tìm việc. Các đối tượng lừa đảo đã giả mạo là nhân viên sàn thương mại điện tử, nhân viên công ty môi giới việc làm hoặc các doanh nghiệp lớn để đăng tuyển dụng giả mạo, với những lời hứa hẹn hấp dẫn, như nhiều đơn hàng nên cần tuyển gấp nhân viên với mức lương cao, làm việc tại nhà, thời gian linh hoạt, sau khi nạn nhân “mắc bẫy” với số tiền đặt cọc, các đối tượng lừa đảo tiếp tục thúc ép nạn nhân nạp thêm tiền “để được rút lại cọc và nhận thưởng”…

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, do thiếu hiểu biết và nôn nóng muốn kiếm tiền, nên một số bạn đã sập bẫy lừa đảo trong quá trình tìm kiếm việc làm. Dịp giáp Tết, có việc cũng giúp những bạn hoàn cảnh gia đình khó khăn có thêm khoản thu nhập đáng kể; bên cạnh đó cũng rèn giũa cho các em thêm kỹ năng, đặc biệt là công việc phù hợp với ngành học. Tuy nhiên, việc làm thêm cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc việc học nếu các bạn không biết cân đối thời gian. Trên thực tế, nhiều em vì mải mê đi làm mà không hoàn thành chương trình một số môn, đặc biệt, dịp đầu năm cũng là lúc một số trường bước vào kỳ thi kết thúc môn, dẫn đến việc sinh viên phải học lại hoặc kéo dài thời gian tốt nghiệp. Điều này về mặt lâu dài, gây tổn hại lớn hơn cho chính bản thân các em và gia đình so với lợi ích về tiền bạc mà các em kiếm được. 

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc