Để không còn những nỗi đau! (Bài cuối): Không thể cứ mãi “đóng cửa bảo nhau”
VHO- Tâm lý thực thi pháp luật theo kiểu cảm tính, “nghĩ bụng”, “thương đứt ruột, đứt gan”, “100 cái lý không bằng một tí cái tình”, “chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau”… của một số cơ quan chức năng khiến việc giảm thiểu nạn bạo lực gia đình trở nên khó khăn. Việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu tại Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1.7.2023 được kỳ vọng sẽ chấm dứt được hiện tượng trên.
Ba mẹ con chị V.T.L hạnh phúc sau khi được “về chung một nhà”
Tuyệt vọng kêu cứu
Đã gần 4 tháng qua, ba mẹ con chị V.T.L (sinh năm 1992, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được sống trọn vẹn hạnh phúc bên nhau sau khi Tòa án nhân dân huyện Mê Linh phán quyết chị được giành quyền nuôi con trai đầu (sinh năm 2012).
Mâu thuẫn bắt đầu từ năm 2019, khi N.X.V (sinh năm 1987) thường xuyên đánh vợ là chị V.T.L và kết thúc bằng phán quyết ly dị của tòa án, mỗi người nuôi một con. Tuy nhiên, từ ngày ly dị, người chồng chăm sóc con không chu đáo, cấm đoán không cho con gặp mẹ. Đỉnh điểm là ngày 27.12.2022, N.X.V đánh và bắt con quỳ cả tiếng đồng hồ ngoài sân (tại nhà riêng ở xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Hà Nội), sau đó chở con trai “trả” về cho mẹ. Hôm sau, V nhiều lần đưa người đến gây rối tại nhà chị V.T.L, dùng vũ lực để “đòi” con trước sự hoảng loạn của cả 3 mẹ con.
“Lúc ấy, em đã rải đơn cầu cứu khắp nơi, nhưng không ai giúp đỡ, em thực sự tuyệt vọng. Công an phường nơi em cư trú thì khuyên em “trả con cho nó đi”, “phải nghĩ đến cảm nhận của V, phải đặt mình vào vị trí của V” mà không hề quan tâm đến nạn nhân là những đứa trẻ. Qua Tết, V lại tiếp tục nhắn tin đe dọa, em gọi cho công an phường thì họ bảo “do em không làm theo thỏa thuận”, trong khi em không có thỏa thuận gì. Cùng với đó, công an xã Kim Hoa cho mời V lên làm việc 3 lần, V đều không hợp tác, nên họ nói cũng chưa biết giải quyết ra sao. Họ còn nói “V chỉ mắng chứ không bạo hành, trong khi nơi con em bị bắt quỳ có camera ghi lại, nhưng họ không thu làm bằng chứng”, chị V.T.L chia sẻ.
Lo lắng trước sự vào cuộc chậm trễ, chưa quyết liệt của cơ quan có thẩm quyền, chị V.T.L đành cầu cứu trên mạng xã hội. Sau khi nắm bắt thông tin, Văn Hóa đã vào cuộc với loạt 3 bài liên tiếp cùng sự lên tiếng của Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) phản ánh về sự việc. Ngày 6.2.2023, Huyện ủy Mê Linh đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh chóng giải quyết vụ việc và nhờ đó, cuộc sống bình yên đã trở lại với ba mẹ con chị V.T.L cho đến nay.
Không chỉ riêng chị V.T.L mà còn rất nhiều nạn nhân khác phải chịu “ấm ức”, yếu thế trước sự thờ ơ, hay nói cách khác là sự dung túng cho cái ác của chính quyền hay lực lượng chức năng địa phương. Ông Lê Xuân Đồng, chuyên gia về giới chia sẻ: “Khi tham gia các dự án phòng, chống BLGĐ, tôi nhận thấy rằng, đâu đó chính quyền vẫn còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước những tin báo của người dân. Có nơi biết về sự việc nhưng nói chưa nhận được đơn, hoặc cho rằng nạn nhân không phải là hội viên của họ, hay biện minh bằng việc đó là chuyện riêng trong gia đình…”.
Có lẽ, con số 90% nạn nhân bị bạo lực tại Việt Nam chấp nhận im lặng, không cầu cứu sự giúp đỡ mà các nghiên cứu chỉ ra có nguyên nhân từ sự thiếu trách nhiệm nêu trên. Sự “im lặng” này có thể xuất phát từ bất bình đẳng giới, trọng nam khinh nữ khiến tâm lý nhẫn nhịn, bị đè nén, bị kiểm soát, phải phục tùng của người phụ nữ như một lẽ tự nhiên và tất yếu phải thế. Cùng với đó là tâm lý thực thi pháp luật theo kiểu tình cảm, “nghĩ bụng”, thương “đứt ruột, đứt gan”, “100 cái lý không bằng một tí cái tình”, “chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau” của một số cơ quan chức năng khiến việc giảm thiểu nạn BLGĐ trở nên khó khăn.
Công tác Phòng, chống BLGĐ ngày càng được quan tâm song vẫn còn những tồn tại và bất cập giống như “gánh nặng, đường xa”. Ngăn chặn BLGĐ không chỉ là trách nhiệm của một ngành, một Bộ mà của cả toàn xã hội… Tất cả phải cùng chung tay để thay đổi ngay từ nhận thức cho tới việc xử lý các hành vi BLGĐ. (Thứ trưởng Bộ VHTTDL TRỊNH THỊ THỦY) |
Sẽ xử lý người đứng đầu địa phương
Ngày mai (1.7.2023), Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi năm 2022 sẽ có hiệu lực và được kỳ vọng sẽ là công cụ, hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, cụ thể để đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng nêu trên.
Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cho biết, điểm mới, điểm nhân văn, tiến bộ của Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 so với Luật năm 2007 là chúng ta xác định lấy người bị BLGĐ làm trung tâm, khẳng định bảo vệ quyền con người và quyền đó được thể hiện rất rõ ở trong Hiến pháp năm 2013. Luật sửa đổi lần này cũng quy định rất rõ về việc phòng ngừa BLGĐ, không chờ vụ việc xảy ra rồi mới giải quyết. Có nghĩa rằng, dựa vào cộng đồng, chúng ta sẽ phát hiện sớm những tín hiệu, nguy cơ BLGĐ để có biện pháp giải quyết.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, trước đây Luật chưa quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi vụ việc BLGĐ xảy ra và chưa có một chế tài nào thật cụ thể, thật nghiêm khắc để áp dụng đối với người đứng đầu trong các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 đã quy định rõ: Người đứng đầu nhận được tin báo, tố giác hành vi BLGĐ mà không kịp thời phân loại, không kịp thời xử lý hoặc xử lý không đúng theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định thực hiện Luật; và nếu hành vi gây nên hậu quả nghiêm trọng thì có thể xem xét để xử lý ở mức độ cao hơn.
Về việc phân cấp giải quyết vụ việc gia đình, ông Khuất Văn Quý cho hay: “Điều 19, Chương III của Luật Phòng, chống BLGĐ mới đã quy định có 6 địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ gồm: UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ; Cơ quan công an, đồn biên phòng gần nơi xảy ra hành vi BLGĐ; Cơ sở giáo dục nơi người bị BLGĐ là người học; Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi BLGĐ; Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ; Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống BLGĐ. Trường hợp người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc hành vi BLGĐ đã/có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng nạn nhân thì Chủ tịch UBND cấp xã phân công công an xã, phường, thị trấn xử lý. Các trường hợp khác có thể giao cho các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương”.
Tiếng vỗ tay không thể phát ra từ một bàn tay, do đó, Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 ra đời và có hiệu lực mới chỉ là điều kiện cần, dù có mạnh mẽ, chi tiết đến đâu cũng sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu không có sự vào cuộc, tham gia từ nhiều phía, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp. Mọi quy định đều phải thực hiện trên tinh thần thượng tôn pháp luật, và mỗi cơ quan, tổ chức cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tiếp nhận, xử lý các hành vi BLGĐ. Chúng ta kêu gọi nạn nhân BLGĐ lên tiếng nhưng khi họ lên tiếng thì đừng để nó rơi vào vô vọng!
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được thiết kế theo hướng: Tất cả tin báo đều phải đến điểm cuối cùng là Chủ tịch UBND cấp xã. Có ý kiến nên giao cho Công an xã, tuy nhiên BLGĐ có nhiều dạng (bạo lực thể xác, kinh tế, tinh thần, tình dục…), vì vậy, không phải tất cả đều cần công an xử lý, trong khi Việt Nam có cả hệ thống tổ chức chính trị xã hội rộng khắp ở cộng đồng. Chủ tịch UBND cấp xã là người chịu trách nhiệm toàn diện ở địa bàn, vì vậy, Luật giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp xã là hợp lý… (TS NGUYỄN VĂN TIÊN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nay là Ủy ban Xã hội) |
Có nạn nhân bị chồng bạo hành, tìm tới trưởng thôn thì trưởng thôn cho rằng đó là chuyện riêng của gia đình. Khi được thuyết phục và nêu trách nhiệm, trưởng thôn cho nạn nhân số điện thoại công an để tự đi mà báo. Rất nhiều vụ việc như vụ người phụ nữ ôm con nhảy cầu tự tử ở Phú Thọ; bố vợ chém chết con rể do đánh con gái ngay tại nhà riêng… đều đã được báo cáo chính quyền ngay từ lúc xảy ra BLGĐ, nhưng khi sự việc nghiêm trọng xảy ra thì không thấy ai chịu trách nhiệm. (Bà LÊ THỊ PHƯƠNG THÚY, Chuyên gia về bình đẳng giới và Phòng, chống BLGĐ) |
QUỲNH HOA - THÚY HIỀN