Bộ VHTTDL đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Sẽ tăng nặng một số khung hình phạt

VHO- Bộ VHTTDL đang tiến hành lấy ý kiến về Dự thảo Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự thảo nhằm khắc phục những bất cập trong thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Bộ VHTTDL đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Sẽ tăng nặng một số khung hình phạt - Anh 1

Tuyên truyền về bình đẳng giới và PCBLGĐ tại Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình

Thông tin được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ VHTTDL.

Còn nhiều bất cập

Trong Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gửi Chính phủ, Bộ VHTTDL cho rằng sau 12 năm triển khai và thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bên cạnh những thành tựu đạt được Luật cũng đã bộc lộ những hạn chế như: Chưa giải thích hoặc giải thích khái niệm nhưng còn chung chung dẫn đến chưa nhận diện được đúng, đầy đủ về hành vi BLGĐ; Các quy định về thông tin, tuyên truyền thông tin Luật còn chưa quy định rõ về nguyên tắc, đối tượng thông tin, tuyên truyền; Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin hiện nay. Việc thông tin, tuyên truyền chủ yếu đưa tin vụ việc, chưa chú trọng đến công tác phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực; Luật quy định về hòa giải trong PCBLGĐ nhưng chưa làm rõ được tính đặc thù giữa hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình với hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp ngoài gia đình; Các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo.

Mặt khác, Luật hiện hành chưa đưa ra các quy định cụ thể về nội dung quản lý Nhà nước về PCBLGĐ và quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ PCBLGĐ. Đối với quy định về kinh phí cho công tác PCBLGĐ, cụ thể tại khoản 1 Điều 6 quy định “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác PCBLGĐ”. Song, nhiều địa phương đặc biệt cấp xã chưa bố trí kinh phí cho công tác PCBLGĐ nên nhiều nhiệm vụ PCBLGĐ không được triển khai... Nhiều nạn nhân bạo lực gia đình ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào, thậm chí bị người gây bạo lực hoặc người trong gia đình đe dọa nếu tố cáo. Các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người phải ra khỏi nhà, trong khi đó, nạn nhân thường là người yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi).

Đưa ra những sửa đổi sát với thực tiễn

Trong báo cáo Kết quả 12 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ VHTTDL đề xuất, kiến nghị với Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ VHTTDL đề nghị sửa đổi, thay thế Luật PCBLGĐ đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và tình hình thực tế hiện nay. Những quy định cần sửa đổi, bổ sung gồm: Nhận diện được đúng, đầy đủ các hành vi BLGĐ; Mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng công tác hòa giải trong PCBLGĐ; Nâng cao hiệu quả các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ; Xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm phối hợp trong triển khai nhiệm vụ PCBLGĐ; Quy định rõ các điều kiện đảm bảo cho công tác PCBLGĐ; Khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ; Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và PCBLGĐ; Chỉ đạo Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hằng năm trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân phải có danh mục phân bổ kinh phí chi cho lĩnh vực gia đình (trong đó có PCBLGĐ); Nghiên cứu thống nhất tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về gia đình và trẻ em phù hợp với tình hình mới của đất nước.

Đối với Chính phủ, Bộ VHTTDL đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản trong Nghị định số 08/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật. Cụ thể, bổ sung các vấn đề cần hướng dẫn như: Nguồn kinh phí, nguồn nhân lực; Trách nhiệm của người đứng đầu các các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc thực thi pháp luật về PCBLGĐ; Biện pháp xử lý liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu; Chính sách đối với người tham gia PCBLGĐ; Chính sách xã hội hóa trong PCBLGĐ; Sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ để bổ sung hành vi bị xử phạt và mức phạt cho hành vi BLGĐ. Theo đó, cần thống nhất giữa khung xử phạt và mức phạt giữa hành vi BLGĐ và hành vi gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội (thậm chí một số hành vi BLGĐ còn phải xử phạt cao hơn vì tính chất quan hệ giữa nạn nhân và người gây bạo lực); Tăng nặng một số khung hình phạt liên quan đến tảo hôn, cưỡng bức hôn nhân, lựa chọn giới tính khi sinh ... và bổ sung hình thức xử phạt bổ sung nhằm răn đe, giáo dục người có hành vi BLGĐ...

Việc ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, người vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, nâng cao chất lượng của công tác hòa giải, thông tin tuyên truyền và khuyến khích xã hội hóa trong phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người. 

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc