Bình Thuận:
Sẵn sàng cho Ngày hội Gia đình các tỉnh Đông Nam Bộ năm 2024
VHO - Tối nay 11.7, tại nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Thuận sẽ diễn ra lễ khai mạc “Ngày hội Gia đình các tỉnh Đông Nam Bộ lần thứ XIII, năm 2024”. Theo đó, Ngày hội năm nay có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu và sự tham gia của các gia đình tiêu biểu đến từ 6 tỉnh Đông Nam Bộ.
Cụ thể, ngày hội gia đình các tỉnh Đông Nam Bộ lần thứ XIII sẽ diễn ra từ ngày 11 – 13.7 tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Thuận. Ngày hội năm 2024 có chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, quy tụ 18 gia đình văn hóa tiêu biểu đến từ 6 tỉnh, đó là: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bình Thuận. Đây là hoạt động thường niên của các tỉnh Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên năm nay nâng tầm lên quy mô cấp Bộ, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam nói chung và các gia đình trong khu vực. Đồng thời, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng gia đình văn hóa.
Ngày hội có 4 hoạt động chính là khai mạc, bế mạc, các hoạt động thi văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao và các hoạt động khác. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận sẽ bố trí thêm gian trưng bày sản phẩm OCOP của các địa phương tham gia, tham quan điểm di tích lịch sử văn hóa, vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh.
Ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận cho biết, đến thời điểm hiện nay công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bố trí cảnh quan tại địa điểm tổ chức ngày hội ở Bình Thuận đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng chờ đón các gia đình, đại biểu và nhân dân đến tham gia, cổ vũ.
Cũng trong chiều ngày 11.7, các gia đình đã đến dâng hương tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tại đây, đoàn đã tham quan các gian trưng bày hình ảnh, hiện vật, tài liệu, sa bàn, bản đồ... về tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ và lịch sử địa phương.
Bên cạnh đó, đoàn còn đến thăm Trường Dục Thanh, nơi đây vào tháng 9.1910, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã làm giáo viên trước khi người lên tàu rời Cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.