Nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH: Không hộ nghèo ở tổ văn hóa

VHO- Lắng nghe những gương điển hình trong phong trào TDĐKXDĐSVH chia sẻ những việc làm vì cộng đồng, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương khẳng định, đây chính là những yếu tố nền tảng cho thấy sức lan tỏa của một phong trào văn hóa, hướng đến cộng đồng và vì cộng đồng.

Nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH: Không hộ nghèo ở tổ văn hóa - Anh 1

Mô hình tổ dân phố “5 không” được triển khai hiệu quả trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội

Để tiếp tục thúc đẩy phong trào đi vào chiều sâu, một giải pháp quan trọng là nhân rộng những tấm gương điển hình - nhân tố tích cực đưa phong trào đi vào cuộc sống.

Sáng kiến vì cộng đồng

Trong các chia sẻ, những tấm gương điển hình được quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) lựa chọn báo cáo tại buổi làm việc với BCĐ TƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH vừa qua đều bày tỏ mong muốn được góp sức đưa Thanh Xuân trở thành nơi đáng sống. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư chi bộ 3, Đảng bộ phường Hạ Đình là một gương điển hình như thế. Người cựu chiến binh năm nay đã gần 80 tuổi chưa bao giờ có suy nghĩ ngưng nghỉ công việc xã hội, bởi với ông đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui. “Để làm tốt công tác dân vận, bản thân trước hết phải gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc xã hội. Có được niềm tin và uy tín trong nhân dân thì làm việc gì cũng dễ…!”, ông tâm huyết chia sẻ.

Sâu sát địa bàn, ông Tuấn cho biết giải pháp luôn áp dụng là nghiên cứu để tìm ra càng nhiều các biện pháp phù hợp và sát với tình hình đặc điểm của khu dân cư càng tốt. Ở khu dân cư số 3, ông Tuấn đã đề ra những giải pháp cơ bản để áp dụng như điều tra xã hội học, thành lập tổ vận động, kết hợp với các nội dung mô hình mẫu như “Xây dựng khu dân cư tự quản về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, biên soạn bản cam kết phát đến từng hộ gia đình, in những nội dung cơ bản trong bộ Quy tắc ứng xử để dán, treo nơi công cộng, nhà hội họp và phát cho những người đứng đầu các tổ chức đoàn thể... Nhờ đó, chi bộ 3 đã thực hiện tốt việc xây dựng “phong trào sống xanh”, xóa vết bẩn trên tường, quét vôi. Đây được đánh giá là mô hình điểm trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Lương, trưởng Ban công tác Mặt trận, Khu dân cư số 7 phường Thanh Xuân Nam cũng chia sẻ bí quyết thành công trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Với niềm tự hào về nơi mình đang sinh sống, bà Lương cho biết địa bàn bà đang ở đã không còn hộ nghèo, có nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi, giàu có. Người dân trên địa bàn cũng tích cực tham gia công tác từ thiện, hỗ trợ những mảnh đời khó khăn cơ nhỡ. “Để có được những kết quả tích cực trong phong trào TDĐKXDĐSVH, chúng tôi tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký các danh hiệu GĐVH...” , bà Lương chia sẻ.

Kiến nghị vấn đề đảm bảo trật tự văn minh đô thị, bà Lương đề nghị chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm vấn đề cho thuê nhà hàng, bãi đỗ xe ngay trong lòng khu dân cư. “Nét văn hóa trong đời sống cộng đồng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng khi để những dịch vụ, nhà hàng tồn tại lộn xộn ngay giữa khu dân cư. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn có khu sinh hoạt công cộng dành cho người dân bởi hiện nay, người già chưa có chỗ tập dưỡng sinh, người trẻ chưa có chỗ vui chơi...”, bà Lương bộc bạch.

Chủ tịch UBND Quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu nói về “bí quyết” của những người “vác tù và”, được nhân dân trên địa bàn tin tưởng và làm theo: “Không có gì to tát, tất cả đều xuất phát từ tâm huyết và tình yêu với nơi sinh sống đã khiến những Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố hay các hạt nhân gia đình văn hóa tiêu biểu tích cực nêu gương, vận động nhân dân cùng tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Không có bất cứ một đãi ngộ nào đối với họ...”.

Tôn vinh danh hiệu văn hóa phải bằng hành vi văn hóa

Mô hình điểm Tổ dân phố văn hóa “5 không”: không rác, không tệ nạn, không hộ nghèo, không lấn chiếm lòng đường vỉa hè, không vi phạm trật tự xây dựng đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn quận Thanh Xuân. Bà Trần Thị Vân Anh, PGĐ Sở VHTT Hà Nội khẳng định, đây là mô hình cần nhân rộng trên toàn thành phố. Bà Vũ Minh Đáng, tổ trưởng tổ dân phố số 13 phường Thanh Xuân Nam chia sẻ, sau thành công của mô hình “5 không”, tổ dân phố 13 có nguyện vọng tiếp tục triển khai các mô hình “6 không”, “7 không”, bổ sung thêm các tiêu chí như: Không mất cắp, không có chó thả rông.

Đánh giá cao tính thực chất của các danh hiệu văn hóa được tôn vinh, bà Nguyễn Lệ Hằng, đại diện gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn quận Thanh Xuân chia sẻ, các thành viên trong gia đình bà đã vận động nhân dân cùng khu vực hiểu được ý nghĩa của các phong trào văn hóa trong khu dân cư. “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở mọi người dọn dẹp rác bẩn, bóc xóa quảng cáo rao vặt và những hành vi ứng xử thiếu văn minh... Bên cạnh đó, công tác nhân đạo, từ thiện cũng được gia đình tôi tham gia tích cực nhằm đóng góp sức nhỏ bé của mình cho xã hội”.

Theo Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương, những mô hình tốt, những nhân tố tiêu biểu cần phải được nhân rộng. Không gì chính xác, hiệu quả bằng chính người dân tại cơ sở ghi nhận và giới thiệu những điển hình trong xây dựng các phong trào văn hóa, danh hiệu văn hóa. “Những Bí thư chi bộ, trưởng Ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố hay các hạt nhân gia đình văn hóa đều là những người đang tích cực triển khai, đưa Phong trào TDĐKXDĐSVH vào cuộc sống, trong đó có việc bình xét các danh hiệu văn hóa theo Nghị định mới được Chính phủ ban hành”, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hương, các địa phương cần có nhiều giải pháp để nhân rộng những điển hình người tốt việc tốt. “Hằng năm có rất nhiều gương điển hình nhưng hiệu ứng tuyên truyền chưa cao. Ngược lại, khi có những hành vi đi ngược truyền thống, phản văn hóa thì lại xuất hiện nhan nhản trên báo và các trang mạng. Vấn đề này cần được khắc phục nhằm nâng cao chất lượng Phong trào”.

Ông Lương Đức Thắng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng BCĐTƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH nhấn mạnh, ý nghĩa của các danh hiệu văn hóa được tôn vinh rất lớn. Vì thế, việc tôn vinh các danh hiệu văn hóa phải được thực hiện bằng những hành vi văn hóa, không thể qua loa, chiếu lệ. “Chỉ khi cả người trao và nhận đều nâng niu, trân trọng những danh hiệu văn hóa thì những bằng khen đó mới thực sự phát huy giá trị và hiệu quả thực chất. Còn nếu chỉ đại khái, trao và nhận cho xong thì “bệnh hình thức” sẽ khó mà khắc phục”, theo ông Lương Đức Thắng. 

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc