Phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em:

Nhìn từ những vụ việc đau lòng

NGUYỄN LINH

VHO - Tai nạn thương tích ở trẻ do đuối nước, tai nạn giao thông, điện giật, bỏng… là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với sức khỏe, tính mạng của trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ, trong đó sự chủ quan, lơ là, bất cẩn của người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ là một trong những nguyên nhân phổ biến.

Nhìn từ những vụ việc đau lòng - ảnh 1
Lớp dạy bơi miễn phí phòng, chống đuối nước cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Sầm Sơn (Thnanh Hoá)

Những con số đáng báo động

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi 15-19 chiếm tỉ lệ cao nhất (43%), tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỉ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày.

Theo số liệu của Sở LĐ,TB&XH Thanh Hóa, năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 38 vụ tại nạn thương tích gây tử vong cho 44 trẻ em, trong đó có 27 vụ tai nạn đuối nước làm 31 trẻ tử vong (giảm 4 vụ và 13 trẻ em bị tử vong so với cùng kỳ năm 2022); 5 vụ tai nạn giao thông làm 6 trẻ tử vong và 6 vụ tai nạn thương tích khác làm 7 trẻ tử vong. Riêng quý I năm 2024 xảy ra 4 vụ tai nạn thương tích gây tử vong đối với 6 trẻ em (giảm 3 vụ tai nạn thương tích và giảm 2 trẻ tử vong so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó, tai nạn thương tích ở trẻ do bỏng, đuối nước, tai nạn giao thông, điện giật… là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với sức khỏe, tính mạng của trẻ. Mới đây, vào hồi 14 giờ ngày 27.3.2024, hơn 10 học sinh trường Trung học cơ sở Đông Hương (TP Thanh Hoá, Thanh Hoá) được nghỉ học nên kéo ra hồ nước cách trường gần 1 km chơi. Hai nam sinh lớp 7A lội xuống hồ tắm, bị sa chân vào hố sâu chới với. Nhóm bạn đứng trên bờ nhanh tay cứu được một em, còn N.H.H (13 tuổi) không thể vào bờ và đã tử vong.

Cũng trong tháng 3.2024, trên địa bàn xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá), xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 bé gái (cùng 12 tuổi, trú thôn 6, xã Thọ Tiến) tử vong. Theo đó, vào trưa 24.3, hai bé gái rủ nhau ra khu vực đầm rau muống gần nhà chơi. Trong khi chơi, cả hai bé không may trượt chân ngã xuống khu vực nước sâu. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, không thấy con về, các gia đình đi tìm thì phát hiện cả 2 cháu đã tử vong dưới đầm nước.

Bên cạnh tai nạn đuối nước, tai nạn do điện giật và tai nạn giao thông cũng khá phổ biến ở trẻ. Tại xã Phú Xuân (Quan Hóa, Thanh Hoá), vào tháng 6.2023, một vụ tai nạn điện giật thương tâm xảy ra, khiến em H.Đ.N. (7 tuổi) tử vong. Theo thông tin người nhà kể lại, sau khi đi tắm ao về, H.Đ.N. vào nhà cầm điện thoại vừa sạc pin, vừa chơi điện tử. Khi ông nội vào nhà thì thấy cháu N. nằm bất động, chiếc điện thoại vẫn ở trên bụng, ông chạm vào thì bị điện giật nhẹ. Sau khi ngắt nguồn điện, ông nội đưa cháu đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Sự việc tương tự cũng xảy ra đối với em L.V.T. (7 tuổi) ở xã Thạch Sơn (Thạch Thành) bị điện giật tử vong vì sử dụng điện thoại trong lúc sạc pin.

Tại Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình – thẩm mỹ - bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa mỗi ngày tiếp nhận trung bình 15 - 20 bệnh nhân, hầu hết là các bệnh nhân nặng, trong đó có 70 - 80% là bệnh nhân bị bỏng, chấn thương do tai nạn thương tích. Nhiều bệnh nhân bị tai nạn thương tích trong những trường hợp bất ngờ, hy hữu và để lại hậu quả đáng tiếc. Đơn cử như, vụ việc xảy ra hồi cuối năm 2019, cháu Ph.X.L. (13 tuổi, ở tại huyện Triệu Sơn) nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay phải, tổn thương nặng phần mềm 2 bên đùi, bỏng vùng ngực và 2 bên mắt. Sau khi tiếp nhận, các y, bác sĩ của bệnh viện nhanh chóng hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho em L., tạo mỏm cụt bàn tay phải, phẫu thuật ghép da đùi... Bố mẹ cháu kể, nguyên nhân xảy ra vụ việc là do cháu lên mạng xã hội xem hướng dẫn cách chế pháo nổ, sau đó, dùng 50 bao diêm làm thuốc pháo. Trong khi nhồi pháo ở tư thế kẹp quả pháo trong đùi thì quả pháo bất ngờ phát nổ... Vụ tai nạn thương tích đã làm cháu L. mất đi một bàn tay và nhiều tổn thương khác trên cơ thể không thể khắc phục được.

Từ những vụ việc đau lòng trên có thể thấy, tai nạn thương tích đối với trẻ em có thể xảy ra ở bất kỳ đâu và nguyên nhân chủ yếu là do người lớn chủ quan, lơ là trong quá trình chăm sóc trẻ, chưa quan tâm sâu sát đến trẻ trước những nguy cơ có thể gây tai nạn trong môi trường sống của gia đình, nhà trường và ngoài xã hội.

Ngoài ra, chính quyền cấp cơ sở tại một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng dân cư về kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em chưa đạt hiệu quả cao; môi trường sống xung quanh trẻ em vẫn còn nhiều yếu tố chưa đảm bảo an toàn; nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em chưa đầy đủ.

Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo các gia đình, cộng đồng và các địa phương, ngành chức năng cần có những giải pháp để hạn chế, chủ động phòng, chống tai nạn thương tích, đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ.

Chủ động phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ tai nạn thương tích

Để thực hiện hiệu quả, thiết thực chương trình phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ, cần sự chung tay từ các cấp, các ngành, địa phương tích cực vào cuộc nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ, chủ động phòng ngừa, loại bỏ các nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ tại gia đình, trường học và ngoài xã hội.

Nhìn từ những vụ việc đau lòng - ảnh 2
Bộ VHTTDL phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Nestle Việt Nam tổ chức Lễ Khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và Phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2024

Theo đó, trong thời gian qua, các ban, sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Phổ biến cách phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là các loại tai nạn gây tử vong nhiều ở trẻ như tai nạn giao thông, đuối nước. Tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng bảo vệ trẻ em ở gia đình và cộng đồng cho cán bộ làm công tác trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ.

Các ngành như Giáo dục; VHTTDL; Đoàn Thanh niên; Hội Phụ nữ... có nhiều hơn các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ. Phong trào xây dựng ngôi nhà an toàn, nhà trường an toàn, cộng đồng an toàn; việc tăng cường kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em được quan tâm qua các lớp dạy bơi, cứu đuối, hướng dẫn tham gia giao thông an toàn... 

Tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức ra mắt mô hình “Phòng chống tai nạn đuối nước”. Đây là hoạt động lành mạnh dành cho trẻ em, đặc biệt là đẩy mạnh việc tổ chức dạy bơi, học bơi, trang bị những kiến thức, kỹ năng tập luyện môn bơi và phòng chống đuối nước, tất cả nhằm mục tiêu từng bước hạn chế tình trạng trẻ em mắc và tử vong do tai nạn, thương tích, đem lại hạnh phúc cho trẻ em, gia đình và xã hội.