Lắp lưới chung cư: Đừng “tưởng an toàn mà không an toàn”
VHO-Sau sự việc bé gái rơi từ tầng 12 nhà chung cư được “người hùng” Nguyễn Ngọc Mạnh cứu đỡ, góp phần tránh khỏi nguy cơ tử vong khiến nhiều gia đình giật mình, vội vàng gọi thợ đến lắp đặt lưới an toàn ngoài ban công.
Cần phải có tiêu chí về lưới an toàn tại nhà chung cư, nhà ở
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, lắp lưới như vậy có thực sự đảm bảo an toàn?
Vẫn là tự phát
Ngay sau sự việc trên, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra các nội dung quy định liên quan đến an toàn sử dụng, an toàn sinh mạng con người cho các công trình, tòa nhà. Yêu cầu các đơn vị quản lý xây dựng, cấp phép xây dựng, rà soát giải pháp thiết kế các công trình công cộng và nhà ở. Trong đó, đặc biệt lưu ý về quy cách thiết kế cầu thang, hành lang, lô gia, thiết kế cửa sổ, hệ thống vách kính ngoài nhà, các tiêu chuẩn thiết kế có liên quan trong quá trình thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng các công trình…
Anh Hoàng Văn Mạnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, làm nghề lắp lưới an toàn nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ lại có nhiều khách gọi lắp đặt đến như vậy. Chỉ trong 2 tuần Công ty anh nhận tới hơn 200 hợp đồng lắp đặt lưới an toàn ở nhà chung cư. Có khu chung cư lắp cả cho 1 tầng, có nhà không có trẻ con nhưng vẫn lắp đặt vì đề phòng trẻ đến chơi nhà… “Đội công nhân 15 người của công ty cũng phải làm việc hết công suất mà không kịp. Trước đây cũng có một số vụ tai nạn xảy ra ở ban công hay cửa sổ chung cư nhưng người dân không rầm rộ đi lắp lưới an toàn như đợt này”, anh Mạnh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản, việc mắc lưới an toàn nhằm giảm tai nạn và phòng tránh sự cố xuất phát từ ban công, lô gia của các chung cư nên được hiểu đúng. Bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills Hà Nội cho biết, thông tin về an toàn và phòng ngừa rủi ro đã được quy định đầy đủ, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng dành cho các công trình cao tầng nhưng cần được áp dụng ngay từ khâu thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành dự án. Các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư, nhà thầu cần căn cứ vào những quy định này để rà soát tất cả các hạng mục công trình trước khi đưa vào sử dụng. Do đó, bên cạnh các cộng đồng dân cư, vai trò của các Ban Quản lý, Ban Quản trị dự án cũng phải được nâng cao hơn.
“Về chức năng, ban công, cửa sổ ngoài tác dụng giúp lấy ánh sáng và lấy gió, còn là nơi thoát hiểm, là đường tiếp cận trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Lưới an toàn có thể là dạng dây kim loại mềm, dây cáp và có khả năng chịu lực tốt. Đồng thời, khi lắp lưới, mỗi gia đình cũng nên có dụng cụ để có thể cắt phá phần dây lưới trong trường hợp có sự cố cần thoát nạn. Đặc biệt, không nên sử dụng các vật liệu như khung sắt, khung inox vì khi có sự cố cháy nổ hoặc tình huống cần thoát nạn, việc cắt phá những khung quá kiên cố này sẽ rất khó khăn, hoặc mất rất nhiều thời gian”, bà Hạnh nói.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, các gia đình có trẻ nhỏ không nên để bàn ghế, các thùng hộp ở ban công và lô gia và hạn chế kê giường tủ, bàn ghế cạnh cửa sổ. Đây là những khu vực trẻ dễ leo trèo và dễ xảy ra sự cố tai nạn. Việc lắp đặt hệ thống khóa chốt cửa sổ, cửa ban công cũng cần được cân nhắc. Hơn nữa, các gia đình có trẻ nhỏ cần có trách nhiệm giám sát trẻ liên tục, không để trẻ một mình gần các khu vực có thể xảy ra tình huống nguy hiểm này.
Phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật
Theo quy định, mỗi dự án nhà ở cần triển khai hoạt động kiểm soát an toàn và phòng ngừa rủi ro định kỳ 6 tháng một lần. Nhưng với sự phát triển hiện tại của lĩnh vực quản lý vận hành bất động sản tại Việt Nam, đang có rất ít các Ban quản lý và doanh nghiệp quản lý có bộ phận chuyên trách về kiểm soát an toàn và rủi ro. Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà chung cư thì rào, lan can, ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa, bậu cửa sổ trong nhà chung cư không được nhỏ hơn 1,4m. Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng, cần đảm bảo yêu cầu khe hở của lan can không đút lọt quả cầu đường kính 10cm và lan can không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua.
Ở góc độ bảo vệ trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng. Bộ Xây dựng, cơ quan quản lý chung cư cần có bộ tiêu chí về lắp đặt lưới an toàn ra sao để đảm bảo an toàn cho trẻ, đồng thời đảm bảo việc an toàn thoát hiểm chứ không nên để là hoạt động tự phát mỗi nhà làm một kiểu, tưởng an toàn lại không an toàn…
“Điều quan trọng là cha mẹ, người chăm sóc trẻ có kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Điều này phải được thực hiện ở hộ gia đình, thôn, bản, xóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học, thực hiện việc cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích theo tiêu chí xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ em đã được Bộ LĐ,TB&XH ban hành. Bởi vì an toàn trẻ em không chỉ là trèo leo mà còn là điện, nước…”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
NGUYỆT MINH