Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh
VHO- Tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm của những cán bộ tận tâm đã giúp cho hàng trăm mảnh đời bất hạnh được sưởi ấm, lớn lên và… trưởng thành. Đó là câu chuyện về mái ấm ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai đang cưu mang hơn 125 mảnh đời bất hạnh
Ở phố núi Gia Lai có một ngôi nhà đặc biệt mang tên Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Ở đó, hiện đang cưu mang, nuôi dưỡng 125 mảnh đời bất hạnh. Họ là những trẻ mồ côi, người khuyết tật, người già neo đơn không nơi nương tựa, người bị bệnh tâm thần…
Những mảnh đời bất hạnh
Cháu Tạ Thị Kim Ngân (2 tuổi) là một trong những trường hợp đặc biệt tại Trung tâm. Cháu Ngân bị bỏ rơi khi mới sinh. Các cô ở Trung tâm phát hiện ra cháu Ngân ở trước cổng cùng với chiếc túi và khăn đắp trong tình trạng 2 mắt không mở được, người xanh xao. Ngay lập tức, cháu được các cô đưa vào phòng để theo dõi, chăm sóc. Được vài tháng, tình trạng cháu được cải thiện nhưng một bên mắt không mở được, cổ không vững, thể trạng không như trẻ em bình thường. Khi đó, cháu được các cô trong Trung tâm chăm sóc, thường xuyên tập vật lý trị liệu và hiện nay sức khỏe đã ổn định hơn trước rất nhiều.
Tương tự, em Kpuih Pap (12 tuổi) cũng được Trung tâm nuôi dưỡng từ khi mới 3 tháng tuổi đến giờ. Em được biết đến là người tiếp thu chậm, nói chuyện không được nhiều. Chị Phạm Thị Huệ, nhân viên có thâm niên hơn 10 năm công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: “Em Kpuih Pap được Trung tâm cho đi học lớp 1, nhưng chỉ được một thời gian thì được trả về vì tiếp thu chậm, không hiểu cô giáo dạy. Lúc đó tôi luôn quan tâm, tạo điều kiện để cô giáo kèm dạy tại Trung tâm. Đến bây giờ, em Pap cởi mở, hòa đồng, ngoan ngoãn hơn nhiều. Đặc biệt Pap đã biết đọc, viết tên của mình, điều đó khiến tôi rất vui và hạnh phúc”.
Hay như trường hợp bất hạnh của 3 chị em Vũ Thanh Thảo (SN 2008), Vũ Thị Thanh Hiền (SN 2011) và Vũ Vinh Quang (SN 2012) ở huyện Chư Sê (Gia Lai) bị bố, mẹ bỏ rơi vào 2 năm trước. Trò chuyện với chúng tôi, em Vũ Thanh Thảo rụt rè chia sẻ, vì gia đình quá khó khăn, năm em đang học lớp 5 thì mẹ vào Bình Dương làm công nhân, mẹ về nhà thăm các em mỗi năm một lần. Được một thời gian, vào năm 2020, bố của em cũng bỏ đi để lại 3 đứa con thơ ở nhà mỏi mòn trông ngóng. Tìm cách liên lạc với bố mẹ không được, 3 chị em Thảo sống nhờ tình thương của hàng xóm, mỗi ngày đều cho các em thức ăn. Được gần một tháng, chị em của Thảo được xã Chư Pơng, huyện Chư Sê giúp đỡ chuyển đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai để nuôi dưỡng. Và rồi cuộc sống của 3 chị em đã thay đổi kể từ ngày đó, nụ cười cũng dần hé trên môi các em. “Ở đây, em được chăm sóc, yêu thương và cảm nhận được tình cảm gia đình thân thiết. Em biết ơn các cán bộ, nhân viên chăm sóc và tất cả mọi người trong Trung tâm. May có sự giúp đỡ, sẻ chia nên 3 đứa em không còn buồn tủi như trước nữa. Em muốn sống nơi đây để cùng vui vẻ với mọi người”, em Vũ Thanh Thảo bộc bạch.
Cần nhiều hơn những tấm lòng nhân hậu
Trao đổi với chúng tôi, bà Tạ Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai cho biết, hầu hết các trường hợp ở Trung tâm đều là con em người đồng bào dân tộc thiểu số như Bana, Ja Rai, Nùng… Trong đó, có khoảng 60 cháu từ 1 - 20 tuổi. Các em đều có chung hoàn cảnh đặc biệt, hoặc mồ côi, gặp những vấn đề tâm lý, trẻ em lang thang, cơ nhỡ… Khi vào Trung tâm, các em rất khó hòa nhập, thích nghi với môi trường tập thể. Do đó chúng tôi luôn dành những gì tốt đẹp nhất để các em không bị mặc cảm, luôn có nghị lực và cảm nhận được niềm tin vào cuộc sống”, bà Đào tâm sự. Theo bà Tạ Thị Anh Đào, cán bộ, nhân viên Trung tâm thường xuyên gần gũi, động viên, khích lệ để các em vui vẻ, hòa nhập với các bạn ở đây cũng như khi đến trường học. Ở đây, các em được tạo điều kiện tốt nhất trong học tập, vui chơi, được định hướng, giúp đỡ học nghề phù hợp với bản thân.
Theo quy định, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh sẽ chăm sóc các em cho đến khi đủ 22 tuổi. Trong môi trường nơi đây, các em được cán bộ hướng dẫn, chỉ dạy chấp hành tốt nội quy của trung tâm cũng như nội quy của nhà trường. Nhờ đó, các em biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều em sau khi trưởng thành có công ăn việc làm ổn định. “Có rất nhiều em học giỏi, thi đậu vào các trường Cao đẳng, Đại học nên việc hỗ trợ cho các em cũng tăng lên. Vì thế, chúng tôi kết nối với các nhà hảo tâm nhằm tìm nguồn tài trợ để tiếp tục nuôi dưỡng các em cho đến khi hoàn thành khóa học và ra trường có nghề nghiệp ổn định”, bà Đào thông tin thêm.
VĨNH AN