Mô hình Trung tâm “một cửa” liên ngành: Nơi bảo vệ khẩn cấp cho phụ nữ và trẻ em

VHO- Nhằm đánh giá nhu cầu, từng bước đề xuất thí điểm mô hình Trung tâm “một cửa” liên ngành bảo vệ khẩn cấp phụ nữ bị bạo lực giới và trẻ em bị xâm hại, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo “Công bố kết quả khảo sát nhu cầu dịch vụ xã hội khẩn cấp cho phụ nữ bị bạo lực và trẻ em bị xâm hại”.

Mô hình Trung tâm “một cửa” liên ngành: Nơi bảo vệ khẩn cấp cho phụ nữ và trẻ em - Anh 1

 Toàn cảnh Hội thảo

 Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện Bộ VHTTDL, Hội LHPN Việt Nam, Bộ Công an, UNICEF, UN Women, Bộ Y tế, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Tư pháp, đại diện các tổ chức quốc tế và các chuyên gia...

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Dương Thị Ngọc Linh cho biết, từ hoạt động của mô hình dịch vụ hỗ trợ toàn diện của Ngôi nhà Bình Yên bao gồm 3 cơ sở, trong đó 1 cơ sở tại Cần Thơ và 2 tại Hà Nội (1 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, 1 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người) và dịch vụ tham vấn và Tổng đài hỗ trợ phụ nữ 1900969680 cho thấy, mô hình “một cửa” liên ngành là một trong những giải pháp mang tính chiều sâu với sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan liên quan nhằm đem lại sự hỗ trợ và bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, bị xâm hại và bị mua bán trở về.

Tại Hội thảo, đại diện nhóm Chuyên gia nghiên cứu đã báo cáo kết quả của cuộc khảo sát, nghiên cứu tại địa bàn 4 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bến Tre), trong đó đưa ra thông tin “Việc tiếp nhận thông tin và giải quyết ban đầu các vụ việc bạo lực ở cấp cơ sở chưa kịp thời, chưa thân thiện và chưa hiệu quả, chưa có biện pháp bảo vệ an toàn nạn nhân, còn đổ lỗi, lộ bí mật của nạn nhân”. Nhóm nghiêm cứu cũng báo cáo 5 nhóm phát hiện chính gồm: Khung chính sách pháp luật của Việt Nam liên quan đến bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em; Thực trạng xử lý, giải quyết các vụ việc bạo lực phụ nữ, xâm hại trẻ em ở tại các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của nạn nhân; Một số mô hình hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới chưa đáp ứng được yêu cầu; Thiếu các quy định cụ thể về cơ chế phối hợp liên ngành; Sự cần thiết có mô hình đáp ứng yêu cầu xử lý kịp thời - liên ngành - một điểm dừng - hiệu quả trong giải quyết vụ việc và bảo vệ nạn nhân của bạo lực giới.

Bà Shelley Casey, chuyên gia pháp lý cho trẻ em của UNICEF đã chia sẻ những mô hình thực hành tốt trên thế giới trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em thông qua Mô hình tích hợp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, bà Casey nhấn mạnh vai trò của Trung tâm dịch vụ một cửa chuyên biệt cho trẻ em, bởi theo bà nhu cầu của trẻ em bị bạo lực rất đa chiều, một ngành không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu đó, cho nên cách xử lý đa ngành, phối kết hợp hiệu quả là điều hết sức cần thiết.

Với kinh nghiệm thực tế trong hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới tại Ngôi nhà Ánh Dương (thuộc Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh), bà Đỗ Thị Lệ, Trưởng phòng Truyền thông, Đào tạo đã chia sẻ về những khó khăn, bất cập trong quá trình hỗ trợ nạn nhân như: Kỹ năng làm việc với nạn nhân của các cán bộ đầu mối tại cơ sở chưa tốt, cơ chế phối hợp liên ngành thiếu liên tục, toàn diện. Bên cạnh đó bà Lệ cũng đề xuất xem xét việc hỗ trợ nhóm đối tượng trẻ em bị bạo lực.

Thượng tá Nguyễn Văn Tráng, Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an nhất trí cao với đề xuất của Nhóm nghiên cứu về việc thành lập Trung tâm “một cửa” liên ngành và cho rằng, trong giai đoạn đầu mô hình nên được tập trung triển khai thí điểm tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ, từ đó rút kinh nghiệm, có hướng nhân rộng.

Các ý kiến đóng góp, phản biện tại hội thảo tiếp tục được nhóm nghiên cứu tiếp thu, nhằm bảo đảm Đề án Mô hình trung tâm “một cửa” liên ngành bảo vệ khẩn cấp phụ nữ bị bạo lực giới và trẻ em bị xâm hại phù hợp với thực tiễn và giải quyết được những vướng mắc trong quá trình cung cấp dịch vụ xã hội khẩn cấp cho phụ nữ bị bạo lực và trẻ em bị xâm hại, không chồng chéo với các mô hình đã có và phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội LHPN Việt Nam. 

TRỌNG HOÀNG

Ý kiến bạn đọc