Lựa chọn giới tính thai nhi trước sinh: Khởi nguồn của bất bình đẳng giới

VHO- Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới sẽ dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh, dẫn đến tình trạng “thừa nam thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học và cụ thể là tăng áp lực kết hôn sớm đối với phụ nữ.

Lựa chọn giới tính thai nhi trước sinh: Khởi nguồn của bất bình đẳng giới - Anh 1

 Mong muốn có con trai đang trở thành bi kịch của nhiều gia đình Ảnh minh họa

Tỉ số giới tính ngày càng tăng

“Tôi sinh được hai con gái nên lâu nay vợ chồng tôi trở thành tâm điểm khích bác tại những bữa “nhậu”, họp mặt họ hàng. Ban đầu chồng tôi rất yêu thương hai cô con gái xinh xắn, dễ thương, nhưng vì là con trai độc nhất nên luôn phải chịu áp lực từ quan niệm lỗi thời sinh con trai để nối dõi tông đường, về quê bị nói là “ngồi mâm dưới”, bị chế giễu “đẹp trai nhất nhà”. Và những áp lực ấy cũng tác động nhiều đến tính cách của anh, bực tức vô cớ, mắng vợ, đánh con… Còn tôi thì chịu mang tiếng là “không biết đẻ”, tôi cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong”, chị N.V.M chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Trường hợp của chị M không phải là hiếm trong các cặp vợ chồng hiện nay, nhưng không phải ai cũng vững vàng và kiên định dừng lại ở hai con gái, nhiều phụ nữ phải đẻ tới 3 - 4 con để mong có con trai.

Tại buổi tập huấn mới đây về bạo lực trên cơ sở giới và lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) và Quỹ Dân số LHQ tổ chức tại Hạ Long (Quảng Ninh), ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình cho biết, xu hướng biến động của tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam rất đáng lo ngại, mất cân bằng giới tính tăng lên (năm 1999, 2009, 2019 có tỉ lệ trẻ em nam trên 100 trẻ em nữ lần lượt là 107, 110,5 và 111,5). Điều này cho thấy giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh còn khó khăn hơn cả giảm sinh. Tỉ số giới tính khi sinh ở nông thôn tăng nhanh hơn thành thị gây nên nhiều lo ngại bởi khoảng 2/3 dân số nước ta sống ở nông thôn.

“Những xu hướng biến động này cho thấy thách thức to lớn trong việc đưa tỉ số xuống “dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra còn sống” vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết 21 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về Công tác dân số trong tình hình mới đề ra. Mặc dù các chính sách, chiến lược, chương trình của Việt Nam đã đề ra 3 nhóm giải pháp can thiệp nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh như đẩy mạnh tuyên truyền về nhận thức và hậu quả; ban hành các quy định nghiêm cấm sử dụng công nghệ trong xác định giới tính thai nhi và đình chỉ thai nghén; cải thiện vấn đề bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ, trẻ em gái trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chủ yếu triển khai ở nhóm can thiệp thứ nhất, nhưng cũng chưa được đầy đủ, sâu, rộng, chưa tới được tất cả các đối tượng. Trong khi đó, các chế tài, quy định pháp luật không được thực hiện nghiêm túc, chưa được giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Vẫn còn hiện tượng in tài liệu tuyên truyền về lựa chọn giới tính thai nhi; quảng bá các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi; cán bộ y tế tiết lộ về giới tính thai nhi, bằng chứng là rất nhiều phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi trước khi sinh…”, ông Đinh Huy Dương nói.

Nhiều nguyên nhân

Các chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam là do gia đình, xã hội đều thích con trai vì tin rằng có những giá trị mà con trai đem lại. Chẳng hạn, có con trai là nâng cao vị thế của gia đình, xác định danh dự và vị trí của đàn ông trong cộng đồng cũng như vị thế của người phụ nữ trong gia đình.

Các cặp vợ chồng thường chịu áp lực phải sinh con trai rất lớn từ người chồng/ gia đình chồng và dòng họ. Các quan niệm xã hội và tôn giáo xưa cũ đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên và thực hiện các nghi lễ quan trọng khác. Thậm chí, ở nhiều địa phương chỉ có con trai được thừa kế tài sản của cha mẹ... Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Tuy nhiên, hệ luỵ của lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh, sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học và cụ thể là tăng áp lực kết hôn sớm đối với phụ nữ, tăng nhu cầu dịch vụ tình dục, gia tăng buôn bán phụ nữ kéo theo bạo lực tình dục đối với phụ nữ, làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, và sức khỏe tâm thần của phụ nữ.

Với tỉ số giới tính khi sinh là 111,5 bé trai/100 bé gái, Việt Nam ở mức cao thứ 3 của châu Á về mất cân bằng giới tính khi sinh (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Bà Naomi Kirahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chia sẻ, việc lựa chọn giới tính khi sinh được coi là bắt nguồn và nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam. Tâm lý thích con trai đã ăn sâu vào văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều cặp vợ chồng khi biết người vợ mang thai con gái (đặc biệt con gái thứ hai) thì họ có xu hướng bỏ thai vì họ muốn có con trai hơn.

“Thực trạng ở Việt Nam cho thấy, số lượng trẻ em gái ở Việt Nam tương ứng với 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt năm 2019 và sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy về mặt nhân khẩu học bao gồm vấn đề sức ép hôn nhân, ngày càng có nhiều nam giới gặp khó khăn trong việc tìm bạn đời. Theo dự báo có khoảng 1,5 triệu nam giới dư thừa vào thời điểm năm 2034 và đến năm 2059 thì con số này sẽ tăng lên 2,5 triệu. Để ngăn chặn vấn đề lựa chọn giới tính trước sinh và tâm lý thích con trai, đồng thời tôn vinh vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội thì điều quan trọng là chúng ta phải thúc đẩy sự thay đổi thái độ hành vi của mọi người đối với vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến”, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh. 

 THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc