Thấy gì từ Tọa đàm "Bạo lực giới thời Covid"?
VHO- Ở nhà phòng, chống dịch Covid-19 có thể là một khoảng thời gian tuyệt vời để “sống chậm” và dành thời gian cho những người thân yêu. Nhưng cũng có thể là “địa ngục” đối với những người phải chịu cảnh bạo lực gia đình (BLGĐ).
Lời khuyến cáo cho các nạn nhân bị BLGĐ (Fanpage của CSAGA)
Cuộc Toạ đàm online với chủ đề Bạo lực giới thời Covid do Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành viên (CSAGA) đã đưa ra những thực tại và giải pháp để ngăn ngừa BLGĐ.
Số vụ bạo lực gia đình gia tăng đột biến
Chia sẻ của nhiều chuyên gia tại Toạ đàm thì BLGĐ gia tăng ở thời điểm này từ rất nhiều các nguyên nhân và ở mọi đối tượng. BLGĐ không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn nặng nề hơn rất nhiều ở các quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Italia, Malaysia… Phần lớn nạn nhân là phụ nữ và họ phải chịu cảnh bạo lực tình dục, bạo hành thể chất, ngôn ngữ và nhiều cách thức tra tấn tinh thần khác.
Bà Tuyết Anh, chuyên viên của Tổng đài tư vấn về BLGĐ (CSAGA) cho biết số lượng cuộc gọi điện thoại liên hệ tới tổng đài xin tư vấn về vấn đề BLGĐ tăng 87% so với trước thời điểm dịch. Dễ nhận thấy rằng, các gia đình hiện nay ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối diện với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài như nhiều thành viên trong gia đình đứng trước nguy cơ mất việc làm, thu nhập bị giảm, stress do không biết giải toả mọi mâu thuẫn gia đình khi lịch sinh hoạt bị thay đổi… Bà Tuyết Anh chia sẻ: “Mỗi ngày chúng tôi nhận tới cả trăm cuộc điện thoại xin tư vấn từ các nạn nhân bị BLGĐ. Có cả những cuộc gọi vào đêm khuya với những lời kêu cứu từ chị em phụ nữ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới BLGĐ nhưng cũng một phần do các cặp vợ chồng đột ngột bị nghỉ việc. Cuộc sống thay đổi do đại dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình không có sự chuẩn bị nên không biết phải ứng phó và đối diện như thế nào”. Nhà báo Hàn Ni, tư vấn về pháp lý Báo Sài Gòn Giải phóng cho biết: “BLGĐ xảy ra nhiều ở các gia đình nông thôn, những gia đình không có nguồn sinh sống ổn định. Có những gia đình nguồn chi tiêu phụ thuộc vào việc kiếm tiền mỗi ngày của các thành viên, dịch bệnh ập đến họ không biết xoay xở ra sao. Mọi hoạt động bị đình trệ, lo lắng cho cuộc sống đã khiến họ bị khủng hoảng và dẫn tới hành vi BLGĐ”.
Những lý do dẫn tới cãi vã, BLGĐ có khi rất đơn giản có khi là vì người chồng tức giận vợ khi nấu một món ăn không hợp, bực tức vợ để con nhỏ chạy sang nhà hàng xóm trong lúc đang dịch bệnh… Có những người chồng thay vì chia sẻ các công việc cùng vợ mình thì lại quay sang kiểm soát điện thoại và các mối quan hệ của vợ, khó chịu khi vợ lên mạng xã hội tám chuyện với bạn…
Hãy tạo năng lượng tích cực khi ở nhà
Theo nghệ sĩ Công Vượng, vợ chồng phải biết chia sẻ, cùng nhau vượt qua khó khăn không chỉ của mỗi gia đình mà của cả xã hội đang phải đối diện. “Tôi rất ấn tượng với các nhóm hội trên mạng xã hội như “Yêu bếp”, “Nghiện nhà”, những chia sẻ của chị em về cách làm các món ăn ngon, những căn phòng được trang hoàng đẹp đẽ, những bức ảnh chụp cảnh gia đình đầm ấm bên nhau đã tạo nguồn năng lượng mới cho chính gia đình chị em và cho mọi người. Theo tôi, hãy biết sử dụng thời gian rảnh rỗi vào những hoạt động tích cực như nấu ăn, dọn dẹp làm đẹp nhà, những sáng kiến mà chị em phụ nữ trên mạng xã hội đang thực hiện là cách thức đúng để duy trì cuộc sống gia đình qua giông bão”, nghệ sĩ Công Vượng nhận định. Từ kinh nghiệm bản thân, nhà báo Hàn Ni cho rằng mỗi thành viên trong từng gia đình cần biết tận dụng thời gian cách ly xã hội để thực hiện những công việc, những sở thích mà ngày thường bận rộn họ không thể làm được, ví dụ như trồng cây, tập Yoga. “Sống chậm” hơn bằng cách sống theo sở thích sẽ mang lại những giá trị tích cực.
Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA thì bên cạnh những bức ảnh mang giá trị tích cực của chị em phụ nữ chia sẻ trên mạng thì đằng sau đó cũng có thể có những chị em vẫn đang là nạn nhân của BLGĐ. “Sống ảo” và những chia sẻ chỉ để một bộ phận chị em giải toả stress, giải toả sự bí bức. “Tôi bị sốc khi đọc tin nhắn của những người mà mình quen. Họ đều thành đạt, có địa vị trong xã hội. Họ xuất hiện trước mặt mọi người và trên mạng xã hội với những hình ảnh hạnh phúc viên mãn. Nhưng bất ngờ là khi rất nhiều người tỏ ra hạnh phúc nhưng lại là nạn nhân bị BLGĐ, phải cho tới thời điểm này họ mới dám chia sẻ những cảm xúc thật của mình”, bà Vân Anh nói. Và theo bà Vân Anh, việc người phụ nữ này không thể làm những món ăn ngon như người phụ nữ khác, không thể bị cho là xấu và phải hứng chịu những hành vi BLGĐ.
Nhìn nhận về những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống gia đình thời dịch Covid-19, các chuyên gia đều cho rằng cả hai giới cần phải áp dụng phương pháp là “bình tĩnh” để giải quyết mọi vấn đề. Mặt khác, ngăn chặn hành vi BLGĐ, ngay từ việc tìm ra nguyên nhân dẫn tới những hành vi lệch chuẩn là lời cảnh báo đối với mọi thành viên trong gia đình, tuy nhiên khi BLGĐ xảy ra với mức độ trầm trọng và với những những người luôn có nguy cơ bị BLGĐ không chỉ ở trong mùa dịch, thì phải có sự chuẩn bị và kế hoạch phòng ngừa bạo lực chi tiết như tìm tới các số điện thoại đường dây nóng của các địa chỉ tư vấn về BLGĐ.
ĐÀO ANH