Bữa ăn và tầm vóc người Việt

NAM VIỆT

VHO - Mới đây, phát biểu tại Hội thảo quốc tế dinh dưỡng người Việt lần hai, GS Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản cho hay, do áp dụng chế độ dinh dưỡng học đường một cách khoa học, trong vòng 50 năm qua, chiều cao trung bình của nam giới nước này đã tăng 22 cm (từ 150 cm lên 172 cm) và 9 cm đối với nữ (từ 149 cm lên 158 cm). Vậy, với Việt Nam thì sao?

 Hiện chiều cao trung bình của nam giới người Việt là 168,1 cm và chiều cao nữ giới khoảng 156,2 cm. Theo PGS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, trẻ em Việt Nam đang đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi), thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. 

 Cụ thể, điều tra toàn quốc năm 2023 cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi là 18,2%. Có sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng: Từ 8,5% năm 2010 lên đến 19,0% vào năm 2020 (tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm). 

Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng cần chuẩn hóa bữa ăn học đường, từ mẫu giáo cho đến bậc trung học cơ sở, vì đây là lứa tuổi quan trọng phát triển chiều cao, cân nặng và cả não bộ. Một số ý kiến còn đề xuất “luật hóa dinh dưỡng”, nghĩa là có Luật về vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn của người Việt. Những ý kiến như vậy có thể hiểu được vì cùng nhắm tới mục đích phát triển tầm vóc của người Việt, không thể cứ “thấp bé nhẹ cân” so với thế giới, kể cả so với khu vực. Nhưng nếu có luật rồi thì chế tài áp dụng với luật ấy ra sao, xử phạt thế nào nếu vi phạm? Thật khó khả thi. 

Bữa ăn, hay nói rộng ra là dinh dưỡng, rất khó có thể định lượng chung cho mọi người, mọi nhà. Điều đó phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế và nhận thức, hiểu biết về dưỡng chất cần thiết, cân đối cho cơ thể. Do đó, quan trọng nhất là nâng cao đời sống của người dân cùng với việc phổ cập hiểu biết về dinh dưỡng bữa ăn một cách khoa học, hiệu quả. Điều đó không phải là công việc của cơ quan y tế mà của chung cộng đồng. Trong đó có vai trò quan trọng của việc tổ chức bữa ăn trong nhà trường. 

Thời gian qua, thật đáng tiếc là việc “xà xẻo” khẩu phần ăn của học sinh diễn ra không ít. Nguy cấp hơn còn cả việc ngộ độc tập thể từ bữa ăn trong trường học. Điều đó cho thấy dường như lãnh đạo nhà trường còn thiếu hiểu biết về dinh dưỡng, lại cũng thiếu trách nhiệm kiểm soát hợp đồng cung cấp bữa ăn đến từ bên ngoài; chưa nói đến chuyện “phết phẩy” theo kiểu “tham nhũng vặt”. Tầm vóc, sức khỏe đương nhiên phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, còn phụ thuộc rất nhiều vào sự vận động cơ thể, hay nói dễ hiểu hơn là thể dục, thể thao. Riêng về chiều cao, nhiều nghiên cứu cho biết việc phát triển chiều cao phụ thuộc vào di truyền 20%, còn yếu tố dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%. Trong đó rất quan trọng là thể dục, thể thao trong nhà trường (độ tuổi “vàng” phát triển của cơ thể). 

Theo ông Đỗ Xuân Duyệt, Trưởng khoa Giáo dục thể chất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trên phạm vi cả nước, ở cấp tiểu học chỉ có khoảng 20% số trường có giáo viên chuyên trách môn Giáo dục thể chất. Như vậy là đa số trường học “trắng” giáo viên môn học này và cũng không có nhà giáo dục đa năng. Còn về bể bơi trong nhà trường, con số từ Bộ GD&ĐT cho thấy: Tổng số bể bơi trong trường học trên cả nước là 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỷ lệ chưa đến 9%. 

Liên quan đến vấn đề này, Bộ LĐ,TB&XH cho biết, mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á vàcao gấp 10 lần các nước phát triển. 

Đó là một thực tế rất đáng suy nghĩ. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc