Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo

NGUYỄN LINH

VHO - "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" là cuộc vận động lớn do Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam phát động nhằm giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng các việc làm cụ thể, thiết thực và thường xuyên.

 Với mục tiêu vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, nhân dân tham gia cuộc vận động, các cấp Hội chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hoá đã và đang giúp đỡ cho hàng nghìn địa chỉ nhân đạo vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống với niềm tin tốt đẹp về tình người.

Theo thống kê của Hội chữ thập đỏ tỉnh, năm 2024, các cấp hội đã hỗ trợ thường xuyên cho 1.021 địa chỉ nhân đạo, với số tiền khoảng 1,31 tỉ đồng.

Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo - ảnh 1
Đại diện gia đình ông Dương Văn Đông (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) tiếp nhận hỗ trợ xây nhà nhân ái

Những địa chỉ này hầu hết là nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, học sinh... thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Có được kết quả đó, thời gian qua, các cấp hội chữ thập đỏ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền chú trọng đến ý nghĩa của cuộc vận động.

Hằng năm, Hội chữ thập đỏ tỉnh đều xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho từng cấp hội cơ sở. Đồng thời, hội đã quán triệt đội ngũ cán bộ phát huy tinh thần nêu gương.

Để huy động tối đa nguồn lực, hội đã luôn quan tâm thực hiện tốt công tác khảo sát các địa chỉ nhân đạo cần giúp đỡ.

Sau khi khảo sát, lập hồ sơ, hội chữ thập đỏ các cấp triển khai viết bài, đăng hình ảnh, thông tin các địa chỉ nhân đạo lên mạng xã hội.

Gia đình ông Dương Văn Đông, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) thuộc diện khó khăn về nhà ở. Ông Đông đau ốm, bệnh tật, vợ không có công việc ổn định, hai vợ chồng ông có 3 người con.

Điều kiện kinh tế khó khăn lại không có nhà ở, phải ở nhờ nhà họ hàng. Nhận thấy hoàn cảnh của gia đình ông Đông, Hội chữ thập đỏ TP Sầm Sơn đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ.

Sau một thời gian vận động, Hội chữ thập đỏ TP Sầm Sơn đã tiếp nhận số tiền 30 triệu đồng của nhà hảo tâm cho gia đình ông Đông.

Cùng với đó, người thân và họ hàng đã hỗ trợ thêm kinh phí để xây dựng ngôi nhà với diện tích 50m2.

Ông Đặng Văn Thu, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ TP Sầm Sơn cho biết, Hội chữ thập đỏ TP Sầm Sơn và Hội chữ thập đỏ phường Quảng Tiến đã khảo sát, xây dựng hồ sơ địa chỉ nhân đạo và kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ gia đình ông Đông.

Mọi thông tin về hoàn cảnh gia đình ông được đăng công khai trên mạng xã hội để các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh biết đến và hỗ trợ.

Em Vi Văn Định, xã Sơn Hà (Quan Sơn) sinh năm 2014, mồ côi cha mẹ, em sống cùng ông nội, nhưng ông bị tàn tật. Cuộc sống của hai ông cháu rất vất vả.

Để hỗ trợ em Định một phần kinh phí học tập, Hội chữ thập đỏ huyện Quan Sơn đã xây dựng địa chỉ nhân đạo, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ 500.000 đồng/tháng.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Quan Sơn, Nguyễn Quốc Phượng cho biết, mỗi năm hội xây dựng và hỗ trợ khoảng 20 địa chỉ nhân đạo.

Để nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, hội phải khảo sát, chụp hình, quay video để xây dựng địa chỉ nhân đạo. Quá trình tiếp nhận hỗ trợ được thực hiện công khai.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh cho biết, trên cơ sở tiêu chí địa chỉ nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chỉ đạo các hội cơ sở tiến hành rà soát, khảo sát, lập hồ sơ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được trợ giúp.

Sau đó, các cơ sở hội chủ động phân loại địa chỉ nhân đạo theo nhu cầu cần hỗ trợ để làm cơ sở kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ.

Cách làm này tạo cơ sở gắn kết bền vững giữa các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân với những địa chỉ nhân đạo, là điểm tựa cho các đối tượng yếu thế trong xã hội có niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Từ những thông tin cụ thể, minh bạch của các địa chỉ nhân đạo, nhiều cá nhân, tổ chức, câu lạc bộ đã hỗ trợ cho các đối tượng bằng cách trợ cấp hàng tháng trong khoảng thời gian từ 1 - 2 năm hoặc đến khi học xong đại học; hỗ trợ xây nhà; hỗ trợ sinh kế...

Không chỉ trợ giúp về vật chất, các tình nguyện viên chữ thập đỏ còn giúp ngày công trong quá trình xây dựng nhà, cắt tóc, gội đầu, giặt quần áo, thăm khám sức khỏe lúc ốm đau cho các đối tượng già cả, cô đơn.

Nhiều đơn vị đã có những cách làm hay, không ngừng đổi mới sáng tạo, thu hút ngày càng nhiều các cơ quan, cá nhân, doanh nghiệp trợ giúp cho các địa chỉ nhân đạo như các huyện Cẩm Thủy, Sầm Sơn, Quan Sơn, Hà Trung, Quảng Xương...

Vói quyết tâm thực hiện tốt Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" theo phương châm mỗi tổ chức, cá nhân hỗ trợ đối tượng cụ thể và trợ giúp theo phương hướng phát triển bền vững.

Các cấp Hội chữ thập đỏ trong tỉnh Thanh Hoá không chỉ là cầu nối giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống mà còn góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; nhất là khơi gợi, phát huy tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng.