Gameshow thần tượng:
Cơ hội vàng hay trạm dừng chân ngắn hạn?
VHO - Khi các gameshow tuyển chọn thần tượng, thành viên nhóm nhạc dần mất sức hút tại những thị trường lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam lại nổi lên như một điểm sáng với hàng loạt chương trình theo mô hình này và đã “làm nên chuyện”…
Không chỉ đi tìm những gương mặt mới, không ít nghệ sĩ sau nhiều năm rèn luyện chưa có được may mắn, thì sau khi bước ra từ gameshow, tên tuổi cũng lên như “diều gặp gió”.

Trông người lại ngẫm đến ta
Để sở hữu ngành công nghiệp giải trí “hái ra tiền” như hiện nay, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đã sớm xây dựng mô hình đào tạo thần tượng bài bản, chuyên nghiệp từ việc tuyển chọn đến đào tạo, quản lý nghệ sĩ.
Trong đó, các gameshow tuyển chọn tài năng đóng vai trò như một bệ phóng quan trọng, giúp phát hiện và rèn giũa những gương mặt triển vọng. Một số chương trình như Produce 101 (Hàn Quốc), Youth with you (Trung Quốc), Nizi project (Nhật Bản)… không chỉ tìm kiếm những cá nhân xuất sắc mà còn tạo bước đệm vững chắc cho quá trình đào tạo thần tượng theo chuẩn quốc tế.
Điểm chung của các quốc gia này là sở hữu nền giải trí vận hành chuyên nghiệp và có sự hậu thuẫn từ các công ty quản lý hàng đầu. Thí sinh bước ra từ gameshow được mài giũa kỹ năng và định hướng hình ảnh, xây dựng chiến lược quảng bá bài bản, đảm bảo duy trì sức hút lâu dài trên thị trường.
Nhận thấy tiềm năng từ mô hình này, cũng là cách để phát hiện ra “ngọc sáng” cho nền công nghiệp giải trí nước nhà, không ít nhà đài, nhà sản xuất của Việt Nam đã mạnh tay “nhập khẩu”, sản xuất loạt chương trình giải trí theo format tuyển chọn thần tượng.
Gần đây, Tân binh toàn năng - Show it all đang gây chú ý trên mạng xã hội khi là một trong những chương trình thực tế theo format “sống còn” được mua bản quyền từ Trung Quốc.
Đây là chương trình truyền hình thực tế nhằm tuyển chọn, đào tạo và tìm kiếm những nghệ sĩ toàn năng trong lĩnh vực âm nhạc, đủ sức tranh tài trên các sân khấu quốc tế.
Với sự hậu thuẫn từ nhà sản xuất của loạt chương trình đình đám như Chị đẹp đạp gió và Anh trai vượt ngàn chông gai, Tân binh toàn năng được kỳ vọng sẽ là “bà đỡ” mát tay cho các thần tượng.
Đây có thể là bước khởi đầu cho một mô hình đào tạo nhóm nhạc chuyên nghiệp, có lộ trình bài bản theo chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
Không chỉ phát hiện nhân tố mới, gameshow còn trở thành cơ hội để những nghệ sĩ đã có tên tuổi tìm lại hào quang. Những chương trình như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng… đã góp phần giúp nhiều nghệ sĩ tái khẳng định tên tuổi.
Một trong những ví dụ điển hình là Trang Pháp. Từng ghi dấu ấn với vai Thảo Uyên trong Nhật ký Vàng Anh và sau đó chuyển hướng sang âm nhạc, Trang Pháp dù sở hữu nhiều ca khúc như Chocolate, Chỉ là, At the top... nhưng vẫn “loay hoay” trong sự nghiệp.
Chỉ khi tham gia Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, cô mới có cơ hội bứt phá, khiến tên tuổi “nóng” trở lại. Tương tự, gameshow Anh trai say hi cũng giúp Phạm Anh Duy, Jsol, Song Luân... vươn lên mạnh mẽ, khẳng định thực lực trong làng nhạc sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật.

Chỉ tài năng thôi chưa đủ
Thành công của một nghệ sĩ sau gameshow không chỉ đến từ chiến thắng hay những khoảnh khắc bùng nổ trên sân khấu, mà quan trọng hơn là chất lượng “đầu ra” với những sản phẩm âm nhạc và các concert được đầu tư bài bản.
Để có được nền tảng vững chắc cho sự nghiệp, nghệ sĩ cần tận dụng gameshow để tăng độ nhận diện. Cách đi này không mới, mà thực chất đã được đúc rút từ K-pop, nơi các chương trình truyền hình thực tế đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và quảng bá hình ảnh nghệ sĩ.
Những năm gần đây, các gameshow âm nhạc tại Việt Nam đã có sự chuyên nghiệp hóa đáng kể. Quy trình tuyển chọn, huấn luyện, quảng bá thông qua gameshow và công diễn được ê kíp thực hiện bài bản.
Thành công của nghệ sĩ không chỉ dựa vào tài năng cá nhân mà còn nhờ hệ thống hỗ trợ toàn diện, giúp họ thể hiện khả năng và tiếp cận khán giả rộng hơn.
Cần khẳng định rằng, nghệ sĩ tham gia gameshow không phải những người kém tài. Họ đều phải vượt qua vòng tuyển chọn gắt gao của BTC, thậm chí nhiều người đã có danh tiếng vững chắc trước đó.
Tất cả những gì họ mong muốn là được thử sức với những nấc thang mới, mang tính chuyên môn cao, những trải nghiệm có thể chưa từng có trong sự nghiệp.
Gameshow cũng là môi trường rèn luyện khắc nghiệt. Thử thách càng khó, nghệ sĩ tham gia càng muốn chinh phục. Với sự hỗ trợ của ê kíp chuyên nghiệp, nghệ sĩ có cơ hội hoàn thiện kỹ năng biểu diễn, phát triển phong cách cá nhân và thực hiện những ý tưởng táo bạo.
Nhiều nghệ sĩ chia sẻ rằng gameshow giúp họ làm mới bản thân, khám phá khả năng tiềm ẩn và được hợp tác với những nhà sản xuất hàng đầu...
Dù vậy, so với các nền công nghiệp giải trí lớn, mô hình đào tạo nghệ sĩ của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Phần lớn nghệ sĩ bước ra từ gameshow chưa có định hướng dài hạn, dễ bị lãng quên nếu thiếu chiến lược phát triển bài bản.
Ngoài ra, hệ thống công ty quản lý tại Việt Nam cũng chưa đủ mạnh để tạo ra môi trường chuyên nghiệp, giúp nghệ sĩ phát triển toàn diện từ âm nhạc, vũ đạo đến hình ảnh cá nhân.
Trong khi đó, tại một số quốc gia láng giềng, thần tượng sau khi đăng quang sẽ ngay lập tức được công ty quản lý lên kế hoạch ra mắt, có lịch trình hoạt động cụ thể, được huấn luyện kỹ năng và xây dựng hình ảnh bài bản…
Bài học quan trọng mà chúng ta cần học hỏi không chỉ nằm ở cách tổ chức gameshow mà còn ở việc xây dựng hệ thống hỗ trợ “gà nòi” sau chương trình. Các công ty giải trí cần có chiến lược dài hạn, giúp nghệ sĩ duy trì sự nghiệp thay vì chỉ tận dụng hiệu ứng nhất thời từ gameshow.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào đào tạo chuyên môn là yếu tố quan trọng, giúp nghệ sĩ xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp lâu dài. Đồng thời, thị trường giải trí Việt Nam cũng cần mở rộng cơ hội để nghệ sĩ có thể hoạt động phong phú hơn.
Hiện nay, số lượng sân khấu chuyên nghiệp, các tour diễn và mô hình biểu diễn vẫn chủ yếu giới hạn trong nước, gây không ít trở ngại cho nghệ sĩ trong việc duy trì sức hút.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị tổ chức sự kiện, nhà sản xuất âm nhạc và nền tảng truyền thông nhằm tạo ra một hệ sinh thái giải trí chuyên nghiệp, hỗ trợ nghệ sĩ phát triển bền vững.