Nhân rộng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới phòng ngừa bạo lực và xâm hại trẻ em ở Thanh Hoá

VHO - Thời gian qua, với nhiều hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt câu lạc bộ, mô hình hiệu quả... công tác bình đẳng giới ở Thanh Hoá đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

Nhân rộng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới phòng ngừa bạo lực và xâm hại trẻ em ở Thanh Hoá - Anh 1

Một trong những hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới tại huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hoá

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Thanh Hoá, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn đã phát hiện 34 vụ xâm hại trẻ em (với 49 đối tượng, 39 nạn nhân bị xâm hại), trong đó có 22 vụ xâm hại tình dục (với 24 đối tượng, 22 nạn nhân bị xâm hại, đều là nữ), chiếm 64,7% tổng số vụ xâm hại trẻ em. So sánh cùng kỳ năm 2022, số vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em năm 2023 giảm 15%. Cơ quan công an các cấp đã điều tra, khởi tố 25 vụ với 32 bị can; xử lý hành chính 2 vụ với 5 đối tượng; đang xác minh làm rõ 6 vụ. Nhìn chung, 100% vụ xâm hại trẻ em đều được các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp, xác minh, can thiệp và xử lý kịp thời theo quy định.

Việc duy trì, nhân rộng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới để nâng cao hiệu quả hoạt động ở những địa bàn, lĩnh vực còn tình trạng bất bình đẳng giới hoạc có nhiều nguy cơ xảy ra bạo trên cơ sở giới. Theo đó, để triển khai có hiệu quả công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ với các hình thức đa dạng, phong phú thông qua các hội nghị, hội thảo, sản xuất các sản phẩm, chương trình truyền thông.

Cụ thể, Sở LĐ,TB&XH Thanh Hoá đã triển khai các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, như: tổ chức 12 lớp truyền thông gắn tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho 960 cán bộ và người dân tại các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Nông Cống, Như Thanh và Quảng Xương; mô hình "Truyền thông tư vấn về bình đẳng giới cho thanh niên và vị thành niên" tại các Trường THPT trên địa bàn huyện Hà Trung, Hậu Lộc và Lang Chánh; mô hình "Thành phố/Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái" tại các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân và thành phố Sầm Sơn; triển khai mô hình "Cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới" tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Bảo trợ xã hội số 2; mô hình "Ngôi nhà Ánh Dương" tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Sở đã chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội triển khai thực hiện kịp thời các hoạt động hỗ trợ, can thiệp trợ giúp đối với nạn nhân bị bạo lực, xâm hại; phối hợp và hướng dẫn các huyện tiếp tục triển khai mô hình "Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh".

Sở VHTTDL Thanh Hoá tổ chức Chương trình truyền thông thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; chỉ đạo Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hoá xây dựng các vở kịch ngắn, tiểu phẩm, chiếu phim lưu động với nội dung thông tin, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Sở TTTT đã hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng của tỉnh dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang phù hợp để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Đồng thời đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động về thông tin, báo chí, thông tin trên mạng Internet về bình đẳng giới. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 243 sự kiện truyền thông về bình đẳng giới, định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ định kiến giới, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản, vấn đề về giới và xây dựng môi trường sống an toàn cho hơn 35.000 hội viên phụ nữ, nhân dân và trẻ em tại cộng đồng; tổ chức Diễn đàn “Phòng, chống xâm hại trẻ em”; tổ chức hội nghị tư vấn pháp luật phòng chống, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, lồng ghép phiên tòa giả định xử lý vụ án “xâm hại trẻ em dưới 16 tuổi”; phối hợp với Trại giam Thanh Phong, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Trại giam số 5 nói chuyện chuyên đề “Chọn một con đường, chọn một lối đi” cho 800 phạm nhân nữ v.v…

Theo đó, thông qua việc thực hiện các mô hình giúp người dân tại cộng đồng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới; kỹ năng tự kiểm soát bản thân và phòng tránh bạo lực; tạo cơ hội để các nạn nhân bị bạo lực được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã triển khai thực hiện tốt mô hình và các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới... Thực hiện nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội, với nhiều hình thức như: tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề, đối thoại về các giải pháp tăng tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, sự tham gia của nam giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, chia sẻ công việc nhà v.v… Triển khai thực hiện tuyên truyền như treo băng-rôn, pa-nô, áp-phích khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới v.v... Các hoạt động đã tạo hiệu quả tích cực, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Hệ thống đài truyền hình, truyền thanh cấp huyện và hệ thống thông tin cơ sở đã tập trung thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và phòng ừng, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Với những nỗ lực trên, hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn đã lựa chọn địa điểm và xây dựng "Địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh" trong đó, có 465 "Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh" đạt các tiêu chí hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để tư vấn, trợ giúp các nạn nhân của các vụ bạo lực giới; phát triển, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Câu lạc bộ Nam giới tiên phòng phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân tại cộng đồng, từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới theo kế hoạch đề ra.

NGUYỄN LINH

"Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện"

Ý kiến bạn đọc