Thời trang Ấn Độ là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà mốt phương Tây

HỒNG NHUNG

VHO - Các thương hiệu thời trang lớn châu Âu hiện đang đầu tư mạnh mẽ ở Ấn Độ. Louis Vuitton, Balenciaga và Valentino nằm trong số những nhà mốt đã mở cửa hàng flagship (địa điểm chính của một nhà bán lẻ) tại Mumbai hoặc Delhi trong suốt ba năm qua.

Thời trang Ấn Độ là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà mốt phương Tây - ảnh 1
Buổi trình diễn của nhà mốt Dior năm 2023tại Ấn Độ - một sự tôn vinh đầy trân trọng đối với đất nước này. Indranil Mukherjee/AFP/Getty Images

Khi Prada trình làng một số đôi sandal xỏ ngón đặc trưng và đường khâu tinh xảo trên sàn diễn thời trang nam tại Milan vào tháng trước, giới quan sát đã nhanh chóng nhận ra sự giống nhau giữa sản phẩm này với di sản thời trang Ấn Độ cách đây một thế kỷ.

Nhà mốt danh tiếng của Ý đã giới thiệu những đôi sandal này là quá trình sáng tạo xa xỉ, nhưng nhiều người Ấn Độ chỉ đơn giản coi đó là một đôi dép Kolhapuri - dép sandal thủ công truyền thống có nguồn gốc từ thế kỷ 12 hoặc 13.

Prada ban đầu không thừa nhận bộ sưu tập những đôi dép này lấy cảm hứng từ món đồ thủ công ở Ấn Độ. Tuy nhiên, một tuần sau đó, nhãn hiệu thời trang của Ý đã thừa nhận những đôi dép sandal trong bộ sưu tập Xuân-Hè 2026 dành cho nam giới của hãng thực sự được "lấy cảm hứng từ giày dép truyền thống của Ấn Độ". 

Trong một tuyên bố với CNN, thương hiệu thời trang châu Âu nổi tiếng này cho biết họ "luôn hướng tới quá trình tôn vinh nghề thủ công, di sản và thiết kế", đồng thời nói rằng họ đã gặp gỡ các nhà sản xuất giày dép thủ công ở Ấn Độ "để thảo luận về các cơ hội hợp tác tiềm năng trong tương lai".

Câu chuyện này đã phản ánh phần nào xu hướng các thương hiệu phương Tây thường gặp khó khăn trong việc gắn kết ý nghĩa của sản phẩm với nghề thủ công và văn hóa của Ấn Độ.

Thị trường xa xỉ phát triển mạnh mẽ

Thị trường hàng xa xỉ của Ấn Độ đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, ước tính sẽ tăng từ 7,73 tỷ đô la vào năm 2023 lên 11,3 tỷ đô la vào năm 2028 - một tốc độ có thể sẽ vượt xa hầu hết các thị trường hàng xa xỉ lớn khác trên thế giới, theo công ty tư vấn toàn cầu Kearney.

Sự tăng trưởng này một phần ảnh hưởng bởi sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và một thế hệ người tiêu dùng trẻ mới, am hiểu thương hiệu và có tư duy quốc tế.

Tuy nhiên, theo nhà thiết kế thời trang nổi tiếng người Ấn Độ Gaurav Gupta, người tiêu dùng hàng xa xỉ Ấn Độ ngày nay "không còn duy trì khuôn mẫu đơn nhất nữa".

"Chúng tôi đang chứng kiến số lượng khách hàng vô cùng đa dạng, từ những gia đình công nghiệp thế hệ thứ hai đến những doanh nhân kỹ thuật số, nghệ sĩ và công dân toàn cầu thế hệ đầu tiên. Tất cả đều đang tìm kiếm một điều gì đó sâu sắc hơn là một logo đơn thuần", ông Gupta nhấn mạnh.

Các thương hiệu thời trang lớn đã và đang đầu tư mạnh mẽ ở Ấn Độ. Trong suốt ba năm qua, Louis Vuitton, Balenciaga và Valentino nằm trong số những nhà mốt đã mở cửa hàng flagship (địa điểm chính của một nhà bán lẻ) tại Mumbai hoặc Delhi.

Một số nhà mốt khác cũng đang hợp tác với các nhãn hiệu hoặc nhà sáng tạo Ấn Độ để tạo ra những thiết kế nhằm truyền tải thông điệp chân thực hơn đến khán giả địa phương.

Một số thương hiệu này đang cố gắng "thích nghi một cách tuyệt vời". Tuy nhiên, ở đâu đó, một số nhà mốt được cho là rơi vào trạng thái "mất kết nối", thường tìm kiếm cơ hội thương mại hơn là đối thoại văn hóa", ông Gupta nói thêm.

Mối gắn kết giữa văn hoá Ấn Độ và thời trang phương Tây

Văn hoá Ấn Độ cũng truyền cảm hứng rất lớn với thời trang phương Tây, đặc biệt là các bộ đồ ngủ và vải kẻ caro Madras.

Toolika Gupta, Giám đốc Viện Thủ công mỹ nghệ và Thiết kế Ấn Độ (IICD) tại Jaipur, cho biết nhiều người dân Ấn Độ, bao gồm cả các nhà thiết kế và nghệ nhân, đều muốn di sản của họ được công nhận.

Năm 2019, thương hiệu thời trang Gucci đã gây tranh cãi với sản phẩm "Indy Full Turban", được bán với giá 790 đô la trên trang web của Nordstrom. 

Thiết kế chiếc khăn trùm đầu màu xanh lam trông rất giống khăn xếp truyền thống của người Sikh, đã tạo ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng người Sikh ở Ấn Độ và nhiều nơi khác. Cuối cùng, sản phẩm đã bị gỡ khỏi trang web, và Nordstrom đã nhanh chóng lên tiếng xin lỗi sau làn sóng phản đối dữ dội.

Chỉ trong năm nay, công ty thời trang Reformation cũng bị chỉ trích vì bán một chiếc áo cánh, váy và khăn quàng cổ.

Phong cách thời trang khiến nhiều người dân quốc gia Nam Á này nhớ đến lehenga - trang phục Ấn Độ gồm váy dài, áo và khăn choàng (dupatta), một món đồ chủ đạo của thời trang Ấn Độ trong nhiều thế kỷ và thường được quấn quanh ngực phụ nữ. 

Hơn cả một trung tâm sản xuất

Mối quan hệ giữa thời trang cao cấp với các nghệ nhân Ấn Độ đã bắt đầu vào thế kỷ 17, khi những thợ may hoàng gia châu Âu tìm kiếm các loại vải như cotton và lụa từ tiểu lục địa này.

Qua nhiều thế kỷ, sự giao lưu xuyên lục địa đã biến các họa tiết Ấn Độ từ những món đồ quý giá thành thiết kế phổ biến của phong cách phương Tây.

Theo Gupta của IICD, các loại vải như chintz và paisley có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống nghệ thuật phong phú của Ấn Độ và từ lâu đã truyền cảm hứng cho thời trang toàn cầu, mặc dù nguồn gốc của chúng hiện nay thường bị bỏ qua.

Tuy nhiên, Ấn Độ không chỉ là nguồn cảm hứng cho thời trang xa xỉ, mà còn là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu về ngành thời trang. Ngày nay, một phần đáng kể hoạt động sản xuất của ngành may mặc thường thuê các xưởng may, thợ thêu và nhà sản xuất dệt may ở Ấn Độ tham gia sản xuất.

Thời trang Ấn Độ đang có tác động mạnh mẽ trên thảm đỏ toàn cầu. Những người nổi tiếng phương Tây cũng ngày càng ưa chuộng các nhà thiết kế Ấn Độ.

“Đó là một sự thay đổi mạnh mẽ, gần như chúng ta đang tìm lại câu chuyện của chính mình. Các nhà thiết kế Ấn Độ giờ đây có cơ hội trình diễn trên sân khấu toàn cầu với tư cách là những nhà đổi mới với ngôn ngữ, hình dáng và hệ tư tưởng riêng. Chúng tôi không còn thích nghi để hòa nhập nữa, mà là đang thể hiện phong cách nổi bật trên toàn cầu”, Gaurav Gupta nói với CNN. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc