Đỏ mắt chờ giúp việc

VHO- Hầu hết số lượng người giúp việc gia đình ở Hà Nội là người ngoại tỉnh nên mỗi dịp sau Tết các chủ nhà như ngồi trên đống lửa khi không biết người giúp việc nhà mình có lên đúng hẹn, thậm chí có tiếp tục làm cho mình hay không.

Đỏ mắt chờ giúp việc - Anh 1

 Lớp dạy kỹ năng cho người giúp việc

Sau Tết nguyên đán, không chỉ có các công ty, nhà máy tại các khu công nghiệp mới sốt sắng tuyển dụng công nhân mà các hộ gia đình có người giúp việc cũng đỏ mắt tìm người giúp việc mới thông qua các mối quan hệ của mình bởi những người giúp việc thường nghỉ không báo trước hoặc có khi gia chủ liên lạc thì họ mới thông báo nghỉ việc.

Muôn vàn chiêu trò giúp việc

Theo cô Hà ở Phan Đình Phùng, nhà cô đã có hơn 30 năm sử dụng người giúp việc nhưng tiêu chí đều chọn những người phụ nữ có hoàn cảnh không may mắn về đường chồng con nên những người ở nhà cô ít nhất cũng gần chục năm, nhiều thì hơn chục năm đều ăn Tết Hà Nội nên trước đây không bao giờ phải lo lắng về người giúp việc sau mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, do sức khỏe của những người giúp việc cũ cũng đã yếu nên khi con dâu cô sinh con thì cứ có giúp việc đã là tốt rồi nên không thể kén chọn như trước được nữa. Mặc dù đã hẹn là 25 tháng Chạp người giúp việc sẽ về quê đến mùng 8 Tết lên, nhưng đột nhiên đến ngày 22 thì người giúp việc thông báo có con trai từ quê ra có việc nên hẹn ở nhà bà con rồi đưa về luôn. Tuy nhiên, khi con dâu cô đặt grab cho người giúp việc đến địa điểm hẹn thì nhất định người giúp việc không chịu đi xe đã đặt mà tự ra đường bắt xe. Và từ đó đến mùng 8 Tết gia đình nhà cô như ngồi trong đống lửa không biết giúp việc có về quê thật sự không hay về rồi sau Tết có lên không.

Chỉ đến ngày mùng 8 khi người giúp việc xuất hiện ở nhà thì gia đình cô mới thở phào nhẹ nhõm. Lý giải cho lo lắng của mình cô Hà cho biết, trước đây nhà bà con của cô cũng có người giúp việc và đối xử không hề tệ, Tết cũng tạo điều kiện cho về và có quà kèm theo tháng lương thứ 13. Nhưng ngay sau Tết thì mới biết rằng Tết người đó không về quê mà ở lại giúp việc trông một bà mẹ già ở gần đó cho một gia đình đi du lịch nước ngoài với tiền công là một triệu hai một ngày. Và sau chục ngày như vậy không hiểu nghe lời ngọt nhạt thế nào mà người giúp việc đã bỏ hẳn gia chủ cũ để làm chỗ mới mặc dù mỗi lần ra ngoài phố đều phải đi qua nhà chủ cũ. Trường hợp giúp việc lên đúng hẹn như gia đình cô Hà thực sự là may mắn so với nhiều gia đình khác. Điển hình như chị Hồng Thu hiện công tác tại bệnh viện phụ sản trung ương cho hay, giúp việc nhà chị hẹn mùng 4 Tết lên nhưng khi chị gọi điện thoại thì lại báo nghỉ luôn làm chị xoay sở không kịp. Mặc dù đã nhờ mọi mối quan hệ từ đồng nghiệp, họ hàng, mạng xã hội hay thậm chí nhờ những người giúp việc xung quanh tìm giúp nhưng không có nên chị đành xin nghỉ phép để ở nhà trông con, bởi theo chị do đặc thù công việc nên chị không thể đem theo con đến cơ quan như nhiều chị em khác được. Nói về có hay không chiêu trò của các giúp việc mỗi dịp sau Tết, bà Sâm quê Thái Bình, người lâu năm làm giúp việc ở Hà Nội cũng như kết nối giới thiệu người giúp việc cho các gia đình cũng thừa nhận là có một số bộ phận như vậy. Theo bà Sâm hiện nay mức lương của người giúp việc ở Hà Nội dao động từ 5- 7 triệu đồng tùy theo công việc. Nhiều giúp việc khi mới vào làm thường rất hài lòng với mức lương mình nhận được nhưng khi thấy gia chủ dễ dãi hay quý mến mình thường tận dụng để làm mình làm mẩy đòi tăng lương. Nếu không được tăng lương họ sẵn sàng nghỉ vì họ cũng thừa biết cầu nhiều hơn cung, không có nhà này thì có nhà khác.

Nỗi oan người giúp việc

Cũng theo bà Sâm, không phải người giúp việc nào cũng vô tâm hay quá đáng với gia chủ. Rất nhiều người giúp việc sống lâu trong gia đình và được tôn trọng thì họ đều coi đấy như ngôi nhà thứ hai của mình. Tuy nhiên, bên cạnh họ còn những người thân trong gia đình và họ cũng nhận được không ít lời chỉ trích của người thân khi chỉ dành có mấy ngày Tết ở nhà, bởi họ quan niệm giỗ quanh năm không bằng rằm tháng Giêng. Nhiều người giúp việc kể rằng họ cũng muốn lên đúng hẹn với gia chủ nhưng bà con họ hàng, chồng con lại nói đã xa nhà cả năm rồi, giờ mới về chốc lát lại đi luôn họ không đồng ý, có người còn bị gia đình giấu hết quần áo, tư trang... Rồi chưa kể năm nay dịch bệnh, gia đình nói lý do xuống đó dịch bệnh nên không cho đi, rồi các cháu của bà nghỉ học bà không trông mà đi trông con thiên hạ… Và khi nghe những lời như vậy thì họ quả thực không nỡ ra đi nên đành thất hẹn với gia chủ mà không biết làm sao.

Cũng theo cô Hà, giúp việc là một công việc khá nhạy cảm, nhiều người giúp việc còn mang mặc cảm tự ti về công việc mình làm. Hơn nữa việc hai môi trường văn hóa địa phương khác nhau cùng sinh sống trong một gia đình cũng sẽ không thể tránh khỏi những va chạm, hiểu lầm trong cuộc sống. Bởi vậy mỗi người chủ nhà cần có những cư xử khéo léo và cùng với người giúp việc coi công việc đó như bao ngành nghề khác để có cách hành xử đúng mực hơn giữa người giúp việc và chủ nhà. 

THANH BẢO

 

Ý kiến bạn đọc