Vun đắp giá trị truyền thống của gia đình Việt

VHO- Bộ VHTTDL, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác gia đình và các nhiệm vụ thuộc Dự án 8 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao chất lượng công tác gia đình, trong đó có PCBLGĐ trên địa bàn cả nước…

Vun đắp giá trị truyền thống của gia đình Việt - Anh 1

 Hội LHPN Việt Nam phối hợp Hội LHPN TP Hải Phòng tổ chức “Chợ quê an toàn” và Hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình - Ấm áp yêu thương nhân Ngày Gia đình Việt Nam 2023 

 Từ đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác gia đình, tăng cường giáo dục về hệ giá trị gia đình trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình; giữ gìn, vun đắp giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, PCBLGĐ.

Phát huy vai trò quản lý nhà nước

Chia sẻ với Văn Hóa, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý cho biết, một trong những mục đích của Kế hoạch là góp phần thực hiện các mục tiêu của Dự án 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030; đặc biệt là thực hiện chỉ tiêu 1.000 địa chỉ tin cậy được củng cố, nâng chất lượng/hoặc thành lập mới. Phát huy vai trò quản lý nhà nước của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xây dựng chính sách, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về gia đình, trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ các gia đình trong việc hình thành môi trường văn hóa ứng xử, xây dựng gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc.

Kế hoạch phối hợp bao gồm nhiều hoạt động cụ thể thực hiện từ nay đến năm 2025 bao gồm: Tổ chức sự kiện truyền thông triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022; Tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy trên các kênh truyền hình, mạng xã hội, YouTube… bằng tiếng Kinh và tiếng dân tộc thông dụng; Xây dựng các bài giảng điện tử hướng dẫn kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình cho nam, nữ thanh niên dân tộc thiểu số trước khi kết hôn; Liên hoan giao lưu nghệ thuật có giá trị trong định hướng xây dựng gia đình hạnh phúc, vun đắp giá trị gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức các sự kiện truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, tuyên truyền xóa bỏ tập tục có hại, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong gia đình cho cán bộ chủ chốt, cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân vùng dân tộc thiểu số. Tập huấn truyền thông Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, góp phần phòng ngừa bạo lực gia đình cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, xã thuộc 51 tỉnh Dự án 8. Xây dựng, đề xuất nội dung về gia đình, văn hóa con người trong đề án Chấn hưng văn hóa đảm bảo có sự tham gia toàn diện của phụ nữ và tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Triển khai thử nghiệm mô hình dịch vụ công về giáo dục kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc trước khi kết hôn. Nghiên cứu xây dựng triển khai thí điểm bộ chỉ số gia đình hạnh phúc.

Huy động tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có

Về trách nhiệm cũng có những nội dung cụ thể, Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) và Ban Gia đình, Xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) là hai cơ quan đầu mối phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, giúp lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phối hợp. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý cho biết thêm: Về yêu cầu của kế hoạch, việc phối hợp giữa hai ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Hoạt động phối hợp được thực hiện thường xuyên, có tính hệ thống chặt chẽ ở tất cả các cấp, với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng đặc thù phụ nữ và cộng đồng từng vùng, miền, đặc biệt là địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Có sự theo dõi, kiểm tra đánh giá việc thực hiện, kịp thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trong những năm gần đây, việc ký kết các chương trình kế hoạch phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực và được tập trung triển khai từ Trung ương đến địa phương trong hệ thống hai cơ quan phối hợp, tập trung cho công tác tập huấn, tuyên truyền, giáo dục đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và cộng đồng về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến gia đình, về vai trò, vị trí của gia đình, các kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, PCBLGĐ, nâng cao chất lượng giáo dục đời sống gia đình và xây dựng, phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, nâng cao hiệu quả công tác gia đình và PCBLGĐ, đồng thời phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của hai bên để tổ chức các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trong từng năm và từng giai đoạn. 

HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc