Giữ nếp nhà - Giữ nếp nghề truyền thống

CHI TRƯỜNG

VHO - Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã khiến nghề làm gốm thủ công ở Quảng Nam bị tác động và nhạt phai đi ít nhiều. Không ít người trẻ ly hương, bỏ nghề để tìm đường mưu sinh…

Giữ nếp nhà - Giữ nếp nghề truyền thống - ảnh 1
Ông Nguyễn Viết Sơn trong không gian lưu niệm của gia đình

Nhưng cũng trong những “va lắc” của đời sống đương đại ấy, nhiều gia đình vẫn cố giữ nếp nhà, giữ nghề của cha ông để níu người trẻ ở lại, quay về quê cha đất tổ, phát huy nghề truyền thống.

 Xưởng gốm nung nhà ông Hạ

Xưởng đất nung Terra Cotta Studio của nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) mang đậm dấu ấn văn hóa Champa với kỹ thuật nung đốt gốm độc đáo kết hợp giữa dân gian và hiện đại.

Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề gốm sứ, từ nhỏ ông Hạ đã được theo “vọc đất” với ông bà, cha chú của mình. Cha ông là cụ Lê Tuất, Bí thư Chi bộ đầu tiên của huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) vào năm 1930.

Cụ Tuất là một trong những người tiên phong làm sứ trên đất Quảng Nam, đồng sáng lập ra Lò chén Việt Quảng, vừa kinh doanh, vừa là cơ sở tài chính cho Xứ ủy Trung Kỳ thời đó. “Có lẽ, tình yêu nghệ thuật, niềm say mê với gốm của tôi được kế thừa từ cha mình”, ông Hạ tâm sự.

Năm 1978, ông Hạ đi bộ đội. Năm 1982 xuất ngũ, ông về làm việc tại Xí nghiệp sành sứ Thăng Bình. Đến giai đoạn đất nước mở cửa, nền kinh tế thị trường phát triển, xí nghiệp tan rã.

“Thời gian ấy, tôi phải lăn lộn mưu sinh khắp nơi nhưng đam mê với nghề vẫn khiến tôi trăn trở khôn nguôi. Năm 1990, tôi quyết định quay về nhà, bắt đầu khởi nghiệp với nghề đất nung ngay tại lò của gia đình ngày xưa. Đây là giai đoạn đầy gian nan, có những lúc tôi “ôm lò khóc hu hu”, nhưng rồi cũng đến ngày hạnh phúc khi tìm được phương pháp truyền thống hay những sáng tạo nghệ thuật trên chất liệu đất nung”, ông Hạ hồi tưởng.

Ngôi nhà với lò gốm thủ công xưa được thiết kế lại thành không gian Terra Cotta Studio, đây là nơi nghệ nhân Lê Đức Hạ làm việc, sáng tạo, truyền nghề cho người trẻ, cũng là nơi trưng bày những tác phẩm độc bản của gia đình ông. Công trình đã giành được nhiều giải thưởng danh giá, xuất hiện trên các tạp chí lớn trong nước và quốc tế…

Không gian được hình thành tại chính lò gốm xưa mà cha ông đã khởi nghiệp, nơi dù đi xa ông Hạ vẫn nhớ mong, khắc khoải quay về. “Nhưng hạnh phúc nhất là tôi đã giữ được nghề, giữ được xưởng đất nung của gia đình. Con trai, con gái tôi học hành xong cũng đi nhiều nơi, nhưng cuối cùng đều quay về, tụ họp dưới mái nhà này để cùng làm nghề, giữ nghề”, ông Hạ chia sẻ.

Con gái ông Hạ phụ trách các khâu đón tiếp, hướng dẫn khách trải nghiệm xưởng gốm; con trai phụ trách khâu phát triển sản phẩm, mở chi nhánh giới thiệu tại TP Hội An. Đặc biệt, con dâu ông từ khi về nhà chồng cũng trở nên gắn bó, yêu nghề gốm và trở thành một hướng dẫn viên, thuyết minh viên cho xưởng đất nung.

Gia đình khôi phục nghề gốm men ở Thanh Hà

Cơ sở gốm Sơn Thủy tại làng Thanh Hà (Hội An) có đến 6 thế hệ theo nghề truyền thống. Ông Nguyễn Viết Sơn, chủ cơ sở kể, bà nội ông là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Được, lúc sinh thời vẫn hay nhắc chuyện được nhà chồng truyền lại nghề làm gốm men, gốm sành khi bà mới về làm dâu. “13 tuổi bà nội tôi bắt đầu làm gốm, đến khi qua đời ở tuổi 95, bà vẫn đau đáu mơ ước gia đình có thể khôi phục lại nghề đã bị quên lãng”, ông Sơn kể.

Thực hiện di nguyện của bà, ông Sơn cùng con trai là Nguyễn Văn Nhật đã lặn lội đến nhiều nơi, thậm chí qua tận Nhật Bản để tìm những sản phẩm gốm của làng mình xưa kia. Hai cha con đã được trao tặng lại sản phẩm để tìm hiểu về công thức sản xuất.

Bắt tay vào phục hồi sản phẩm gốm men, cả gia đình ông Sơn mỗi người một nhiệm vụ. Hai cha con ông phụ trách kỹ thuật sản xuất, tạo men, sáng tác, nung; vợ ông cùng con dâu chuyên tâm mảng sản xuất gốm đỏ truyền thống như lâu nay.

Các con trai, gái, dâu, rể, rồi đến cháu nội, ngoại ông Sơn đều học nghề ngay tại ngôi nhà cũng là lò gốm gia đình này. Nhiều người đã ra riêng, mở xưởng nhưng vẫn giữ nếp sinh hoạt của nhà, thường xuyên tụ họp, chia sẻ những câu chuyện buồn vui, hỗ trợ nhau làm nghề.

Trong nhà dành một khoảng không gian để trưng bày, lưu giữ những sản phẩm, di nguyện của bà nội - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Được. “Đây là nơi để mỗi khi thấy mệt mỏi, khó khăn, mọi người cùng tụ họp, cùng nhìn lại chặng đường đã qua để có thể phấn chấn, tự tin đi tiếp”, ông Sơn tâm sự.

Cùng từ ngôi nhà này, anh Nguyễn Viết Lâm, con trai ông Sơn đã học nghề từ cha mình và trở thành một trong cái tên tiêu biểu được TP Hội An chọn làm “hạt nhân” của Dự án khuyến công, phát triển nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ lưu niệm làng nghề trởthành sản phẩm du lịch đặc trưng Hội An.

Vợ anh Lâm cũng say mê nghề và trở thành “trợ thủ” đắc lực cho chồng trong việc sáng tạo sản phẩm gốm mỹ nghệ, cùng học, nghiên cứu cách tạo men gốm để có thể làm ra nhiều sản phẩm độc đáo.

Câu chuyện của gia đình nghệ nhân Lê Đức Hạ hay của ông Nguyễn Viết Sơn và những thế hệ con cháu, dâu rể không chỉ là việc mưu sinh trong mỗi nếp nhà, mà còn là chuyện lưu giữ những “vàng son một thuở” của một làng nghề truyền thống.

Nhiều người trẻ đã từng rời gia đình, rời làng để ra đi, từng thử sức ở những vùng đất khác, nhưng rồi họ đều lần lượt quay về với gia đình, về làng xóm, gắn bó với nghề truyền thống bằng những sáng tạo mới mẻ để gìn giữ và đưa nghề đi xa hơn….

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc