Sẵn sàng cho một khởi đầu mới

VHO- Sáng qua 5.9, hơn 22 triệu học sinh trên cả nước hân hoan dự Lễ khai giảng và bước vào năm học mới 2023-2024 với chủ đề Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Sẵn sàng cho một khởi đầu mới - Anh 1

"Hãy trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình và trở thành một phần đáng tự hào của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu” (ảnh minh họa)

Học tập là nhiệm vụ quan trọng cả cuộc đời

Trong ngày Khai giảng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có thư gửi ngành Giáo dục và nhắn nhủ học sinh: Hãy luôn xác định học tập là nhiệm vụ quan trọng của cả cuộc đời! Trong thư, Chủ tịch nước viết: “Mỗi năm học là một hành trình ý nghĩa trên con đường tích lũy tri thức, luyện kỹ năng, trau dồi phẩm chất, xác lập những giá trị tốt đẹp và bền vững để phát triển bản thân”.

Đặt niềm tin vào các em về tương lai tươi sáng của Tổ quốc, Chủ tịch nước căn dặn: “Thầy cô, cha mẹ và đất nước luôn quan tâm, tạo những điều kiện tốt nhất để các em phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình và trở thành một phần đáng tự hào của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, “sánh vai với các cường quốc năm châu” chỉ đạt được khi đất nước có những công dân có trí tuệ và phẩm giá, biết yêu gia đình, Tổ quốc, đồng bào; sống tử tế và làm việc hiệu quả; dám bảo vệ lẽ phải, dũng cảm và tỉnh táo chống lại những điều xấu, cái ác”.

Trước thềm năm học mới, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn “các cô giáo, thầy giáo hãy luôn giữ vững niềm đam mê, tâm huyết với nghề, bản lĩnh vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người cao quý” và mong các bậc phụ huynh vì tương lai của con mình, hãy đồng hành với nhà trường và xã hội trong giáo dục, chăm lo cho các em.

Chủ tịch nước cũng động viên toàn ngành Giáo dục, dù còn những băn khoăn, trăn trở, song tất cả chúng ta hãy vững vàng tiến bước, vượt qua khó khăn, kiến tạo những giá trị mới mẻ và thiết thực cho thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước. Và chúc các em học sinh, sinh viên, các cô giáo, thầy giáo, cán bộ ngành Giáo dục và các bậc phụ huynh bước vào năm học mới với khí thế mới, cùng thi đua dạy tốt, học tập tốt, rèn luyện tốt, có nhiều tiến bộ và thành tựu mới.

Phía trước còn nhiều khó khăn và thách thức

Năm học này, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025)…

Có thể nói, khó khăn lớn nhất của ngành Giáo dục ở thời điểm hiện tại là việc thiếu hơn 118.000 giáo viên các cấp. Một số địa phương bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có chính sách đột phá thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn. Bên cạnh đó, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn bất cập; vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp và áp lực tuyển sinh đầu cấp, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định, tại một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, học tạm; thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, đặc biệt là khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Công tác bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế. Việc các trường tổ chức dạy học theo các tổ hợp lựa chọn không giống nhau đã khiến cho việc thay đổi tổ hợp và chuyển trường của học sinh lớp 10 năm nay gặp nhiều trở ngại. Chất lượng giáo dục thường xuyên vẫn còn hạn chế; tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn còn thấp, kết quả xóa mù chữ không bền vững.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở giáo dục, gây bức xúc trong dư luận.

Để hướng tới việc củng cố, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, ổn định cuộc sống giáo viên, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, trong đó cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày). Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như: Sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức giáo viên/lớp; Thí điểm cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về chế độ chính sách đối với nhà giáo để thu hút người giỏi vào làm giáo viên, giáo viên yên tâm công tác gắn bó với nghề, đảm bảo ổn định đội ngũ; Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học; Chuẩn bị đủ nguồn tuyển giáo viên...

Đối với các địa phương, Bộ GD&ĐT đề nghị tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc giải quyết tình trạng thừa cục bộ và thiếu giáo viên. Đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chế độ, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm thu hút và tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm công tác tại các vùng khó khăn. 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc