Làm cha mẹ - Nghề đặc biệt
VHO - Làm cha mẹ được ví như “nghề” vô cùng đặc biệt, một công việc thiêng liêng, hạnh phúc nhưng cũng chứa đựng không ít khó khăn, thách thức. Trong hành trình này, chắc chắn không ít lần chúng ta, những người đã và đang làm cha mẹ, cảm thấy bối rối, hoang mang…
Vô tình làm hư con trẻ
Trên thực tế, chưa có một trường lớp nào “dạy” phương pháp hay kỹ năng làm cha mẹ một cách bài bản, khoa học. Trước khi kết hôn, hầu như thanh niên không được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để trở thành các bậc phụ huynh. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con, họ cũng thiếu hụt thông tin khoa học và sự hỗ trợ cần thiết để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ trên cả ba lĩnh vực: Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ.
Có những bậc cha mẹ rất nuông chiều con, nghĩ rằng hành động bao bọc, che chở cho con là tốt, nhưng họ đâu biết rằng điều đó sẽ vô tình làm hư đứa trẻ. Mới đây, một nghệ sĩ nổi tiếng chia sẻ đoạn clip cho con gái cùng nhân viên đi siêu thị. Được một lúc thì bé gái chạy ra mếu máo đòi con gấu mà người nhân viên mua về làm quà cho cháu. Ngay lập tức, nghệ sĩ bảo nhân viên đi mua quà khác, đưa con gấu cho con gái mình chơi. Đoạn clip sau khi lan truyền trên mạng đã vấp phải phản ứng dữ dội của cộng đồng, khiến nghệ sĩ này phải lên tiếng xin lỗi vì hành động chiều con vô lối của mình.
Một clip khác cũng bị cư dân mạng lên án khi người bố đăng hình con trai đi siêu thị với nội dung: “Nhà quê ra phố. Kệ đựng của người ta, ông bẻ rời từng cái” kèm hình ảnh cậu con trai khoảng 3-4 tuổi hồn nhiên đứng bẻ kệ siêu thị. Nhiều người cho rằng, ông bố biết con đang “phá” tài sản của người khác, không những không chỉ bảo con mà còn chụp ảnh đăng lên mạng như “khoe” chiến tích…
Cha mẹ cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết
Hưởng ứng ngày gia đình Việt Nam và Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cụm thi đua Đông Nam Bộ tổ chức Diễn đàn Làm cha mẹ. Phát biểu tại đây, bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: “Ở nước ta, đa số cha mẹ chưa đóng vai trò là người “bạn” đồng hành, chia sẻ những vấn đề trẻ quan tâm như: Sức khỏe sinh sản, định hướng nghề nghiệp, kỹ năng sống. Nhiều cha mẹ chưa chưa nhận thức đầy đủ về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân, của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Đồng thời, việc tiếp cận của cha mẹ, người chăm sóc trẻ đến các chương trình hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng về chăm sóc nuôi dạy con còn thấp”.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình nuôi dạy con cái; lắng nghe chuyên gia phân tích về những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của xã hội, như: Trách nhiệm của gia đình trong chăm sóc, điều trị sức khỏe tâm thần cho trẻ; bảo vệ trẻ trước vấn vấn nạn bạo hành, xâm hại; kỹ năng xây dựng hạnh phúc gia đình trong thời đại công nghệ số… Nếu gia đình là cái nôi đầu tiên có ảnh hưởng đến tính cách của trẻ thì nhà trường, xã hội lại là nơi giúp trẻ nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, trẻ có thể học hỏi thêm những kiến thức nền tảng, kỹ năng sống… tạo hành trang vững vàng để trẻ bước vào đời.
Tuy nhiên, trong thực tế, không ít các bậc phụ huynh vẫn đang phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, lơ là liên hệ phối hợp khi con xảy ra vấn đề, dẫn đến một số em có những suy nghĩ chưa chín chắn và hành động thiếu suy nghĩ, mất kiểm soát, gây tổn hại cho bản thân, gia đình, bạn bè, thầy cô, nhà trường. Mặt khác, cơ chế thị trường đã và đang tạo ra không ít tác động tiêu cực, dẫn đến tình trạng biến chất, lệch lạc trong mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của người thầy và sự phát triển, rèn luyện của con trẻ.
Rõ ràng, trong một xã hội biến động không ngừng, bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng về mặt thể chất, tinh thần thì việc bảo vệ con cái khỏi các tác động tiêu cực, giúp chúng lớn lên bình yên, khỏe mạnh đã là thành công lớn, là niềm hạnh phúc đồng thời là thách thức thực sự đối với các bậc cha mẹ ngày nay. Hơn bao giờ hết, các bậc cha mẹ cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng đủ để phát huy vai trò là cầu nối, dẫn dắt, định hướng cho con trong hành trình trưởng thành, lớn lên.
Trước nhu cầu ngày càng bức thiết về vấn đề chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thông qua vai trò của người phụ nữ trong gia đình, từ năm 2023, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với tổ chức Unicef triển khai chương trình Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ tại ba tỉnh, thành phố là Cà Mau, Bắc Ninh, Hải Phòng, nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về làm cha mẹ, tạo điều kiện để trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện.
“Yêu thương, chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ là trách nhiệm không chỉ của riêng mỗi gia đình mà còn là nhiệm vụ của cả cộng đồng. Tôi tin tưởng rằng, kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia và sự tâm huyết, nhiệt tình tham gia, trao đổi của các bậc phụ huynh, chị em hội viên phụ nữ sẽ là những trải nghiệm quý giá để các bậc cha mẹ có thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết để tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh thiêng liêng của mình”, bà Tôn Ngọc Hạnh bày tỏ.