Bữa ăn gia đình đã trở nên “xa xỉ”?

BẢO THƯ

VHO - Một nghiên cứu của Q&Me (dịch vụ nghiên cứu, khảo sát thị trường online và offline) đưa ra một con số thú vị: Trung bình một bà mẹ ở Việt Nam dành hơn 28 ngày, tương đương 679 giờ mỗi năm để nấu bữa cơm nhà. Như vậy, đồng nghĩa với việc mỗi ngày họ dành hơn 2 tiếng để chăm chút cho bữa cơm nhà. Mỗi bữa ăn do các bà mẹ Việt nấu thường gồm khoảng 3 món, trong đó 97% là món “thuần Việt”.

 Các bữa cơm được “thiết kế” dựa trên sở thích của từng thành viên trong gia đình vì rằng “người giữ lửa” trong mỗi ngôi nhà chắc chắn sẽ hiểu chồng và con nhất. Cũng thật ngạc nhiên khi nghiên cứu chỉ ra rằng giá trị kinh tế quy đổi từ những đóng góp của người phụ nữ trong việc chăm sóc gia đình cao gấp 3 lần ngành công nghệ. Theo Oxfam, một liên minh quốc tế gồm 21 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại hơn 90 quốc gia trên thế giới, giá trị công việc chăm sóc không lương của phụ nữ trên toàn cầu có thể lên đến 10,8 nghìn tỉ USD mỗi năm. Con số khổng lồ này minh chứng cho sự đóng góp to lớn của người mẹ không chỉ với gia đình mà còn ở cấp độ xã hội.

Sâu xa hơn, thời gian chăm sóc của người mẹ không chỉ là đóng góp kinh tế mà còn góp phần quan trọng cho nền tảng hạnh phúc gia đình. Những bữa cơm nhà là trung tâm của cuộc sống gia đình, là nơi chia sẻ những khoảnh khắc tình thân. Quý hóa là vậy nhưng không phải ai cũng biết, vì thế nhiều người thiếu coi trọng bữa ăn gia đình. Lấy cớ bận việc không ít người “trốn” cơm nhà. Cả tuần không cùng ăn cơm nhà thì nếp nhà còn đâu. Nhiều bà mẹ thấy chồng con “nhạt lòng” thì cũng dần ngại nấu nướng. Thôi thì hằng ngày cứ để con ăn bán trú ở trường, còn chồng ăn đâu tùy thích. Bản thân mình thì... ra quán. Có bà mẹ ngại rửa bát đến độ gọi “ship” đồ ăn thành thói quen.

Tới nay, ở thành thị, cảm giác như bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên như đã trở nên xa xỉ. “Triệu tập” được đông đủ cả nhà quanh bàn ăn là rất khó khăn. Bếp nước nguội lạnh, sự gắn kết các thành viên gia đình cũng lỏng ra. Những giây phút quây quần bên “bữa cơm mẹ nấu” ngày càng thưa dần. Thực tế cho thấy cuộc sống vội vã và nhiều đổi thay, sắp xếp bữa ăn gia đình ở thành phố dường như không đơn giản. Trong khi đó, bữa ăn gia đình lại mang đến rất nhiều lợi ích, ít nhất thì cũng bảo đảm an toàn và chế độ dinh dưỡng tốt hơn.

Nhưng, nếu như bữa ăn gia đình ngày một khó “bố trí” hoàn toàn có phải do người phụ nữ trong gia đình? Câu trả lời là không. Vậy thì tại sao?

Đã bao nhiêu năm qua, việc đấu tranh giành quyền bình đẳng, “nữ quyền”, loại bỏ thói gia trưởng của người đàn ông trong gia đình dù đã nhiều kết quả, nhưng riêng với chuyện nấu ăn trong nhà thì lại chưa. Hầu hết các “chủ nhân ông” mặc nhiên coi đó là thiên chức của phụ nữ. Thái độ đó “lây” cả sang con cái, khiến chúng cũng nghĩ rằng việc chợ búa, nấu nướng đương nhiên là nhiệm vụ của mẹ. Lúc đói thì kêu cơm đâu hả mẹ. Ăn xong thì vội vã ôm lấy cái smartphone để mặc mẹ với đống nồi niêu bát đũa ngổn ngang.

Chồng chia sẻ việc nhà với vợ. Con cái chia sẻ với mẹ không chỉ làm giảm gánh nặng cho người phụ nữ trong gia đình mà còn làm cho gia đình hòa thuận hơn, hạnh phúc hơn. Bữa ăn gia đình đơn sơ của nhà nghèo hay bữa ăn thịnh soạn trong một ngôi nhà cao tầng rộng lớn thì cũng đều có giá trị tinh thần như nhau. Đó là giá trị của sự gắn kết, của nếp nhà, của yêu thương. Những áp lực căng thẳng của cuộc mưu sinh như dừng lại bên ngoài cánh cửa nhà khi bữa ăn được dọn ra.

Vậy, có phải lối sống của người Việt, nếp nhà của người Việt đang đổi thay? Cũng có thể! Nhưng có một điều chắc chắn rằng những giá trị căn cốt như những sợi dây vô hình gắn kết các thành viên trong gia đình thì vẫn sẽ tồn tại, bất chấp mọi ồn ào, xáo trộn.

Trong đó có hạnh phúc được vun đắp từ những bữa ăn gia đình.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc