Xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em
VHO - Ngày 4.12, tại thành phố Đà Nẵng diễn ra Chương trình họp cấp cao về dự án “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025”.
Tăng cường sự hợp tác đa ngành, đa quốc gia
Đây là chuyến thăm chính thức của các thành viên dự án phối hợp của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Australia và Liên Hợp Quốc đến thành phố Đà Nẵng để tìm hiểu về những nỗ lực của Đà Nẵng trong hợp tác đa ngành nhằm xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em và cung cấp các dịch vụ ứng phó tích hợp cho người yếu thế.
Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL; ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH.
Bà Micaela Cronin, Chủ nhiệm Ủy ban phòng chống Bạo hành Gia đình và Lạm dụng Tình dục của Australia, ông Matthew Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam;
Bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam; bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng Đại diện UN Women, Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam.
Tại cuộc họp, ông Matthew Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc nhận định: “Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (VAWC) vẫn là một thách thức. Để có sự thay đổi lâu dài cần cải thiện chính sách, tăng cường năng lực thể chế, tăng cường phối hợp đa ngành và trao quyền cho cộng đồng để bảo vệ phụ nữ và trẻ em”.
Theo Nghiên cứu quốc gia năm 2019 về tình hình bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam, cứ mỗi 3 phụ nữ thì có gần 2 người đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, kinh tế hoặc tâm lý, lạm dụng tình cảm và kiểm soát hành vi từ bạn tình của họ trong suốt cuộc đời.
Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn khi hầu hết phụ nữ (90,4 phần trăm) không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà cung cấp dịch vụ hoặc chính quyền.
Đánh giá nhanh của Việt Nam về VAWC cho thấy, trong thời gian xảy ra đại dịch, cứ ba phụ nữ thì có một người phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực từ chồng hoặc bạn tình.
Và cứ ba trẻ em thì có hai trẻ phải chịu bạo lực từ một thành viên trong gia đình trong thời gian xảy ra đại dịch.
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bà Silvia Danailov cho biết, Liên Hợp Quốc mong muốn tìm hiểu về những nỗ lực của Đà Nẵng trong hợp tác đa ngành để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em, cũng như cách Đà Nẵng cung cấp các dịch vụ ứng phó tích hợp cho phụ nữ, thanh thiếu niên và trẻ em.
Dựa trên những thành công và kinh nghiệm đạt được, Liên Hợp Quốc cam kết tích hợp với Chính phủ Australia mang đến một chương trình hỗ trợ toàn diện để Đà Nẵng trở thành một thành phố an toàn và đáng sống dành cho phụ nữ và trẻ em.
Đà Nẵng đã cung cấp nhiều dịch vụ xã hội chất lượng dành cho người yếu thế
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam khẳng định: “Thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, Đà Nẵng đã huy động được nhiều nguồn lực nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em để góp phần thực hiện đề án, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng an bình, văn minh và đáng sống”.
Đà Nẵng mang lại các dịch vụ thiết yếu chất lượng cho nạn nhân và người sống sót sau bạo lực; cung cấp các dịch vụ chất lượng, hỗ trợ khẩn cấp, tư vấn và trị liệu tâm lý xã hội cho trẻ em là nạn nhân của tình trạng xâm hại và bạo lực.
Hiện nay, thành phố và các cơ quan Liên Hợp Quốc đang có những hoạt động liên kết xây dựng: Thành phố Thân thiện với Trẻ em của UNICEF; Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố an toàn và phi bạo lực cho phụ nữ và trẻ em của UN Women với Hội Liên hiệp Phụ nữ Đà Nẵng.
Triển khai Sáng kiến “Người cha trách nhiệm” của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) với Hội Nông dân Việt Nam; Ngôi nhà Ánh Dương và Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).
Đà Nẵng đã phê duyệt Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 22.4.2024 ban hành Quy chế phối hợp về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Đồng thời tham gia "Thành phố an toàn và không gian công cộng an toàn" tại Quito, Ecuador để chia sẻ các biện pháp can thiệp cấp thành phố nhằm giải quyết vấn đề quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
Ông Nguyễn Đăng Hoàng - Giám đốc Sở LĐTB&XH Đà Nẵng cho biết: Từ tháng 10.2023 đến nay, Sở LĐTB&XH Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động có sự hỗ trợ của UNICEF Việt Nam như:
Hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; hỗ trợ xây dựng, vận hành website “Bảo vệ trẻ em và chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội”.
Hỗ trợ xây dựng Điểm công tác xã hội tại quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang; có 640 phụ huynh tại 6 xã dự án tham gia chương trình nuôi dạy con cái ở lứa tuổi mầm non để nâng cao kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con cái.
Thành phố hiện có 1 Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận thông tin phản ảnh các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em yếu thế cần hỗ trợ và kết nối dịch vụ và các kênh tiếp nhận thông tin và kết nối, hỗ trợ trẻ em như: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Tổng đài dịch vụ công 1022 của thành phố.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng có 1.829 cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em thôn, tổ dân phố và tổ phối hợp liên ngành cấp quận, huyện, nhằm hỗ trợ hiệu quả trong việc phát hiện những trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành cũng như hỗ trợ trẻ và gia đình tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Triển khai Luật Phòng chống bạo lực gia đình đi vào thực tế
Để ứng phó với vấn đề bạo lực, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện các chính sách và luật pháp như Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật trẻ em năm 2016, Luật Bình đẳng giới năm 2006 và một số chương trình quốc gia khác.
Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia đã hợp tác với UNFPA, UNICEF và UN Women, phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH và Bộ VHTTDL thực hiện “Dự án xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025”.
Điểm nổi bật là Bộ VHTTDL đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Luật PCBLGĐ được ban hành đã đưa Việt Nam là một trong số quốc gia tiên phong luật hóa những vấn đề cơ bản trong hiến chương của Liên hợp quốc về quyền con người, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thực hiện các điều ước quốc tế. Luật được đánh giá có nhiều điểm tích cực, tiến bộ, tiếp cận dựa trên quyền con người.
Sau khi Luật được thông qua, Bộ VHTTDL đã chủ động triển khai thi hành Luật: tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật; tham mưu Thủ tưởng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật; xây dựng Tài liệu giới thiệu Luật; đẩy mạnh phổ biến giáo dục Luật.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ khác của công tác gia đình như thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các Đề án của Chiến lược; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; công tác bình đẳng giới, công tác trẻ em trong gia đình; truyền thông về gia đình.
Bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL cho biết, để chấm dứt bạo lực gia đình đối với phụ nữ, trẻ em, Bộ VHTTDL đã đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Tăng cường hiệu quả thực thi luật phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó trọng tâm thực hiện các giải pháp bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác trong gia đình; tăng cường các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực đảm bảo tính kịp thời, lấy người bị bạo lực làm trung tâm.
Khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức… và tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nước và quốc tế tham gia hỗ trợ triển khai các giải pháp bảo vệ phụ nữ, trẻ em trên phạm vi toàn quốc.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt xây dựng cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ đang trình Chính phủ; phối hợp với Bộ Công an quan xây dựng và hoàn thiện nội dung sửa đổi bổ sung Nghị định có nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình về nội dung liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình theo Luật mới sửa đổi.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới.
Xây dựng, thí điểm và nhân rộng mô hình phòng, chống khủng hoảng tâm thần, mô hình giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình; mô hình trợ giúp người bị bạo lực gia đình;
Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình, thiết lập mạng lưới phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy xã hội hóa đặc biệt là phát huy vai trò của các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình như hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình, trong phát hiện và báo tin về bạo lực gia đình…