Bữa cơm gia đình cần được đầu tư

Q.HOA - T.MAI (thực hiện); ảnh: T.LAM

VHO - Trong thời đại ngày nay, nhiều người bận rộn công việc xã hội nên bữa ăn gia đình đôi khi đơn giản, ăn cho qua bữa, các món đơn điệu lặp đi lặp lại hằng ngày như thịt kho, cá rán, rau luộc... khiến các thành viên ít hứng thú. Làm sao để có được những bữa cơm vừa ngon, đẹp mắt, đủ dinh dưỡng lại chế biến nhanh gọn, phù hợp với quỹ thời gian eo hẹp là vấn đề nhiều chị em phụ nữ quan tâm.

 Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với giảng viên kỹ thuật nấu ăn Mai Chung Chiển, Phó trưởng Phòng Đào tạo nghề Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội về vấn đề này.

Bữa cơm gia đình cần được đầu tư - ảnh 1
Giảng viên Mai Chung Chiển và các học viên trong lễ tốt nghiệp lớp kỹ thuật nấu ăn

 PV: Thưa thầy, học viên tham gia lớp nấu ăn tại Trung tâm là những đối tượng như thế nào?

- Giảng viên kỹ thuật nấu ăn Mai Chung Chiển: Học viên ở đây đa phần là người hưởng trợ cấp thất nghiệp, đến Trung tâm học theo diện hỗ trợ của Bảo hiểm nên hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, chúng tôi cũng đào tạo miễn phí nhiều ngành nghề khác như kỹ thuật pha chế, tin học văn phòng, làm đẹp… trực thuộc đơn vị của Sở đăng ký dạy nghề cho người lao động.

Chị em phụ nữ đa số lựa chọn lớp kỹ thuật nấu ăn, làm đẹp, pha chế. Tuy nhiên, nhiều chị em sau khi kết thúc khóa học miễn phí lại thấy giá trị, ý nghĩa của nghề nấu ăn mà trước đây chưa được tiếp cận, họ đã tự bỏ kinh phí để tiếp tục học khóa 2 nhằm nâng cao kiến thức.

 Hầu hết chị em đều đã có nghề khác trước khi đến với khóa học, vậy những điều thầy mang đến cho họ là gì?

- Nhiều người cho biết, trước đây công việc bận rộn nên bữa ăn gia đình đôi khi đơn giản, đơn điệu, các món lặp đi lặp lại hằng ngày như thịt kho, trứng rán, rau luộc... Khi nào chồng con chán, muốn cải thiện thì ra nhà hàng. Vì vậy, trước hết là tôi truyền tình yêu, cảm hứng bếp núc họ, sau đó là kỹ thuật nấu ăn cơ bản, những bí quyết để tạo nên một món ăn thơm ngon, hấp dẫn. Một số người trước đây từng nghĩ mình đã nấu ăn tốt rồi, nhưng sau khi tham gia khóa học thì phấn khởi khoe rằng, chồng con khen mẹ “nấu ngon như nhà hàng”.

 Không ít gia đình, bữa cơm đông đủ thành viên đã trở nên “xa xỉ”, vì mỗi người đi mỗi nơi, khó gắn kết, một phần cũng vì các món ăn đơn điệu, không đủ hấp dẫn. Xin thầy cho biết, để tạo nên một bữa cơm nhà thơm ngon, thực sự là nơi gắn kết yêu thương thì nên làm như thế nào?

- Hầu như bữa cơm đầy đủ các thành viên thường chỉ có bữa tối, nhiều gia đình còn không nấu cơm, chỉ ăn nhà hàng, một phần vì không có thời gian chế biến, một phần ở nhà hàng món ăn đa dạng, có thể đáp ứng hết mọi sở thích của mỗi người. Nhưng thực tế, các món ăn trông bắt mắt còn chất lượng vệ sinh chưa chắc đã được đảm bảo, đa phần toàn đồ đông lạnh, bảo lưu lâu ngày, ảnh hưởng đến dinh dưỡng và sức khoẻ của con người.

Vì vậy, các gia đình cũng nên nấu ăn ở nhà để căn bếp ấm cúng hơn và mọi người gắn kết nhau hơn, gia đình vui vẻ, hạnh phúc, đoàn kết hơn. Bên cạnh đó còn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh ăn toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các chị em cần phải “đầu tư” thời gian, công sức, học hỏi công thức, bí quyết nấu ngon và thường xuyên đổi món, trang trí đẹp mắt để tạo cảm hứng cho các thành viên. Đặc biệt, mọi người cũng lưu ý chế biến món ăn theo mùa, phù hợp với thời tiết, hợp khẩu vị của mỗi người.

 Trong thời đại ngày nay, có nhất thiết người phụ nữ phải vào bếp mới mang lại hạnh phúc gia đình, thưa thầy?

- Hạnh phúc gia đình không phải là ai vào bếp mà là cảm giác có một bữa ăn ngon, ấm áp tình cảm đang chờ ở nhà sau mỗi ngày làm việc. Vì vậy, không nhất thiết người nấu ăn phải là vợ, mà có thể là chồng hoặc các con. Nếu cả nhà ai cũng quá bận rộn, thì có thể lựa chọn phương án mua đồ ăn sẵn theo địa chỉ tin cậy, uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm về cho gia đình mình mà không cần phải ra nhà hàng.

Tuy nhiên, dù bận rộn đến mấy thì mỗi người cũng nên sắp xếp dành thời gian để nấu cơm, vừa tiết kiệm chi phí, vừa gửi gắm tình cảm, tâm huyết cũng như tự tay chăm chút, chế biến theo khẩu vị của người thân. Từ đó, chúng ta dành thời gian cho nhau nhiều hơn, trò chuyện, tâm tình nhiều hơn, sợi dây gắn kết cũng từ đó mà bền chắc hơn.

 Xin cảm ơn thầy!