Tập trung nguồn lực xây dựng môi trường "lấy trẻ em làm trung tâm":

Tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai

MINH CHÂU

VHO - Những năm qua, Đà Nẵng luôn dẫn đầu cả nước về việc đầu tư mạnh mẽ vào môi trường học tập an toàn và chất lượng cho trẻ em. TP đã triển khai nhiều chính sách đặc thù nhằm bảo vệ và chăm sóc trẻ trên các lĩnh vực, như: Trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục và đời sống vật chất, tinh thần.

Tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai - ảnh 1
Nỗ lực tạo môi trường học tập, sinh hoạt an toàn, lành mạnh cho trẻ nhỏ

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội cho trẻ em, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện, đặc biệt là đối với trẻ mầm non và những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

 Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc “lấy trẻ làm trung tâm”

Để nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ, các trường mầm non tại Đà Nẵng, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, đang nỗ lực từng ngày để đạt tiêu chí “Trường chuẩn quốc gia”. Huyện Hòa Vang có 19 trường mầm non, trong đó 15 trường công lập và 4 trường tư thục, tất cả đều được đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, trang bị thiết bị hiện đại phục vụ công tác chăm sóc và giáo dục trẻ, đồng thời cải thiện môi trường học tập và vui chơi phù hợp với chuyên đề “Xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm”.

Trường Mầm non Hoa Mai, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), là một ví dụ điển hình khi vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào đầu năm học 2024-2025. Nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, bắt đầu từ việc hoàn thiện đội ngũ giáo viên yêu nghề và tâm huyết, đến việc cải thiện bữa ăn, giấc ngủ và phương pháp giảng dạy…

Cô Ngô Thị Mỹ Lệ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Để xây dựng môi trường giáo dục an toàn và hiệu quả, ngoài việc đầu tư vào cơ sở vật chất và cảnh quan xanh, sạch, đẹp, chúng tôi đặc biệt chú trọng vào giáo dục trực quan sinh động.

Trường đã thực hiện mô hình “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” với nhiều hoạt động bổ ích, như tổ chức cho trẻ tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề, di tích lịch sử; trẻ được vui chơi, giải trí trong môi trường lành mạnh, đồng thời phát huy khả năng sáng tạo và các kỹ năng sống cần thiết”.

Các em được tiếp cận bài học thông qua phương pháp dễ hiểu, đồng thời giáo viên luôn chủ động tích hợp giáo dục STEM vào tất cả các hoạt động, từ giờ học trên lớp cho đến các buổi ngoại khóa và trang trí lớp học.

Cùng với những nỗ lực này, Đà Nẵng tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng một môi trường học tập thân thiện và phát triển toàn diện, thực sự “lấy trẻ làm trung tâm”.

Ông Phan Hữu Dũng, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho biết, tất cả các trường mầm non trên địa bàn đều được chú trọng đầu tư và trang bị đầy đủ các thiết bị, không chỉ phục vụ việc học mà còn tạo ra môi trường vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ, hoàn toàn phù hợp với chuyên đề “Xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm”.

Trong học kỳ I năm học 2024-2025, Hòa Vang đã có 6 trường mầm non đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 2 và chuẩn quốc gia mức độ 1, nâng tổng số trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia lên 11/15 trường.

100% trẻ mầm non được đảm bảo an toàn về cả thể chất lẫn tinh thần

Tháng 1.2025, Trường Mầm non Hướng Dương (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) đã vinh dự được UBND TP Đà Nẵng công nhận đạt chuẩn quốc gia. Nhà trường không ngừng nỗ lực xây dựng và duy trì một môi trường thân thiện, an toàn cho trẻ.

Hằng năm, trường đều kịp thời bổ sung và nâng cấp các trang thiết bị dạy học, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ ở các độ tuổi. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, 100% trẻ học tại trường đều được đảm bảo an toàn về cả thể chất lẫn tinh thần.

Cô Lương Thị Thủy Chung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ban Giám hiệu luôn nhắc nhở đội ngũ giáo viên phải ân cần, gần gũi, chăm sóc trẻ tận tình, chu đáo, để trẻ tự tin, yêu trường, yêu lớp. Chúng tôi tuyệt đối không sử dụng bất kỳ hình phạt nào có thể làm ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý của trẻ”. Đặc biệt, đối với những khu vực dân cư còn khó khăn, đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường luôn coi trẻ như con em của mình, tạo dựng niềm tin vững chắc và sự an tâm cho phụ huynh khi gửi trẻ.

Vào năm 2025, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 275/QĐ-UBND về việc tiếp nhận phi dự án bồi dưỡng kiến thức về dinh dưỡng học đường cho các trường mầm non tư thục trên địa bàn, do Đại học Tỉnh lập Nagasaki (Nhật Bản) tài trợ, với tổng mức viện trợ lên đến hơn 244,8 triệu đồng.

Dự án được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 1-3.2025, cụ thể: Giúp các nhân viên nấu ăn tại trường mầm non hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc bữa ăn hằng ngày cho trẻ; nâng cao trình độ và kỹ năng thiết kế, chế biến bữa ăn; hỗ trợ, góp phần hoàn thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ tại các trường mầm non tư thục…

Tính đến tháng 12.2023, Đà Nẵng đã dành hơn 8 tỉ đồng để hỗ trợ cho hơn 29.400 trẻ hưởng chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con của công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Đồng thời, 38 cơ sở giáo dục mầm non độc lập cũng đã nhận được chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ TP, đặc biệt là những cơ sở mầm non tư thục và dân lập nằm trong các khu công nghiệp, nơi có mật độ lao động cao.

UBND TP Đà Nẵng cũng đã thống nhất chủ trương rà soát và tham mưu cấp có thẩm quyền mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách phù hợp với các quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ- CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ, nhằm đảm bảo tính công bằng trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với trẻ em, giáo viên và các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục. Điều này cũng nhằm bảo vệ và nâng cao công tác an sinh xã hội trên địa bàn TP.