Bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo lực trong bối cảnh Covid-19
VHO- Lễ tổng kết dự án “Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19” và ký kết dự án mới “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025” vừa được Chính phủ Australia, UNFPA, UNICEF và UN Women tại Việt Nam tổ chức.
Chương trình “Không ai hoàn hảo” do UNICEF triển khai
Các tổ chức đều cam kết cùng hợp tác và kêu gọi nhiều nỗ lực chung hơn nữa nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
55 triệu người được cung cấp thông tin
Dự án “Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19” do UNFPA, UNICEF và UN Women phối hợp cùng với Bộ LĐ,TB&XH, Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và các bên liên quan khác phối hợp thực hiện từ tháng 5.2020 đến tháng 5.2021.
Sau một năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả khả quan. Các sáng kiến truyền thông đổi mới sáng tạo đã được giới thiệu tại hơn 100 siêu thị lớn, nhỏ và hiệu thuốc. Đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, các cửa hàng này đã phát hành 10.700 tờ rơi về bạo lực trên cơ sở giới ở 4 tỉnh. Cùng với đó, là tiếng nói của nhiều người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, chiến dịch truyền thông quốc gia Trái tim Xanh - Blueheart nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực ngày càng trầm trọng đối với trẻ em và phụ nữ trong đại dịch Covid-19 đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng, các bậc cha mẹ, trẻ em, thanh thiếu niên và các nhà hoạch định, thực thi chính sách trong xã hội và các nền tảng truyền thông đại chúng với hơn 100 triệu lượt tiếp cận. Các biện pháp can thiệp truyền thông khác cũng đã cung cấp thông tin liên quan đến 55 triệu lượt người.
Dự án cũng đã tận dụng tối đa công nghệ kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội để nâng cao hiểu biết về nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới trong thời kỳ Covid-19 tiếp cận gần 55 triệu người xem thông qua cuộc thi trên Facebook, chương trình đối thoại trực tiếp, tin bài trên kênh truyền hình quốc gia và các phương tiện truyền thông khác, chương trình phát sóng bằng màn hình LCD trong thang máy và các hoạt động tiếp cận người dân ở cấp cơ sở. Dự án đã phân phát 6.644 bộ dụng cụ thiết yếu với 21 vật dụng cần thiết cho phụ nữ phải trải qua và có nguy cơ bị bạo lực tại các trung tâm cách ly, nhà tạm lánh và các khu vực bị phong tỏa ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP.HCM và Hải Dương.
Kế hoạch hợp tác hỗ trợ Đà Nẵng ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ hai đã được khẩn trương xây dựng và thực hiện. Thông tin liên quan đến nguy cơ gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và các dịch vụ hỗ trợ đã được phổ biến rộng rãi thông qua các bản tin phát thanh hằng ngày, phát 18.000 tờ rơi, 3.000 danh bạ địa chỉ hỗ trợ, áp phích lớn và clip ngắn (30 giây). Hai nhà tạm trú đã được thiết lập tại các khách sạn, ba ban chỉ đạo phòng chống bạo lực được thành lập và các số điện thoại đường dây nóng tại địa phương đã được vận hành, 69 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực có hoàn cảnh khó khăn nhận được hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp.
Tăng cường các chiến lược phòng ngừa
Dựa trên thành công của dự án “Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, Chính phủ Australia đã ký kết viện trợ 9,5 triệu đô la Australia (tương đương 169 tỉ đồng Việt Nam) để hỗ trợ dự án mới “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam” sẽ được thực hiện từ tháng 6.2021 đến tháng 7.2025. Dự án mới này nhằm đạt được một mục tiêu là tất cả phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương, có thể sống một cuộc sống không bị bạo lực thông qua các chiến lược phòng ngừa được tăng cường và các biện pháp ứng phó đa ngành nhằm: Thúc đẩy luật pháp và chính sách dựa trên bằng chứng, tăng cường phân bổ nguồn lực và cơ chế phối hợp cũng như trách nhiệm giải trình nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em phù hợp với các tiêu chuẩn và cam kết quốc gia và quốc tế; Ứng phó đa ngành được củng cố và hiệu quả hơn (bao gồm hệ thống, năng lực và cung cấp dịch vụ) giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu có chất lượng cho nạn nhân và người sống sót sau bạo lực…
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, trong vòng 4 năm tới, chương trình sẽ tăng cường các chiến lược phòng ngừa và các nỗ lực ứng phó đa ngành nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực đối với trẻ em, tăng cường hệ thống ứng phó với bạo lực và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.
Cùng với sự nỗ lực chung tay của các tổ chức quốc tế và các nước thì việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em luôn được Việt Nam đặt ưu tiên hàng đầu. Sự chung tay của các tổ chức quốc tế cũng như Chính phủ Việt Nam đều hướng tới một xã hội Việt Nam không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và nhân phẩm của mọi người đáng được tôn trọng.
HIỀN LƯƠNG