"Cứ tin đi, rồi con yêu sẽ về"

VHO- 2 đứa trẻ sinh đôi vừa tròn 1 tuổi lúc cười đùa, lúc quấy khóc khi có đông người lạ xung quanh, nhưng bố chúng – anh Quách Văn Thị ôm con vào lòng dỗ dành mà không hề tỏ ra bực bội, nóng nảy. Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có thể ứng xử như thế, nhưng với anh Thị thì đặc biệt hơn bởi anh đã chờ đợi 7 năm mới sinh được 2 bé.

Có con như một điềm may

Anh Quách Văn Thị (sinh năm 1987, người Tày) là giáo viên tại thôn Huổi Lục 2, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, Điện Biên; còn chị Nguyễn Thị Hồng Tiến theo chồng từ Hoà Bình lên vùng sâu vùng xa, công việc không ổn định, chỉ làm nông nghiệp. Điều không may là lấy nhau đã lâu nhưng anh chị chưa có con, nhìn thấy trẻ con chơi đùa thì giấu đi niềm mong ước và an ủi, động viên nhau chờ một ngày may mắn.

Vợ chồng thầy giáo Thị  chia sẻ niềm hạnh phúc trọn vẹn khi có tiếng trẻ bi bô trong nhà

Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng 7 năm qua, anh chị đã dành dụm để đi chữa vô sinh, đến nhiều bệnh viện, uống các loại thuốc lá, thuốc nam, nhưng chưa bao giờ anh Thị và chị Tiến nản chí trong hành trình tìm kiếm con yêu. Năm 2019, anh chị quyết tâm vay 200 triệu để khăn gói lên đường đi Hà Nội 1 lần nữa thực hiện sinh con bằng thụ tinh trong ống nghiệm. Và quả nhiên, may mắn đã mỉm cười với anh chị khi trở thành 1 trong 10 cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn, đủ điều kiện được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ miễn phí toàn bộ chi phí thực hiện. “Tôi vẫn còn nhớ, hôm đó có 1 ô tô đỗ xịch trước cửa nhà, hai vợ chồng rất ngạc nhiên, vì chẳng quen ai có ô tô vào tận cửa như vậy. Rồi cả hai vợ chồng cùng vỡ oà trong hạnh phúc khi biết đó là nhân viên của Bệnh viện đến điều tra hoàn cảnh gia đình và thông báo được miễn phí toàn bộ đợt thụ tinh trong ống nghiệm lần này”, anh Thị chia sẻ.

Sau hai năm, gia đình nhỏ ấy lại một lần nữa đặt chân tới Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội nhưng lúc này trên tay còn bế theo 2 thành viên mới là bé Quách Nguyễn Nhật Thạch và Quách Nguyễn Nhật Thành. Anh chị cho biết, sau khi có con, cuộc sống cũng tốt dần lên như một điềm may, anh Thị được chuyển công tác về Hòa Bình ở gần gia đình. “Hôm nay, vợ chồng tôi vô cùng xúc động và biết ơn các bác sĩ đã cho chúng tôi có cơ hội được làm cha, làm mẹ, có hai “cục vàng” như ngày hôm nay. Mong các cặp vợ chồng kiên nhẫn và tin tưởng về tương lai, chắc chắn hạnh phúc sẽ đến”, thầy giáo người Tày nói.

Vợ chồng anh chị Thị - Tiến là 1 trong hàng chục cặp vợ chồng được Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ miễn phí suốt 3 năm qua, trong đó năm 2019 và năm 2020 đã có 18 cặp/20 cặp được hỗ trợ đã sinh con hoặc hiện đang mang thai. Các bé ra đời trong niềm vui, sự mong đợi của gia đình là kết quả của tình yêu, niềm tin và khát khao làm cha mẹ chưa bao giờ vụt tắt của các anh chị.

Sự sẻ chia tinh thần và vật chất

Năm 2021, trong chương trình Tuần lễ vàng, Bệnh viện tiếp tục công bố 10 cặp vợ chồng khác được hỗ trợ miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm và nhiều gia đình được hỗ trợ từ 14 – 30 triệu đồng vì hồ sơ không đủ điều kiện nhưng có hoàn cảnh đặc biệt. Chia sẻ cảm xúc khi gia đình mình được nhận gói hỗ trợ miễn phí năm nay, chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Thị trấn Trường Sơn, An Lão, Hải Phòng) không kìm nổi những giọt nước mắt. Chị cho biết, chồng chị là bộ đội biên phòng đóng quân ngay tại Hải Phòng nhưng thường xuyên đi công tác xa nhà. Chị đôi khi cũng tủi thân lại thiếu vắng tiếng khóc, tiếng cười bi bô của trẻ nhưng anh chị chỉ có thể động viên nhau vượt qua. Ngoài ra chị cũng chú tâm chăm sóc bố chồng mắc bệnh ung thư đã nhiều năm nên cũng chưa đủ tiền để chữa bệnh. Khi bố sức khoẻ yếu hơn, hai vợ chồng chị quyết tâm đến bệnh viện để khám, và nhận được kết quả ngoài mong đợi này. “Vợ chồng tôi mong muốn ông bà có cháu bế để tiếp thêm cho bố động lực và sức mạnh chiến đấu với bệnh tật”, chị Trang bày tỏ.

Chị Trang (bên trái) và vợ chồng chị Phạm Thị Phượng chia sẻ về hoàn cảnh của mình

Còn vợ chồng chị Phạm Thị Phượng và anh Phạm Văn Quyết (Đại Tập - Khoái Châu - Hưng Yên) đã trải qua 18 năm hiếm muộn, kinh tế khó khăn nhưng kiếm được bao nhiêu tiền anh chị đều dành dụm để chữa bệnh. Chị Phượng từng mổ bóc tách u nang buồng trứng (năm 2014) và mổ polyp buồng tử cung (năm 2016), và năm 2018 anh chị mới đủ tiền để thụ tinh trong ống nghiệm nhưng thất bại. Thu nhập từ nghề thợ hàn của anh và nghề phụ hồ của chị ngoài lo cuộc sống, chăm mẹ già (mẹ anh Quyết hiện đã gần 90 tuổi, ở cùng hai vợ chồng) khó có thể giúp họ tiếp tục theo đuổi hành trình gian nan này. Tưởng như đã tuyệt vọng, nhưng cơ duyên đến với anh chị khi tình cơ biết một gia đình đã sinh con bằng thụ tinh trong ống nghiệm thành công tại Bệnh viện, niềm hy vọng lại loé lên, và thật bất ngờ, anh chị nhận được hỗ trợ miễn phí 100%.

 BS.CKII. Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện cho biết: “Bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn, đều chịu rất nhiều áp lực, cả về kinh tế lẫn tinh thần. Riêng với các gia đình khó khăn, áp lực đó càng đè nặng vì chi phí thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là thụ tinh trong ống nghiệm không phải là nhỏ. Do đó, thông qua chương trình, chúng tôi muốn tiếp sức cho họ, không chỉ là sự tận lực hết mình của đội ngũ y bác sĩ mà còn là vật chất để giúp các gia đình chạm vào ước mơ làm cha làm mẹ”.

Mỗi trường hợp là một câu chuyện, dù khác hoàn cảnh nhưng chung một nỗi niềm, đó là khát khao mong con nhưng vẫn chưa thể vẹn tròn vì nhiều lẽ; trong đó, kinh tế là rào cản chính. Ths. BS. Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản cho hay, trong quá trình thăm khám, Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca khó, hiếm muộn do nhiều nguyên nhân như vợ chồng mang gen bệnh lý hiếm, người chồng vô tinh, vợ chồng hiếm muộn lâu năm, sảy thai nhiều lần… Việc can thiệp hỗ trợ sinh sản cho những trường hợp này đòi hỏi thêm những kỹ thuật, quy trình phức tạp và tốn kém hơn so các ca thông thường… Do đó, chúng tôi muốn hỗ trợ các gia đình được thực hiện những kỹ thuật này, giảm một phần đáng kể chi phí cũng như giúp họ sinh ra những em bé khoẻ mạnh.

THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc