Hè vui tươi, bổ ích và an toàn cho trẻ

VHO- Bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh, mọi gia đình đều có trăn trở chung là làm sao chăm sóc, quản lý và giáo dục con em mình tốt nhất để bảo đảm cho trẻ có một mùa hè an toàn, bổ ích.

Hè vui tươi, bổ ích và an toàn cho trẻ - Anh 1

 Ông Đặng Hoa Nam (trái) và bác sĩ Nguyễn Trọng An tại buổi tọa đàm

Trong khuôn khổ Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em - Bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”, Cục Trẻ em và Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) đã phối hợp thực hiện tọa đàm trực tuyến Nghỉ hè vui và an toàn cho mọi trẻ em nhằm chia sẻ với các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ kiến thức để phòng tránh tai nạn thương tích cũng như ứng phó kịp thời, đúng cách với những tình huống không may có thể xảy ra, hạn chế tối đa các sự việc và hậu quả đáng tiếc.

Tại buổi tọa đàm, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng, đa số tai nạn thương tích trẻ em đều xảy ra xung quanh khuôn viên nhà, nhiều nhất là đuối nước khi trẻ tiếp xúc, chơi đùa với các dụng cụ đựng nước như chum, vại hay bị trượt ngã trong nhà vệ sinh… Bên cạnh đó, các em bé có thể chọc que vào ổ điện, tiếp xúc với chất tẩy rửa, uống nhầm các loại thuốc của người lớn… “Chúng ta thường chủ quan trong nhà mình là môi trường an toàn nhưng thực tế lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Chính vì thế, vai trò của gia đình trong bảo vệ trẻ em, xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn là vô cùng quan trọng”, ông An nhận định và lưu ý thêm, mô hình này sẽ cung cấp cho cha mẹ kiến thức, cách phát hiện những nguy cơ gây ra tai nạn cho trẻ. Cha mẹ phải nhận thức được trong nhà mình đang tiềm ẩn những nguy hiểm gì. Mô hình cũng khuyến cáo những trẻ em dưới 3 tuổi phải có cũi. Việc này có thể giúp cứu hàng triệu trẻ em thoát chết.

Mặc dù dịch bệnh đang diễn ra tại nhiều địa phương, trong đó nhiều khu vực thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, tuy nhiên, thời gian qua vẫn tiếp tục ghi nhận tình trạng đuối nước ở trẻ em dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam, những sự việc đau lòng này khó có thể chấm dứt nếu các địa phương không nhận thức chính xác về tầm quan trọng của việc bảo vệ sinh mạng trẻ em và tìm kiếm giải pháp hữu hiệu. Ông cho rằng, có vẻ như sinh mạng trẻ em chưa được coi trọng

 bằng sinh mạng của người lớn khi địa phương chỉ dừng lại ở việc chia buồn, thăm viếng nếu tai nạn trẻ em xảy ra. Cần thiết phải tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao các em bị đuối nước, gia đình đã được truyền thông chưa, đã có cảnh giới khu vực trẻ bị tai nạn hay chưa, trẻ em đã được học bơi chưa... thì địa phương và các bên liên quan mới có giải pháp để bảo vệ trẻ.

“Tôi đã thăm một gia đình vừa có trẻ bị tử vong vì đuối nước, nhưng khi tôi đi ra sau nhà, tôi vẫn thấy ao, mương “tơ hơ” không rào chắn, giếng nước không được đậy, mà thực tế cách đây mấy năm, chính gia đình này cũng đã có một cháu tử vong vì đuối nước. Hay chúng ta nói đến việc trẻ bị ngã từ trên tầng cao xuống, dư luận dậy sóng cảm thán thương xót nhưng rất nhiều gia đình không làm lưới an toàn. Tôi cũng lưu ý, nhiều nhà chú ý đến phong thuỷ để được an khang, nhiều tài nhiều lộc, tuy nhiên, phong thuỷ tốt nhất phải là ngôi nhà an toàn”, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ. Để bảo vệ sinh mạng trẻ em, theo Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, “không thể chỉ trông chờ vào sự thay đổi, cải thiện quan điểm của xã hội mà trước hết là cha, mẹ, các thành viên gia đình cần học các kỹ năng về an toàn để bảo vệ con em mình. Đó là việc xây dựng kỹ năng phòng tránh tai nạn, kiến thức sơ cứu, cấp cứu. Cha mẹ chỉ cần dành một chút thời gian để đọc, để nhớ, đôi khi sẽ cứu được sinh mạng của trẻ khi cần thiết”.

Dự kiến, một Chương trình Quốc gia về bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích sẽ được phê duyệt trong tháng 6 này, tuy nhiên ông Đặng Hoa Nam cho rằng, việc bảo vệ trẻ em không chỉ là việc của chương trình quốc gia 5 năm hay 10 năm mà là việc tối quan trọng mà mỗi gia đình, mỗi người có trách nhiệm bảo vệ trẻ em phải làm hằng ngày. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, dù nhiều vụ tai nạn trẻ em xảy ra nhưng chưa có vụ tai nạn dẫn đến tử vong nào được xác minh, điều tra cụ thể để quy trách nhiệm và xử lý hình sự các bên liên quan. n

 Bộ LĐ,TB&XH vừa có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trong mùa hè. Theo đó, Bộ LĐ,TB&XH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai Quyết định số 623/QĐ-LĐTBXH ngày 29.5.2021 về việc hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19. Sử dụng nguồn lực địa phương, vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ kinh phí, đồ dùng thiết yếu và tăng cường dinh dưỡng cho số trẻ em nói trên với phương châm không một trẻ em nào rơi vào hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 mà không được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời.

Tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh và phòng, chống đuối nước trẻ em. Chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện việc phân công bàn giao, quản lý, giám sát trẻ em trong thời gian nghỉhèhoặc không đến trường do thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình và cộng đồng. Xây dựng kế hoạch, phối hợp và phân công cụ thể cho các ban ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức, cộng tác viên, tình nguyện viên triển khai việc rà soát các hộ gia đình, các vị trí mặt nước, hồ, ao, sông, suối, công trình công cộng, công trình xây dựng để phát hiện kịp thời các nguy cơ đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác; thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở, bảo đảm môi trường sống an toàn cho mọi trẻ em. Chỉ đạo xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các vụ việc tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước gây tử vong trẻ em…

 NGUYỆT MINH

Ý kiến bạn đọc