Mời nghệ sĩ nước ngoài tham gia gameshow Việt:

Chỉ là nước đi truyền thông?

ĐÌNH TOÁN

VHO - Nhiều nhà sản xuất, nhà đài đã chịu chi rất mạnh tay để mời hàng loạt nghệ sĩ nước ngoài góp mặt trong các gameshow truyền hình Việt. Thế nhưng, hiệu ứng “gây sốt” lại chưa được như mong đợi khi khách mời không tham gia xuyên suốt chương trình mà theo kiểu “nhát gừng”, hoặc xuất hiện khá mờ nhạt do rào cản ngôn ngữ.

Chỉ là nước đi truyền thông? - ảnh 1
Nanon Korapat có phần giao lưu tại “Anh trai say hi” Ảnh chụp màn hình

 Câu hỏi khán giả đặt ra là: Liệu có nhất thiết phải mời nhiều “sao ngoại” đến thế, trong khi chúng ta chưa có phương án, kịch bản giúp họ thật sự nổi bật?

Sao Thái phủ sóng gameshow Việt

Cuối tháng 8, Rap Việt gây sốc khi công bố rapper Thái Lan F.Hero sẽ ngồi ghế nóng. Quyết định này của nhà sản xuất đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả bày tỏ hoài nghi: “Liệu giám khảo ngoại có hiểu thí sinh rap bằng tiếng Việt để chấm hay không?”…

Rồi đến đầu tháng 9, đến lượt cuộc thi sắc đẹp Miss Universe Vietnam 2024 công bố dàn huấn luyện viên kỹ năng trình diễn toàn sao Thái gồm: Lukkade Metinee, Nathalie Ducheine, Eyes Sarucha, Mark Kingpayom, Wachirawitch Pitisirithanaboon. Tương tự, The next gentleman - Quý ông hoàn mỹ 2024 đang phát sóng cũng mời 2 gương mặt ngoại là Lukkade và DJ Matoom…

Không phải chỉ mới gần đây mà trước đó, một số chương trình cũng có hướng đi này. Do được mua bản quyền của Thái Lan, Người ấy là ai cũng thường xuyên mời sao Thái ngồi ghế cố vấn. Ngoài hai cái tên Lukkade và DJ Matoom, nam diễn viên Bright Norraphat cũng từng sang Việt Nam quay show này. Năm 2023, The New Mentor mời Nong Poy, Cris Horwang, Lukkade Metine, Sonia Couling và DJ Matoom ngồi ghế giám khảo khách mời để đánh giá năng lực thí sinh.

Có thể nói, việc chịu sức ép bằng mọi giá phải đưa tên tuổi của chương trình đi lên đã khiến cho các nhà sản xuất, nhà đài “nghiến răng chi mạnh” trong việc mời những gương mặt quốc tế tham gia gameshow. Do chưa đủ tiềm lực để có thể thu hút khách mời đến từ những thị trường giải trí cực kỳ nổi tiếng trên thế giới, nên lựa chọn được các đơn vị ưu tiên là các nghệ sĩ đến từ xứ sở Chùa Vàng. Vị trí được nhà sản xuất “nhắm” đến cho họ thường là giám khảo hoặc cố vấn. Bởi lẽ, bên cạnh kịch bản kịch tính và chất lượng thí sinh, thì tên tuổi của những người “cầm cân nảy mực” cũng là con át chủ bài thu hút sự chú ý của khán giả.

Chỉ là nước đi truyền thông? - ảnh 2
Bright Norraphat (phải) trong chương trình “Người ấy là ai” Ảnh: HTV2

Cần đầu tư có chiều sâu

Một nguyên nhân khác cũng được chỉ ra là khi dàn sao trong nước đã quá quen thuộc, nhà sản xuất phải chọn phương án đi tìm những gương mặt mới để làm nóng chương trình. Gần đây, khán giả Việt Nam có sự “dịch chuyển” sang theo dõi những bộ phim truyền hình, gameshow của Thái, nên rất nhiều nghệ sĩ nước bạn được công chúng nước ta biết đến và yêu mến. Khi được mời, đội ngũ “fan” sẽ là tệp khán giả giúp tăng tỷ suất người xem.

Đặc biệt, lý do khiến các đơn vị “chọn mặt gửi vàng” cho các sao Thái Lan là vì “đặc sản” trong show truyền hình của nước này là… drama. Những nghệ sĩ được mời sang Việt Nam đều có khả năng “nảy số” rất nhanh và từng tham gia những chương trình tạo drama “căng như dây đàn”. Theo đó, The New Mentor, The Next Gentleman là hai trong nhiều show chọn cách khai thác này.

Dù ít nhiều khiến khán giả khoái chí vì mời được “sao số” đến với Việt Nam, song có thể dễ dàng nhận thấy, các chương trình vẫn không đạt được hiệu ứng như mong đợi. Ngoài việc khách mời xuất hiện liên tục trong nhiều show khiến người xem thấy nhàm, thì một số gương mặt lại rơi trúng thời điểm chương trình đã trải qua nhiều mùa, kịch bản không mấy đổi mới nên khán giả không còn mặn mà. Hầu hết dư luận chỉ rầm rộ khi nhà sản xuất công bố dàn nghệ sĩ tham dự trên mạng xã hội, do đó có thể thấy, việc mời được những ngôi sao này đến tham gia gameshow tại Việt Nam mới chỉ dừng ở mức “con cờ” truyền thông của nhà sản xuất.

Đơn cử như Anh trai say hi khiến cư dân mạng “bàn lên bàn xuống” khi mời được “nam thần” Thái Lan Nanon Korapat, vốn rất được giới trẻ Việt Nam mến mộ tham dự. Trong những tập đầu, theo như luật chơi quy định, bất cứ anh trai nào chọn trùng bản demo với Nanon sẽ được cộng thêm 50 điểm nếu tiết mục của họ được bình chọn trong top 3. Do đó, mỹ nam người Thái gốc Việt trở thành nhân vật được các anh trai săn đón quyết liệt. Tuy nhiên, vì lịch trình dày đặc nên nam diễn viên chỉ có thể đến Việt Nam trong thời gian ngắn ngủi, tham gia được duy nhất một buổi tập ghép đội hình, nên khó có thể xem Nanon biểu diễn nhiều hơn trên sân khấu. Điều này đã khiến khán giả không khỏi hụt hẫng.

Thực tế, muốn chương trình hay, nghệ sĩ nước ngoài nổi bật không phải là điều đơn giản, bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, nếu chỉ để khách mời quốc tế tham gia 1-2 tập thì hiệu ứng lan tỏa sẽ không được như kỳ vọng. Đây là tư duy cần thay đổi bởi khán giả bao giờ cũng muốn nhìn thấy thần tượng của họ xuyên suốt cả quá trình.

Không thể phủ nhận, nghệ sĩ nước ngoài, đặc biệt là sao Thái Lan, tham gia các gameshow Việt đã khiến thị trường giải trí trở nên sôi động. Tuy nhiên, việc để họ xuất hiện như cách để làm truyền thông lại gây ra nhiều tiếc nuối. Chưa kể, nếu hiệu ứng không như mong muốn, rất có thể các nghệ sĩ sẽ ngại đi show tại Việt Nam. Đi cùng với câu chuyện để những gương mặt giám khảo quốc tế đóng vai trò nhiều hơn trong các chương trình, nhà sản xuất cũng phải cân nhắc để không khiến yếu tố ngoại lấn át, làm mất đi chất riêng trong những chương trình giải trí Việt.