Nghệ sĩ, KOLs quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội:

Đến lúc phải tính tới biện pháp “cấm sóng”

PHƯƠNG ANH

VHO - “Check var” các nghệ sĩ, KOLs… quảng cáo sản phẩm, người tiêu dùng chỉ ra vô số vụ việc bán hàng bất chấp của những nhân vật này. Cung cấp thông tin sai sự thật, thổi phồng cùng sự hỗ trợ lan tỏa trên mạng xã hội khiến lượng sản phẩm tiêu thụ tăng vượt trội. Và khi bị lộ tẩy thì chính các nghệ sĩ, KOLs phải chấp nhận hàng loạt hình phạt, cảnh cáo, xử phạt, tên tuổi được gây dựng bỗng chốc tan tành…

 Vậy nhưng, điều đáng nói là chỉ sau một thời gian ngắn thì những vụ việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật lại tiếp diễn, khiến dư luận dậy sóng. Đã đến lúc, phải có những bản án xử phạt thật sự nghiêm khắc, đủ sức răn đe.

Đến lúc phải tính tới biện pháp “cấm sóng” - ảnh 1
Mặc dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo nhưng dư luận vẫn chưa thôi bức xúc vụ những KOLs quảng cáo sai sự thật về 1 viên kẹo tương đương bằng 1 đĩa rau. Ảnh: FBKERA

Lợi nhuận khổng lồ, bất chấp… “vượt đèn đỏ”

Vụ tiêu thụ số lượng khổng lồ kẹo rau củ Kera khiến hàng triệu người tiêu dùng phải… “ăn trái đắng” một lần nữa khiến dư luận bức xúc. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ VHTTDL) cũng đã ban hành hai Quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs, mức phạt 70 triệu đồng với mỗi cá nhân.

Sai phạm của Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs cũng được chỉ rõ là hành vi quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm đã được công bố.

Tuy nhiên, dường như cơn giận của công chúng vẫn chưa thể nguôi ngoai. Trong vụ việc lần này, cùng với mức phạt 140 triệu đồng đối với Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs, một nhân vật khác là Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên cũng bị nhắc nhở cần tuân thủ các quy định pháp luật về quảng cáo và các quy định cung cấp thông tin trên mạng.

Cả ba nhân vật đều đã nhận lỗi thừa nhận sai lầm trong việc quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật. Trước đó, không ít nghệ sĩ nổi tiếng, là những cái tên được công chúng yêu mến như Cát Tường, Quyền Linh, Hồng Vân, Hoa hậu Mai Phương Thúy… cũng đã bị cộng đồng mạng lên án vì quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm.

Đến lúc phải tính tới biện pháp “cấm sóng” - ảnh 2
Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục cúi đầu xin lỗi tại họp báo

Nhưng điều đáng nói là, những răn đe, hình phạt dường như chưa đủ nặng, khiến cho chỉ sau khi những nghệ sĩ, KOLs này cúi đầu xin lỗi một thời gian ngắn thì hiện tượng các KOLs, người nổi tiếng… hồn nhiên livestream bán hàng lại tiếp diễn, thậm chí nảy nở, như chưa từng có chuyện xảy ra.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, thành viên BST sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo nhìn nhận, thực trạng quảng cáo lố, thổi phồng nói quá để bán được hàng, đặc biệt ở các nghệ sĩ, KOLs, người nổi tiếng đang trở thành một đề tài hot, đặc biệt diễn ra lan tràn trên các nền tảng mạng xã hội.

Thực trạng này liên tiếp xảy ra, thậm chí tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc đối với người tiêu dùng. Vì lợi nhuận, các KOLs, người nổi tiếng bất chấp sự thật, bỏ qua cả vấn đề đạo đức để trở thành cầu nối đưa đến người tiêu dùng nhiều quảng cáo sai sự thật.

“Việc bán hàng online, đặc biệt qua các nghệ sĩ, người nổi tiếng mang đến thu nhập rất lớn. Đối với những trường hợp công dụng sản phẩm được thổi phồng, nói quá, phần lớn là theo kịch bản của thương hiệu, nhãn hàng thì thu nhập càng nhân lên gấp bội. Vì vậy, mức tiền phạt sai phạm theo quy định hiện nay có thể nói là con số nhỏ, không đủ sức răn đe…”, ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định.

Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam hầu hết chưa có thói quen phản ánh, đi đến cùng việc xử lý những hành vi quảng cáo sai sự thật để bảo vệ chính mình.

Giá tiền vài chục, vài trăm ngàn một sản phẩm đôi khi cũng là nguyên nhân khiến khách hàng miễn cưỡng cho qua, vì ngại mất thời gian, công sức theo đuổi vụ việc đến khi ra chân tướng. Vấn nạn nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật vì thế ngày càng tiếp diễn, gia tăng nhiều hơn trên môi trường mạng.

Từ năm 2021, đã có hai bộ quy tắc ứng xử được ban hành, xem như những bản cam kết về đạo đức, trách nhiệm đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng khi tham gia các hoạt động trên nền tảng mạng xã hội, trong đó có hoạt động quảng cáo.

Tại Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ VHTTDL ban hành, các nghệ sĩ được yêu cầu phải cung cấp thông tin chính xác, tin cậy trên báo chí, truyền thông và không gian mạng.

Đặc biệt, trong vấn đề quảng cáo, người hoạt động nghệ thuật phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa…

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng nhấn mạnh các quy tắc phải chia sẻ thông tin chính thống, đáng tin cậy; không tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên, từ sau khi hai Bộ quy tắc được ban hành vẫn xảy ra không ít vụ việc nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật khiến dư luận giận dữ. Theo ông Nguyễn Trường Sơn, các bộ quy tắc ứng xử vốn là những văn bản thể hiện quy phạm đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp, chủ yếu kêu gọi tính tự giác của người làm nghề nhưng lại không phải là những văn bản mang tính pháp lý, có tính chất ràng buộc.

Trong khi đó, phần lớn các trường hợp vi phạm đều xuất phát từ sức hút của đồng tiền đã khiến các nghệ sĩ, người nổi tiếng quên đi trách nhiệm của họ đối với cộng đồng.

“Hiện nay theo quy định, hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt tối đa là 80 triệu đồng với cá nhân và 160 triệu đồng đối với tổ chức. Trong khi đó, mức thù lao cho một người nổi tiếng khi quảng cáo có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Đây là một vấn đề bất hợp lý dẫn đến tình trạng nhiều người nổi tiếng vẫn cố tình bất chấp để quảng cáo sai sự thật, vì lợi nhuận khổng lồ…”, ông Sơn bức xúc.

Đến lúc phải tính tới biện pháp “cấm sóng” - ảnh 3
Nhiều vụ check var nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật đã khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua

Mức phạt đủ sức răn đe hơn

Các chuyên gia, nhà quản lý nhấn mạnh, cần có chế tài đủ nặng, đủ răn đe với các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật. Bộ VHTTDL đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Mức xử phạt dự kiến sẽ tăng nặng hơn, đặc biệt có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng.

 Việc bán hàng online, đặc biệt qua các nghệ sĩ, người nổi tiếng mang đến thu nhập rất lớn. Đối với những trường hợp công dụng sản phẩm được thổi phồng, nói quá, phần lớn là theo kịch bản của thương hiệu, nhãn hàng thì thu nhập càng nhân lên gấp bội. Vì vậy, mức tiền phạt sai phạm theo quy định hiện nay có thể nói là con số nhỏ, không đủ sức răn đe…

(Ông NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam)

Ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thường được nhãn hàng hợp tác để quảng cáo sản phẩm, bởi đây được xác định là kênh quảng cáo hữu hiệu, mang đến nhiều lợi nhuận.

“Người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn, vì thế, ý thức trách nhiệm của họ đối với xã hội, với cộng đồng cũng phải cao hơn. Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cũng đề cập nội dung người có ảnh hưởng quảng cáo phải từng trực tiếp sử dụng sản phẩm là rất đúng, buộc người nổi tiếng hiểu rằng mỗi thông tin sai lệch bị chuyển tải đều có thể tạo nên nguy hiểm cho cộng đồng. Đặc biệt, những trường hợp đã biết luật nhưng vẫn cố tình làm sai nhất định phải bị xử lý nghiêm khắc…”, ông Sơn nói.

Nắm bắt tâm lý khách hàng luôn luôn tin tưởng và mong muốn có những trải nghiệm, thay đổi tích cực với sản phẩm quảng cáo giống như người nổi tiếng, việc sử dụng KOLs quảng bá sản phẩm, thương hiệu đã trở thành trend phổ biến.

Không ít doanh nghiệp coi đây là kênh tối ưu cho mỗi chiến dịch tung ra sản phẩm mới. Thế nhưng, cũng không ít trường hợp một số KOLs bị phanh phui quảng bá hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Những hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của KOLs trong nhiều trường hợp gây không ít hệ lụy, thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Ứng xử của những nghệ sĩ, KOLs sau sai phạm cũng rất khác nhau. Người nhìn nhận rõ mức độ nghiêm trọng của hành vi có thể sẵn sàng hoàn tiền cho khách hàng. Nhưng đa phần, họ chỉ cúi đầu xin lỗi, hoặc đổ lỗi do nhà sản xuất.

Theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất vẫn là cần tăng nặng các hình thức xử phạt để giữ gìn sự trong sáng, tích cực trong lĩnh vực quảng cáo, một mũi nhọn của phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay.

Đặc biệt, với những vi phạm chủ yếu diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội, người tiêu dùng cần có hành động cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho mình. “Mỗi người đều cần trở thành người tiêu dùng thông minh, nâng cao trách nhiệm để góp phần làm trong sạch hơn thị trường quảng cáo, giúp ngăn chặn quảng cáo sai sự thật…”, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng cho rằng, bên cạnh việc tăng nặng mức xử phạt hành chính, ngăn chặn vấn nạn người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật trong thời gian qua cũng đã được xử lý, đẩy lùi bằng nhiều biện pháp.

Các hình thức quảng cáo vốn đa dạng, phong phú và có nhiều kẽ hở, khiến các nhãn hiệu, người làm quảng cáo có thể tìm cách lách luật, trá hình, đưa thông tin sai sự thật.

“Cần có những biện pháp mạnh hơn đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi trục lợi thông qua quảng cáo, bất chấp sự thật, chẳng hạn như có thể “cấm sóng” nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật trên mạng. Những hình phạt như vậy mới đủ sức răn đe…”, ông nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, việc hạn chế sự xuất hiện của các nghệ sĩ, người nổi tiếng trên truyền thông sẽ có ảnh hưởng lớn đối với họ.

Bởi các nghệ sĩ, người nổi tiếng sống bằng sự yêu mến của khán giả. Chính vì thế, việc họ không được tiếp xúc với khán giả, không được sống trong tình yêu mến của khán giả cũng sẽ tác động quan trọng đến nhận thức và hành vi của họ.