Lùi tăng học phí, nhưng cần tăng đầu tư cho giáo dục ĐH

VHO- Vì mục tiêu của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân nên không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học - đó là lý do mà năm học 2023-2024, khung học phí ĐH quy định theo Nghị định 81 sẽ chưa được áp dụng.

Lùi tăng học phí, nhưng cần tăng đầu tư cho giáo dục ĐH - Anh 1

 Tân sinh viên đóng học phí nhập học (ảnh minh họa)

Liên quan vấn đề này, ông Ngô Văn Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã nghiên cứu và xây dựng xong dự thảo Nghị định: “Tinh thần là chúng tôi trình lên Chính phủ phương án lùi khung học phí ĐH 1 năm. Trong Nghị định 81, lộ trình học phí sửa nhưng các quy định khác vẫn không thay đổi, ví dụ, các chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến, sau khi hết thời gian 2 năm, nếu kiểm định không đạt thì quay lại áp dụng mức học phí quy định cho khối ngành đó và mức tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH”.

Chính sách điều chỉnh học phí đã khiến không ít cơ sở đào tạo ĐH lo lắng. GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, tự chủ ĐH là tất yếu, hiện phần lớn các trường đã thực hiện việc này. Tuy nhiên, rất cần chính sách hỗ trợ, đặc biệt là tài chính: “Những trường mới tự chủ gần đây còn gặp rất khó khăn. Vì vậy, mong Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất Nhà nước, Chính phủ có thêm chính sách hỗ trợ”.

Nhắc tới cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng Lê Quang Sơn trăn trở: “Không có đầu tư thích đáng không thể nâng cao chất lượng đào tạo. Không có nguồn lực thì làm việc sẽ chỉ theo kiểu mở rộng mà không thể đào sâu”. Ông Sơn cũng đề cập tới cơ chế phối hợp giữa các trường ĐH với các Bộ, ngành, viện nghiên cứu để sử dụng nguồn lực chung, bởi thực tế nhiều thầy cô có đề tài nghiên cứu, mong muốn nghiên cứu nhưng không có nguồn lực.

Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân cũng kiến nghị tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục ĐH. Bên cạnh đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người thông qua các đề tài, dự án. Thực tế, các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi. Ông Quân cũng kiến nghị nên có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường ĐH tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm). Trong trường hợp chưa tăng được học phí thì Nhà nước nên cấp bù phần ngân sách chưa được tăng; sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP (hình thức đối tác công - tư), nghiên cứu chuyển giao KH-CN, thúc đẩy văn hóa hiến tặng...

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, nhìn tổng thể về tài chính giáo dục nói chung, tài chính ĐH nói riêng, học phí chỉ là một nguồn (với GDĐH là nguồn chính hiện nay), và chính sách học phí cũng chỉ là một trong nhiều chính sách liên quan. Nhìn xa hơn, dù học phí được giữ nguyên hay có điều chỉnh, thì tổng nguồn lực dành cho giáo dục (bao gồm cả tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất..) nếu như không tăng được thì cũng cần được giữ vững, ở đây có vai trò điều tiết của Nhà nước… 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc