An Giang tăng cường công tác phối hợp phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em

VHO - Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang cho biết, năm 2023, toàn tỉnh có 62 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 53 trẻ em bị xâm hại tình dục, 9 trẻ em bị bạo lực. Riêng đầu năm 2024 đến nay, có 9 trẻ bị xâm hại, trong đó có đến 8 trẻ em bị xâm hại tình dục.

 An Giang tăng cường công tác phối hợp phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em - ảnh 1

Theo Phó Giám đốc Sở Nguyễn Thị Bảo Trân, để tăng cường bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo lực, xâm hại, thời gian qua, An Giang đã chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, với nhiều hoạt động phong phú. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh truyền thông bằng phương pháp sắm vai thể hiện phiên tòa giả định và tọa đàm phòng, chống xâm hại trẻ em tại 7 huyện, thị xã, thành phố. Phiên tòa được phát trực tiếp trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã cho nhân dân theo dõi. Hình thức này được tổ chức từ giữa năm 2023, đến nay đã có 1.700 người dân và học sinh tham dự.

Ngoài ra, các ban, ngành còn phối hợp tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, như lồng ghép trong sinh hoạt Ngày pháp luật - nghiệp vụ; tổ chức các hoạt động tập huấn, kỹ năng sống, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; phát triển 684 CLB gia đình phát triển bền vững và 624 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, duy trì tốt 393 địa chỉ tin cậy cộng đồng. Cùng với công tác tuyên truyền, An Giang tiếp tục duy trì mô hình Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại huyện Chợ Mới, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, nhằm hạn chế bạo lực xảy ra; giúp người dân nâng cao ý thức về bình đẳng giới, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ và bình đẳng.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT An Giang chỉ đạo các cơ sở giáo dục nhân rộng các mô hình hoạt động ngoại khóa về pháp luật phòng, chống tội phạm. Tiêu biểu, TP Long Xuyên ra mắt CLB phòng, chống bạo lực học đường, hiện đã có trên 50% các trường THCS trên địa bàn thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Các trường học còn thực hiện mô hình công tác xã hội trong trường học; tổ chức tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở 17 trường tiểu học…

Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn nhiều khó khăn, khi sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội tạo điều kiện cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi xâm hại trên mạng, cũng như ngoài thực tế. Trong khi đó, các hoạt động tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em ở các cấp, các ngành còn hạn chế, chưa thường xuyên, hình thức cũ, chưa có nhiều đổi mới… Về phía gia đình, nhiều bậc cha, mẹ, người chăm sóc xem nhẹ việc phòng, chống xâm hại trẻ em, thiếu kiến thức cơ bản về quyền bảo vệ trẻ em mà chỉ tập trung làm kinh tế.

PHƯƠNG NGHI

 Buổi sinh hoạt câu lạc bộ “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” ấp Long Châu, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú

=