Ứng xử văn hóa dưới mỗi mái nhà và lan tỏa ra toàn xã hội
VHO - Hội thi Công dân thành phố với hành trình văn hóa năm 2024, chủ đề Văn hóa gia đình do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức vừa khép lại với vòng chung kết đầy sôi động và hấp dẫn…
Qua 2 năm tổ chức, Hội thi đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong giai đoạn mới.
Nhìn lại thực trạng gia đình hiện nay
Theo BTC, sự kiện được triển khai trong thời gian 4 tháng. Đến với Hội thi cấp cơ sở, có 44 địa phương, đơn vị hưởng ứng và tổ chức phát động với nhiều hình thức đa dạng như thi kiến thức trực tuyến, thi kiến thức loại trực tiếp kết hợp thi thiết kế sản phẩm inforgraphic, clip trailer và thi tiểu phẩm… Qua đó, thu hút hơn 258.000 lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia; trên 8.700 bài viết dự thi “Thư gửi tương lai”, trong đó có 405 bài chất lượng tốt được trao giải.
Tại vòng loại cấp thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức phần thi trực tuyến với 44 đội so tài. Các sản phẩm tham gia hầu hết đều đạt yêu cầu đề ra, có đầu tư về mặt thiết kế, đảm bảo các tiêu chí rõ ràng, dễ xem, dễ nhớ, có tính thẩm mỹ và sáng tạo.
“Nhiều bài viết thể hiện rõ tâm tư tình cảm của tác giả; có thông điệp, gửi gắm đến tương lai với mong muốn xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Khi đọc những bức thư, chúng ta sẽ thấy dáng dấp gia đình mình, từ đó có thể thấy vấn đề gia đình đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội”, ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Trưởng BTC cho biết.
Cũng theo ông Truyền, Hội thi Công dân thành phố với hành trình văn hóa năm 2024 có nội dung thiết thực, cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống, không chỉ tuyên truyền đến người dân những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, mà còn là dịp để nhìn lại thực trạng gia đình hiện nay, từ đó nâng cao nhận thức, hành động để xây dựng gia đình văn hóa, tạo nên xã hội tốt đẹp, góp phần xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Hội thi cũng là nơi mọi người gửi gắm tâm tư, tình cảm, gửi vào tương lai những thông điệp, ước vọng tốt đẹp…
Qua các vòng chấm chọn, 10 đội thi có tổng số điểm cao nhất (gồm điểm phần thi trực tuyến, điểm chấm sản phẩm inforgraphic và điểm bài viết “Thư gửi tương lai”) được vào tham gia vòng chung kết cấp thành phố.
Người làm công tác tuyên giáo phải tiên phong
Ở vòng chung kết diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, các đội trải qua 2 phần thi: Trắc nghiệm kiến thức về công tác gia đình và tiểu phẩm sân khấu. Tại đây, nhiều bộ câu hỏi về công tác gia đình như Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãng đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Kế hoạch của UBND TP.HCM triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình, xây dựng gia đình giai đoạn 2022-2030… đều được các đội trả lời chính xác, thể hiện kiến thức sâu rộng về công tác gia đình.
Ở nội dung thi tiểu phẩm, với chủ đề và hình thức thể hiện phong phú, các đội đã mang đến Hội thi bức tranh khá tổng quan về thực trạng công tác xây dựng gia đình hiện nay. Theo BTC, tất cả các tiểu phẩm sân khấu ở vòng chung kết là câu chuyện được chuyển thể từ những bài viết “Thư gửi tương lai” ở vòng thi trước. Trong đó những tình huống có thật rất cảm động, mang đến thông điệp, bài học ý nghĩa, phản ánh mối quan hệ văn hóa ứng xử giữa vợ chồng, ông bà, cha mẹ, con cái, tình làng nghĩa xóm…
Đó còn là những trăn trở về sự phát triển của lối sống hiện đại đã và đang ảnh hưởng đến từng gia đình. Cuộc sống đô thị hối hả làm những bữa cơm đông đủ thành viên thưa dần, mâu thuẫn giữa các thế hệ ngày càng phổ biến; tình trạng bạo lực gia đình gia tăng… cũng được nhận diện. Bên cạnh đó cũng có những khuôn mẫu mới, những tư tưởng văn minh, tiến bộ, biết vượt lên hoàn cảnh, chấp nhận thực tế, hy sinh những tự ái vụn vặt để xây đắp hạnh phúc, mang niềm vui cho con cái…
Đánh giá nội dung các tiểu phẩm, bà Trịnh Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, đại diện Ban Giám khảo nhận định, các đội có sự đầu tư công phu, nghiêm túc trong dàn dựng tiểu phẩm. “Chủ đề Hội thi là Văn hóa gia đình, mà văn hóa thì có nhiều cái đẹp, thế nhưng các đội đa phần thể hiện bi kịch, thiếu mảng sáng và câu chuyện nhân văn để lan tỏa năng lượng tích cực… Do vậy, sau Hội thi, các đội cần rà soát, điều chỉnh phù hợp hơn để về biểu diễn ở khu dân cư”, bà Trịnh Thị Thanh nhận định.
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền, trong tương lai, gia đình sẽ còn nhiều biến đổi mà chúng ta phải đối diện, hơn ai hết, những người làm công tác tuyên giáo, cán bộ, hội viên ở cơ sở phải là những người tiên phong trong công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của gia đình, từ đó đi đến hành động đúng đắn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Kết quả, BTC đã trao giải nhất cho đơn vị Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức; 2 giải nhì; 2 giải ba; 5 giải khuyến khích; 5 giải cho các bài viết “Thư gửi tương lai” và thiết kế sản phẩm inforgraphic xuất sắc; giải Cổ động viên ấn tượng nhất và 5 đơn vị tổ chức tốt Hội thi cấp cơ sở.
Hội thi Công dân thành phố với hành trình văn hóa nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bên cạnh đó, phát huy và giữ gìn những nét văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống, đề ra giải pháp ứng xử phù hợp với gia đình hiện đại, giúp các thành viên hiểu, chia sẻ, ứng xử văn hóa dưới mỗi mái nhà và lan tỏa ra toàn xã hội.