Nhọc nhằn cô giáo mầm non vùng cao

VHO - Dù ngày nắng, ngày mưa hay phải vượt qua những đoạn đường quanh co, hiểm trở chìm trong sương mù dày đặc, bằng tình yêu nghề, yêu con trẻ, các cô giáo nơi rẻo cao Quảng Ngãi vẫn không quản ngày đêm miệt mài, tận tâm chăm sóc, giáo dục các em như chính con đẻ của mình...

Nhọc nhằn cô giáo mầm non vùng cao - Anh 1

 Cô giáo Nguyễn Thị Tâm cùng các em đồng bào Cor

Kiên trì “cắm bản”

Lớp học ở điểm lẻ Trường mầm non Sơn Màu, thôn Đak Panh, xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây chỉ rộng chừng vài chục mét vuông, nằm gọn trên đỉnh đồi nhỏ, được bài trí gọn sàng, sạch sẽ. Cô Trần Thị Ánh Ly là giáo viên phụ trách lớp, bám trụ với nơi đây đã hơn chục năm nên có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với vùng sơn cước. Nhà ở dưới xuôi, chuyện ở trường dài ngày đã thành quen. “Đầu tuần lên núi, cuối tuần xuống núi, dạy nơi xa nên ít có thời gian cho gia đình, con cái. Bây giờ đường đi đỡ nhiều so với trước, đi xe máy nhiều sẽ quen tay, còn ô tô vẫn khó lắm. Vào mùa mưa, khu này thường bị cô lập do núi lở. Có năm, mưa lớn làm sạt cả quả núi, phải ở lại điểm trường gần một tháng trời. Gạo có sẵn, đồ ăn thì mình hái rau rừng ở quanh đây, có gì ăn đó, rồi cũng qua hết”, cô Ly kể.

Điểm mầm non thôn Đak Panh là bán trú dân nuôi, học sinh đi bộ đến trường, có em cách xa trường đến 3 km, đường đi toàn đồi núi và phải băng qua con suối lớn. “Lớp có 26 em, toàn là người Cadong. Đồng bào ở đây nghèo lắm, may mà hằng tháng các em đều được nhận hỗ trợ của nhà nước, lại có chương trình sữa học đường, thỉnh thoảng các đoàn từ thiện tới thăm, tặng quà, cô và trò đều vui. Mùa nắng các em tự đi đến trường, mùa mưa băng suối nguy hiểm nên phải có phụ huynh đi cùng, nếu không có phụ huynh thì cô giáo đưa đi”, cô Ly cho hay.

Không phải ai cũng đủ kiên trì để bám làng, bám trường như cô Ly. Đường xa lại quá xấu, đến được trường là tay tê buốt, hai đùi đau nhức khiến chân bước không nổi. Đêm đêm lại trải giường xếp nằm ngủ một mình trong phòng học, cô đơn giữa những âm thanh bí ẩn của rừng núi, có người không chịu nổi vất vả, thiếu thốn đã tìm cách rời đi chỉ sau một thời gian ngắn.

Đã 9 năm qua, cô Võ Thị Kim Ngân (31 tuổi) bám lớp, bám trường với các em nhỏ đồng bào Cor. Hằng ngày, cô vượt hơn 23 cây số từ trung tâm thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng đến điểm Trường mầm non Trà Thanh ở thôn Vuông. Cô Ngân chia sẻ, ngày nào các cô ở đây cũng sáng đi tối về. Mùa hè còn đỡ, mùa đông những hôm trời mưa lớn đi lại sẽ rất khó khăn. Trường mầm non xã Trà Thanh hiện có 185 học sinh, gần 100% là học sinh đồng bào Cor, với 1 điểm trường chính và 3 điểm lẻ. Vất vả không thể nói thành lời, nhưng những tiếng ê a: Hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước, hôm nay mẹ lên nương, một mình em tới lớp… Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây, cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay…; những nụ cười hồn nhiên, ánh mắt sáng ngời của học trò đã tiếp thêm nghị lực và tình yêu nghề cho các cô giáo vùng cao.

Cô Ngân nhớ lại, trước kia lớp học đều tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn, đồ dùng, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học cho các em không có nên giáo viên ở đây đều phải tự sáng tạo đồ chơi để trẻ hứng thú khi đến lớp. Học sinh lại chủ yếu là đồng bào DTTS nên các cô vừa nỗ lực chăm sóc, dạy dỗ trẻ học tiếng Việt, vừa vận động, tuyên truyền cho phụ huynh đưa con em đến trường đầy đủ.

“Nỗi ám ảnh lớn nhất vẫn là những ngày đông giá rét, nhìn bọn trẻ co ro trong bộ quần áo mỏng manh mà thương vô cùng. Các cô thường xuyên vận động những tổ chức thiện nguyện ủng hộ quần áo, đồ dùng học tập cho các em. Chứng kiến tụi nhỏ học hành ngoan ngoãn, lớn lên từng ngày, các cô vui lắm, dù có vất vả mấy cũng ráng vượt qua”, cô Ngân bày tỏ.

Nhọc nhằn cô giáo mầm non vùng cao - Anh 2

 Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thăm, tặng quà Trường mầm non Trà Thanh, xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng

Bén duyên gieo mầm tri thức cho trẻ miền núi

Suốt 16 năm gắn bó với công tác giáo dục ở huyện Trà Bồng, với Hiệu trưởng Trường mầm non Trà Bùi Nguyễn Thị Tâm, thành công lớn nhất là tình yêu thương của đồng bào dành cho mình. Cô đã vượt qua nhiều gian khó để mang con chữ đến với học trò vùng cao.

Cô Tâm kể: “Ngày ấy, tôi theo dì ruột từ quê Thanh Hóa vào Quảng Ngãi để thực hiện ước mơ làm giáo viên và được phân công giảng dạy ở Điểm trường lẻ thôn Tây của Trường mầm non Trà Bùi. Đường sá đi lại khó khăn, hằng ngày phải leo núi gần 1 giờ đồng hồ mới vào đến nơi. Chiều tối lại quay về điểm trường chính để lo cơm nước cho hai em học sinh nghèo đi học xa nhà mà tôi nhận đỡ đầu. Vất vả không thể nào kể xiết, vậy mà hằng ngày tôi vẫn cứ băng rừng lội suối đến lớp, tất cả đều vì tình yêu thương dành cho học trò”.

Năm 2014, khi UBND huyện Trà Bồng tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý, cô Tâm đã đăng ký thi vào vị trí Phó hiệu trưởng với đề tài “Mô hình bán trú dân nuôi cho trẻ điểm trường lẻ ở Trà Bùi”. Cô đã thành công và được bổ nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng; đề tài này sau đó được triển khai thực hiện tại các điểm lẻ của trường.

“Việc duy trì mô hình bán trú ở điểm trường chính và bán trú dân nuôi ở các điểm trường lẻ đã khắc phục tình trạng học sinh đi học “giã gạo”. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhờ đó giảm đáng kể”, cô Tâm phấn khởi nói.

Giờ đây, với cương vị Hiệu trưởng, cô luôn chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cho các giáo viên trẻ. Sự quan tâm, gần gũi của cô hiệu trưởng đã tạo được niềm vui, nâng bước học sinh đến trường, nhờ đó, xã Trà Bùi không còn tình trạng học sinh bỏ học, chất lượng phổ cập giáo dục mầm non được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học. 

 Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, toàn tỉnh có hơn 200 điểm trường lẻ tại 6 huyện miền núi. Điểm trường “cắm bản” nào cũng khó khăn. Hầu như nơi này giáo viên chỉ cho đi chứ không hề nhận lại. Ngày nào cũng đánh vật với từng con chữ, nhất là với học sinh lớp 1, khó khăn vất vả là không thể kể xiết, nhưng niềm vui của thầy cô là các em biết đọc, biết viết, biết hát và có quyền mơ ước tới tương lai.

 NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc