Trẻ em gọi đến nhiều nhưng hiểu ít về vai trò của Tổng đài 111
VHO - Theo số liệu thống kê từ Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), trong vòng 20 năm qua, Tổng đài 111 đã nhận gần 6 triệu cuộc gọi đến và trẻ em là nhóm gọi đến nhiều nhất. Tổng đài đã tư vấn 496.183 cuộc gọi, hỗ trợ, can thiệp cho 10.869 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị bỏ mặc, sao nhãng, trẻ cần hỗ trợ về tài chính và các trường hợp vi phạm quyền trẻ em…
Kết quả thống kê cho thấy, số cuộc gọi về xâm hại bạo lực trẻ em có xu hướng tăng đột biến những năm gần đây. Từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ các cuộc gọi về vấn đề này trung bình chiếm trên dưới 50%. Đặc biệt trong các ca can thiệp của Tổng đài, tỷ lệ các ca xâm hại, bạo lực chiếm tỷ lệ cao (45,28% là ca bạo lực và 24,31% là ca xâm hại tình dục).
Thời gian gần đây, không chỉ người chăm sóc trẻ, người thân của trẻ, trẻ em gọi tới đề nghị tư vấn kết nối can thiệp cho con em mình khi rơi vào tình trạng bị xâm hại, cho thấy tín hiệu phản ứng tích cực của xã hội trước vấn đề xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em), qua khảo sát nghiên cứu cho thấy, chính trẻ em lại thuộc nhóm chưa được tiếp cận và có nhận thức thấp nhất về vai trò của Tổng đài 111.
Nói về vai trò truyền thông bảo vệ trẻ em, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho biết, trong quá trình tham gia hoạt động, bản thân ông được nâng cao hiểu biết chính sách đối với trẻ em cũng như công ước quốc tế về quyền trẻ em. Hiện nay, vẫn còn tình trạng truyền thông vi phạm Luật Trẻ em, khai thác đời tư, lộ ảnh trẻ em… Báo chí viết về trẻ em không chỉ vì tình thương, trách nhiệm mà cần cả sự hiểu biết. “Một em bé bị xâm hại đã rất khổ, nhưng nếu tiếp tục bị truyền thông xâm phạm sự riêng tư thì cuộc sống sẽ khổ gấp vạn lần. Nhà báo muốn viết về trẻ em rất cần được đào tạo về Công ước quốc tế, Luật Trẻ em thì mới đủ ý thức để không xâm hại thêm các em trên báo chí, truyền thông”, PGS. TS Nguyễn Ngọc Oanh đề xuất.